|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hãng xe điện lớn nhất thế giới vào Việt Nam: Chúng tôi không cạnh tranh VinFast

08:09 | 26/04/2024
Chia sẻ
Tổng giám đốc mảng ôtô của BYD Châu Á - Thái Bình Dương cho biết khi vào Việt Nam, hãng muốn cùng VinFast phát triển thị trường xe điện.

"BYD rất khâm phục VinFast, vì họ đã tiên phong đưa xe điện vào Việt Nam, giúp người dùng tiếp cận và hiểu rõ hơn về loại phương tiện này. Chúng tôi không cạnh tranh mà muốn chung tay với VinFast để phát triển xe điện, vì lúc này thị trường mới manh nha", ông Liu Xue Liang, Tổng giám đốc mảng ôtô của BYD Châu Á - Thái Bình Dương nói, hôm 25/4 tại trụ sở của hãng ở Thâm Quyến, Trung Quốc trong cuộc gặp với truyền thông Việt Nam.

Trong khi đó, CEO của BYD Việt Nam, ông Ouyang Xiaocheng thì nói rằng, càng có nhiều thương hiệu, điều đó chứng tỏ thị trường Việt Nam càng hấp dẫn.

Hãng xe điện bán chạy nhất thế giới đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để ra mắt khách hàng Việt vào tháng 6, với hệ thống showroom ở Hà Nội, TP HCM và mục tiêu gần là 20 tỉnh, thành trên cả nước. Phân phối dòng xe này tại Việt Nam là công ty BYD Auto Việt Nam, vốn 100% của BYD Trung Quốc.

Ông Liu Xue Liang, Tổng giám đốc mảng ôtô của BYD Châu Á - Thái Bình Dương. (Ảnh: Đức Huy).

BYD (Build Your Dreams) ra đời năm 1995, vốn được biết đến là nhà sản xuất pin cho các thiết bị điện tử, phương tiện. Cùng với CATL, hai hãng Trung Quốc chi phối phần lớn ngành pin thế giới. BYD tham gia sản xuất ôtô từ 2003, bắt đầu với xe xăng, đến 2022 bỏ xe xăng, chỉ còn xe điện và hybrid (xe năng lượng mới). Năm 2023, BYD là hãng xe điện hóa bán chạy nhất thế giới, với doanh số hơn 3 triệu xe toàn cầu, trong đó gần 2,6 triệu tại Trung Quốc, 400.000 xe các thị trường khác, theo số liệu của EV-Volumes (thuộc J.D. Power). Trong số 3 triệu xe, tỷ lệ xe thuần điện (BEV) và pulg-in hybrid (PHEV) là 50-50.

Khi vào Việt Nam, BYD sẽ trở thành hãng xe điện phổ thông thứ hai có dải sản phẩm đa dạng, bên cạnh VinFast. Trước đó, thị trường đã có Wuling nhưng chỉ một sản phẩm thuần điện là Mini EV, nằm ở phân khúc có dung lượng rất nhỏ. Vì vậy, sự góp mặt. của BYD được kỳ vọng sẽ biến thị trường xe điện Việt Nam trở thành một sân chơi đúng nghĩa với nhiều lựa chọn cho khách hàng.

Khi ra mắt tới đây, hãng sẽ giới thiệu 3 mẫu xe là chiếc hatchback cỡ nhỏ Dolphin, crossover cỡ nhỏ Atto 3 (giữa cỡ B và C) và sedan cỡ vừa Seal (nằm giữa cỡ C và D). Đến cuối năm, có thể thêm 3 mẫu xe khác về nước là sedan cỡ D Han, mẫu crossover hybrid Song và crossover cỡ trung Tang. Bởi chủ động đầu tư, và chủ động nguồn cung, nên kế hoạch sản phẩm cũng có thể thay đổi tùy thuộc mức độ đón nhận của người dùng Việt.

Các sản phẩm hiện đều nhập khẩu từ Trung Quốc. Hãng có kế hoạch xây nhà máy tại Việt Nam, nhưng chưa tiết lộ cụ thể lộ trình.

Hãng chưa chốt phương án định giá sản phẩm nhưng hé lộ sẽ đủ sức cạnh tranh với xe xăng cùng phân khúc. Đại diện BYD cũng cho biết hãng không nhìn giá của VinFast để định giá cho các sản phẩm của mình, mà muốn nhắm tới là các mẫu xe xăng. Chuyển dịch từ xe xăng sang xe điện mới là đích của BYD, điều này tương tự với mục tiêu của hãng xe điện Việt Nam.

Atto 3 (bìa phải) và Seal (giữa), hai mẫu xe sẽ bán tại Việt Nam từ tháng 6. (Ảnh: Đức Huy).

Để tiếp cận khách hàng, BYD chọn cách thông qua bản thân sản phẩm, mà không phát triển hạ tầng sạc như VinFast. Khách hàng mua xe giai đoạn đầu có thể sạc tại nhà, trạm sạc nhanh ở đại lý và của bên thứ ba. Lý giải cho việc này, BYD cho rằng đó sẽ là mảng kinh doanh rất riêng, cơ hội cho các nhà cung cấp trạm sạc. Hãng quan niệm nếu thị trường đón nhận tốt thì hạ tầng tự khắc sẽ phát triển theo, "có cầu ắt có cung", như cách hãng đã làm ở những thị trường khác.

Cũng bởi chọn cách tiếp cận này, hãng xe điện lớn nhất thế giới không đặt áp lực doanh số và cho rằng khách hàng khi chọn xe, sẽ đều có tính toán lộ trình hợp lý cho việc chủ động sạc. Tuy vậy, nguồn tin của VnExpress cho biết, hãng lên kế hoạch bán khoảng 5.000 xe trong 6 tháng nửa sau 2024, tức khoảng gần 900 xe/tháng, đây là con số rất thách thức cho một thương hiệu mới, xuất phát từ Trung Quốc và thuộc mảng xe điện vốn chưa thực sự nở rộ.

Tuy vậy, BYD có cơ sở để đặt ra mục tiêu này, khi sản phẩm của hãng đều được đón nhận nhanh tại các thị trường mới thâm nhập và đánh giá tích cực của người dùng về chất lượng. Ví như tại Thái Lan, xuất hiện từ cuối 2022, chỉ sau một năm, hãng bán 30.650 xe vào 2023, chiếm 40% thị phần xe điện, trở thành hãng xe điện bán chạy nhất Thái Lan. Mẫu xe điện bán chạy nhất thị trường này là BYD Atto 3, cũng là chiếc sẽ bán tại Việt Nam. Xuất phát điểm là một công ty nghiên cứu kỹ thuật, sở hữu nhiều bằng sáng chế trong lĩnh vực xe điện, các công nghệ mới độc quyền như pin lưỡi dao (blade battery), CTB (cell-to-body - các cell pin lắp thẳng vào khung xe) cũng giúp BYD tự tin hơn, dù với khách Việt vốn được các hãng xe nhận xét là rất khó tính, và khó đoán.

Đức Huy