Hàng triệu người Texas vẫn thiếu nước uống, Tổng thống Biden tuyên bố tình trạng thảm họa
Hàng chục triệu dân Texas phải đun nước trong lúc thiếu gas, thiếu điện
Ngày 19/2 (theo giờ Mỹ), Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) cho biết Tổng thống Joe Biden đã đồng ý tuyên bố tình trạng thảm họa ở Texas.
Theo CNBC, quyết định này của ông Biden sẽ cho phép chính phủ liên bang cấp ngân sách để hỗ trợ người dân Texas thông qua việc thu xếp chỗ ở tạm thời, sửa chữa nhà cửa và cho vay lãi suất thấp.
Trong tuần qua, đã có lúc hơn 4 triệu người dân Texas bị cắt điện do các nhà máy không thể hoạt động trong điều kiện nhiệt độ quá thấp. Hiện nay, vấn đề về điện đã được khắc phục một phần nhưng nguồn cung cấp nước cho hơn một nửa số khu vực trong bang vẫn đang bị gián đoạn.
Tính đến ngày 18/2, khoảng 14 triệu người dân Texas được chính quyền khuyến cáo đun sôi nước trước khi uống thay vì uống thẳng từ vòi như trước đây. Nguyên nhân là một số đoạn đường ống đã bị đóng băng và nứt vỡ, áp lực nước không đủ cũng khiến cho nguồn nước dễ bị nhiễm bẩn từ bên ngoài.
Nhiều gia đình ở Texas đã và đang phải đun chảy tuyết thành nước để sinh hoạt vì không có nước máy. Một số nhà còn không có gas và điện để đun nấu.
Tại bệnh viện thành phố Abilene (Texas), một người đàn ông đã chết vì các nhân viên y tế không thể cứu chữa trong tình cảnh thiếu nước. Trên khắp nước Mỹ, ít nhất 69 người đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan tới thời tiết lạnh bất thường.
CNBC dẫn lời bà Alison Silverstein – nhà tư vấn năng lượng độc lập và cựu cố vấn chiến lược cho Ủy ban Quản lý Năng lượng Liên bang – dự báo ít nhất 20 triệu người dân Texas sẽ phải đun sôi nước trước khi uống.
Tuần trước, chính quyền liên bang đã phê chuẩn việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở một số bang gồm Texas, Oklahoma, Lousiana và gửi hàng tiếp tế như máy phát điện, chăn, nước sạch và thực phẩm tới Texas.
Sớm nhất vào tuần sau, ông Biden sẽ đến thăm Texas để đôn đốc phản ứng của các cơ quan liên bang trong khủng hoảng. Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về chuyến đi sau khi chắc chắn rằng sự hiện diện của ông không cản trở các nỗ lực cứu trợ. Chính quyền của ông Biden đã phối hợp chặt chẽ với Thống đốc Texas Greg Abbott (Đảng Cộng hòa) để khắc phục tình trạng thảm họa.
Giá điện cao cắt cổ
Ngày 18/2, Hội đồng Năng lượng Tin cậy Texas (ERCOT) tuyên bố đã quay lại hoạt động bình thường và cấp điện trở lại cho hàng triệu khách hàng. Tuy nhiên theo số liệu của PowerOutage.us, tính đến 10h30 sáng 19/2 (theo giờ Mỹ), vẫn còn hơn 78.000 khách hàng ở Texas không có điện.
Trong bối cảnh nguồn cung điện khan hiếm, giá điện đã tăng vọt gấp 200 lần bình thường. Một gia đình ở Texas phát sinh hơn 7.000 USD tiền điện trong hai ngày của tháng 2/2021. Cả tháng trước đó, tiền điện của gia đình này chỉ là hơn 300 USD. Một số gia đình có tiền điện tháng 2 này lên tới 17.000 USD dù vẫn chưa hết tháng.
Texas vận hành mạng lưới điện độc lập với phần còn lại của nước Mỹ nên không thể xuất khẩu năng lượng sang các bang khác lúc dư thừa và cũng không thể nhập khẩu điện lúc thiếu hụt khẩn cấp.
Thị trường điện của Texas do tư nhân quản lý và được thả nổi hoàn toàn để "phản ánh mối quan hệ cung cầu" nên đã xảy ra tình trạng giá điện tăng dựng đứng trong lúc người dân khốn khó nhất, cần năng lượng nhất để giữ cho gia đình không bị chết cóng.
Trước khi bão tuyết ập đến và gây ra đợt lạnh giá kỷ lục này, giá điện ở Texas là chưa đến 50 USD/MWh. Trong đợt lạnh tuần vừa qua, giá điện có lúc vọt lên trên 10.000 USD/MWh. Hôm 17/2, Ủy ban Năng lượng Công cộng của Texas đã yêu cầu ERCOT áp mức trần giá điện 9.000 USD/MWh, vẫn cao hơn khoảng 200 lần so với bình thường.
Quan chức Texas làm gì khi dân chúng khổ sở?
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ted Cruz tuần này bị công chúng chỉ trích gay gắt vì đi du lịch cùng gia đình đến Mexico trong khi người dân trong bang đang khổ sở vì thiếu nước, mất điện.
Ông giải thích rằng mình muốn đi du lịch cùng con gái trong thời gian trường học đang đóng cửa, nhưng lý do này không nhận được nhiều sự cảm thông. Vị thượng nghị sĩ đã phải thừa nhận rằng chuyến đi du lịch này "rõ ràng là một sai lầm".
Theo AP, ông Cruz đã vội vã quay về Texas trong chiều 18/2 tuy nhiên không xuất hiện trước công chúng vào ngày 19/2. Văn phòng của ông không phản hồi câu hỏi về lịch làm việc và các biện pháp mà vị thượng nghị sĩ này đang làm để giúp đỡ người dân Texas.
Ông chỉ gửi ra một thông cáo ủng hộ việc Thống đốc Greg Abbott đề nghị chính quyền liên bang giúp đỡ.
Bản thân Thống đốc Greg Abbott cũng đang bị chỉ trích vì phản ứng chậm trễ thảm họa này. CNBC dẫn lời ông Julian Castro - cựu Thị trưởng thành phố San Antonio - đăng tweet: "Thống đốc Abbott đã không chuẩn bị kỹ càng cho cơn bão này, chậm phản ứng, và giờ đây lại đổ lỗi cho tất mọi người ngoại trừ chính ông ta".
"Thống đốc Abbott đã phớt lờ hệ thống lưới điện cũ kỹ và thiếu quản lý của Texas", ông Castro nói thêm.
Các nhà lập pháp Texas đã tổ chức một buổi điều trần vào ngày 18/2 để bàn về tính ổn định của hệ thống điện và lý do khiến giá điện tăng sốc. Hạ nghị sĩ bang Donna Howard cho rằng Hạ viện của Texas cần đánh giá tác động của việc tháo gỡ các quy định quản lý trong quá khứ đối với hệ thống các tiện ích của Texas.
Hôm 16/2, ông Tim Boyd - Thị trưởng thành phố Colorado ở phía tây Texas đã gọi dân chúng là "hay đòi hỏi", "lười biếng" và chỉ chờ được "bố thí".
"Không ai nợ các người cái gì cả, chính quyền địa phương cũng không có trách nhiệm giúp đỡ các người trong lúc khó khăn thế này! Sống hay chết mặc kệ chúng bay!", ông Boyd viết trong bài đăng trên Facebook. Hiện bài đăng này đã bị xóa và vị thị trưởng cũng đã phải từ chức.