|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Hàng Việt chiếm trên 90% hệ thống siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi

07:49 | 14/08/2020
Chia sẻ
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.
Hàng Việt chiếm trên 90% hệ thống siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi - Ảnh 1.

Hàng Việt đến nay đã chiếm tỉ lệ cao trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, tại các hệ siêu thị nước ngoài, chiếm từ 60 - 96%. Ảnh: Như Huỳnh.

Ngày 12/8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020.

Theo Báo cáo, Hàng Việt đến nay đã chiếm tỉ lệ cao trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, tại các hệ siêu thị nước ngoài, chiếm từ 60 - 96%. 

Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỉ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên, trong đó có các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, đạt trên 80% mục tiêu của Đề án.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc Vận động, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện Đề án khẳng định, 6 năm triển khai, Đề án đã hỗ trợ nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ Việt Nam thông qua các chương trình truyền thông thường xuyên, liên tục; hỗ trợ thống phân phối hàng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

Qua đó đã chứng minh sức sống mãnh liệt của hàng Việt Nam là trụ cột quan trọng của thị trường nội địa; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.

Từ đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ thì với quy mô gần 100 triệu người, thị trường nội địa là không gian đủ rộng cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn và thách thức. 

Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kì năm 2019 nhưng riêng tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng vẫn chiếm 79,2%, tăng 3,6% so với cùng kì năm trước, bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và bảo đảm cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị, hàng hóa để duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng, đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để Bộ Công Thương triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Công Thương khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới với mục tiêu “Nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại. Bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 và tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng ở những năm tiếp theo”.

Hàng Việt chiếm trên 90% hệ thống siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi - Ảnh 2.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thăm gian hàng Việt tại hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương.

Đồng quan điểm, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá, từ đầu năm đến nay, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. 

Trong khi nhiều chỉ số kinh tế suy giảm hoặc tăng chững lại thì bán lẻ hàng hóa trong nước 7 tháng qua vẫn tăng. Đặc biệt, với sự xuất hiện dịch bệnh COVID-19 trở lại tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội… vừa qua đã cho thấy sự vững mạnh của hàng Việt và hệ thống phân phối trong nước, khi không còn hiện tượng khan hàng, sốt giá những mặt hàng thiết yếu. 

Bà Ánh đánh giá cao Bộ Công Thương qua 6 năm thực hiện Đề án đã tổ chức thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối từ người nông dân, công nhân, người lao động, doanh nghiệp Việt Nam từ thành thị, vùng sâu, vùng xa đến với các chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đại để đến nay chúng ta có một hệ thống phân phối đủ mạnh, có mặt ở khắp mọi nơi, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của nhân dân, ngay cả trong tình trạng khẩn cấp. 

Tuy nhiên, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng vẫn còn một số tồn tại trong quá trình triển khai Đề án. 

Cụ thế, do ngân sách phân bổ còn hạn chế so với dự kiến nên quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, một số nhiệm vụ chưa được tập trung thực hiện; chưa có Thông tư riêng hướng dẫn việc triển khai Đề án dẫn đến quá trình thanh, quyết toán còn gặp nhiều khó khăn; một số địa phương chưa gắn việc xây dựng thực hiện Đề án với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chưa phân bổ kinh phí để mở rộng triển khai các chương trình thuộc Đề án…

Theo đó, để tiếp tục triển khai Cuộc vận động trong giai đoạn tiếp theo, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông đề xuất bổ sung thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt thuận tiện, linh hoạt.

Bố trí đủ kinh phí từ ngân sách trung ương để hỗ trợ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án; Các Bộ, ban ngành tiếp tục phối hợp, tăng cường triển khai Đề án, lồng ghép các chương trình của Đề án vào nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị.

Đồng thời, UBND, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tại các tỉnh, thành phố cần xây dựng Kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khai thác và phát triển thị trường trong nước.

Như Huỳnh