|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

VinFast giải áp lực dòng tiền trong việc xây nhà máy ở Mỹ, Indonesia và Ấn Độ như thế nào

14:56 | 25/04/2024
Chia sẻ
Dự kiến trong giai đoạn 2025 - 2026, các nhà máy xây mới ở thị trường nước ngoài của VinFast sẽ đi vào hoạt động. Thời gian này, công ty đang xúc tiến quá trình đầu tư, xây dựng.

Ngoài nhà máy sản xuất ô tô hiện có với công suất 250.000 xe/năm và dự kiến nâng lên 950.000 xe/năm vào 2026 tại Đình Vũ (Hải Phòng), VinFast đang xúc tiến để xây 3 nhà máy bên ngoài Việt Nam, gồm Mỹ, Ấn Độ và Indonesia.

Bên trong nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng. (Ảnh: Đức Huy).

Tại Mỹ, hãng xe dự kiến chi 4 tỷ USD xây tổ hợp nhà máy sản xuất xe điện tại bang Bắc Carolina. Tổ hợp gồm 8 nhà máy với chức năng khác nhau. Trong đó mức đầu tư giai đoạn đầu là 2 tỷ USD, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025.

Tại Ấn Độ, VinFast có kế hoạch xây nhà máy trị giá 2 tỷ USD tại bang Tamil Nadu. Công ty sẽ đầu tư trước 500 triệu USD trong 5 năm đầu nhằm hưởng ưu đãi và tiến hành bán xe tại thị trường này.

Ở Indonesia, nhà sản xuất ô tô của ông Phạm Nhật Vượng dự kiến rót 200 triệu USD xây nhà máy công suất 30.000 - 50.000 xe/năm. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ vận hành vào năm 2026.

Giải thích về kế hoạch phát triển nhiều nhà máy tại các thị trường bên ngoài Việt Nam, tại cuộc họp thường niên diễn ra sáng 25/4, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast nói:

“Việc xây dựng nhà máy tại nước ngoài không chỉ giúp VinFast tăng khả năng cạnh tranh khi tiết giảm tối đa chi phí về logistics, mà tập đoàn còn có thể nhận hỗ trợ hơn lớn từ chính sách và thuế phí, được nhiều hơn từ cơ chế ưu đãi của địa phương”.

Ông Vượng cho biết tại Mỹ, trong 5 năm VinFast bỏ ra 2 tỷ USD để phát triển thì có thể nhận được hơn 2 tỷ USD tiền hỗ trợ bao gồm cả các chính sách ở nước sở tại. 

Hay như tại Ấn Độ, tờ Reuters trích dẫn lời ông Phạm Sanh Châu - CEO VinFast India, trong buổi lễ khởi công xây nhà máy, hồi tháng 2 rằng: “Chúng tôi đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu, chẳng hạn xuống 70% - 80% trong vòng hai năm và đối với một số lượng xe rất hạn chế nhằm giúp khách hàng làm quen với các sản phẩm VinFast”. Chính phủ Ấn Độ đang xem xét đề xuất này.

Trong khi đó, ở Indonesia trong năm tài khoá hiện tại, Chính phủ nước này trợ cấp tối đa cho 50.000 ô tô điện, với 80 triệu rupiah (khoảng 5.200 USD) cho xe thuần điện và 40 triệu rupiah (khoảng 2.600 USD) cho xe hybrid (xe xăng lai điện) bán ra thị trường.

Ngoài ra, từ cuối tháng 2, Indonesia cũng đã loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế suất 11%) đối với xe điện trong năm tài chính 2024 và thuế nhập khẩu cho đến cuối 2025. Tổng cộng, mỗi xe điện tại Indonesia được ưu đãi khoảng 7.400 USD (khoảng 174 triệu đồng).

“Đây chính là các đòn bẩy để VinFast có thể chiếm ưu thế tại thị trường quốc tế và cải thiện doanh số. Nguồn vốn phát triển các nhà máy tại các nước trên đều là nguồn vốn huy động từ các nước sở tại bởi tại đây đều có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển xanh”, ông Phạm Nhật Vượng nói trong sự kiện ngày 25/4.

Ông Phạm Nhật Vượng tại cuộc họp sáng 25/4. (Ảnh: Vingroup cung cấp).

Ngoài những ưu đãi/lợi ích tài chính VinFast nhận được khi đầu tư phát triển nhà máy tại các quốc gia này, bản thân công ty mẹ Vingroup và Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cũng chuẩn bị dòng tiền cho VinFast tiếp tục theo đuổi mục tiêu.

Tỷ phú Vượng nói với cổ đông trong sáng 25/4 rằng nghi ngờ dòng tiền và năng lực của Vingroup là không có cơ sở. Ông khẳng định mọi kế hoạch tài chính đều được thực hiện rất nghiêm túc và tập đoàn chưa chậm trả lãi ngân hàng một đồng nào. Trong đó, Vingroup dành tất cả nguồn lực cho VinFast bởi “VinFast là tương lai, là danh dự của Vingroup”.

Vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam nói bản thân đã tài trợ cho VinFast 1 tỷ USD và đang tiếp tục thu xếp tài trợ thêm 1 tỷ USD nữa. Tháng 4 năm ngoái, Chủ tịch Vingroup đã hiến tặng 1 tỷ USD cho VinFast từ nguồn tài sản cá nhân, trong khi Vingroup tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD và cho vay 1 tỷ USD với thời hạn 5 năm.

Bên cạnh đó, hai cổ đông lớn kiểm soát bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ tặng cho VinFast toàn bộ số tiền ròng thu được từ bán 46 triệu cổ phiếu, theo thông tin đã đăng ký tại Bản cáo bạch F-1 nộp cho Sở Giao dịch chứng khoán Mỹ. 

Không chỉ quyên tặng tiền mặt, tháng 10/2023, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tặng 99,8% cổ phần của CTCP Giải pháp Năng lượng VinES cho hãng xe điện VinFast. VinES là công ty thành viên của Vingroup có tổng vốn pháp định 6.500 tỷ đồng. 

Tại cuộc họp công bố kết quả kinh doanh vào cuối tháng 2, Chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thuỷ ước tính tổng đầu tư vốn trong giai đoạn 2024 - 2025 của hãng xe sẽ nằm trong khoảng từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ USD. Một phần khoản đầu tư này là bắt buộc, tuy nhiên một phần khác có thể được hoãn lại sang giai đoạn sau. Đây là con số ước tính dựa trên thông tin hiện tại.

Thời điểm đó, bà Thuỷ nói rằng hiện VinFast còn khoảng 680 triệu USD từ tiền tài trợ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và tập đoàn mẹ Vingroup. Dự kiến số tiền này sẽ được giải ngân trong nửa đầu năm nay.

Tại cuộc họp sáng 25/4, tỷ Phú Phạm Nhật Vượng cho biết VinFast dự kiến tới năm 2026 sẽ hoà EBITDA và bắt đầu có lãi. 

Thực tế, theo ông Vượng, một số thị trường đã bắt đầu có lãi nhưng trên nền “3 không”: không khấu hao - không lợi nhuận - không chi phí tài chính, tất cả nội dung đó bỏ ra không tính vào giá thành để cho năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn. 

“Dần dần từng bước có thể nói lên câu chuyện tính được cả chi phí khấu hao, chi phí tài chính vào trong giá xe để mục tiêu có lãi”, vị chủ tịch chia sẻ.

Đức Huy