|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàng triệu lao động Việt sẽ mất việc khi robot thay thế con người?

11:46 | 27/11/2016
Chia sẻ
Tương lai mất việc của hàng triệu lao động Việt Nam trước sự tiến công "vũ bão" của máy móc kỹ thuật cao, tự động hóa, robot là lo ngại sát thực. Làm thế nào để thích ứng được với sự thay đổi tất yếu đó là câu hỏi được các chuyên gia trăn trở thảo luận.
tuong lai nao khi robot se thay the con nguoi
Lao động các ngành dệt may da giày có thể bị thay thế bới máy móc trong tương lai. (Ảnh: HUỲNH CÔNG BÁ)

Kịch bản nào cho tương lai

Góp tham luận tại hội thảo quốc tế bàn về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức diễn ra tuần qua, TS Nguyễn Thắng Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam cho rằng cần phải dự tính kịch bản khi mà các tập đoàn đa quốc gia đang hiện diện ở Việt Nam có thể thực hiện những bước đi thay thế công nhân đang sản xuất bằng robot và “đưa dây chuyền sản xuất trở lại quê hương”.

Hồi đầu năm nay, Foxconn - một nhà máy ở Trung Quốc chuyên sản xuất phụ kiện cho Apple, Sony và Nokia đã cắt giảm 60.000 công nhân, tức là hơn một nửa lượng lao động để thay thế bằng robot.

Hiện nay, ở Việt Nam chi phí nhân công mới bằng khoảng 60% so với ở Trung Quốc, xong xu thế này đáng lo ngại do giá người máy giảm nhanh. "Chỉ cần Samsung Việt Nam thực hiện động thái như Foxconn, việc làm của hàng chục nghìn lao động Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng", ông Thắng bày tỏ.

Trái ngược với lo lắng của các chuyên gia, đại diện của Bộ Ngoại giao lại cho rằng rủi ro mất việc làm từ tiến bộ công nghệ chỉ có giới hạn nhất định. Theo đó, ứng dụng công nghệ mới thường diễn ra không như nhiều dự báo lạc quan bởi có thể gặp phải trở ngại từ pháp lý và xã hội.

Vị đại diện cho rằng bản thân người lao động có khả năng điều chỉnh khi thay đổi công nghệ. Đặc biệt, công nghệ mới sẽ tạo ra việc làm mới, mặc dù việc làm cũ có thể mất đi.

Tuy nhiên theo TS Thắng, chất lượng lao động của Việt Nam không mấy khả quan, phần lớn là lao động giá rẻ trình độ thấp, chưa đáp ứng được các ngành đòi hỏi kỹ thuật cao. Ông dẫn chứng, trong 3 năm gần đây, số lượng công việc của ngành này đã tăng trung bình 47%/năm, nhưng số lượng nhân sự chỉ tăng ở mức 8%.

Vị tiến sỹ cho rằng, nên có chính sách ưu tiên rõ rệt cho các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán. Bởi hiện nay một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nhân lực trong một số ngành công nghệ tăng trưởng nhanh là do những sinh viên giỏi nhất thường lựa chọn các ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng...

Ông đề xuất tạo kết nối hiệu quả giữa Nhà nước, khu vực doanh nghiệp và các trường đại học công nghệ để thúc đẩy sự phát triển một số ngành chọn lọc, đặc biệt là công nghệ thông tin.

Đi tìm mô hình tăng trưởng mới

Trao đổi với phóng viên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đang thay đổi điều kiện tiên quyết tạo lợi thế cạnh tranh của các nước đang phát triển như Việt Nam.

Cạnh tranh của Việt Nam từ năm 2020 trở đi không phải với Trung Quốc, Bangladesh, Malaysia, Ấn Độ hay Mexico mà là với những công ty tự động hóa của Mỹ, Nhật.

"Đó mới là nguy cơ khủng khiếp nhất, nếu không nhìn ra được vấn đề đó để đối phó sẽ thất bại", ông Kiên nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đặt vấn đề, Việt Nam có cần thiết đặt mục tiêu là nước đi đầu trong các hoạt động sản xuất, xuất khẩu nữa không? Nhiều năm dẫn đầu xuất khẩu gạo nhưng giá thành của Việt Nam chỉ bằng một phần nhỏ gạo Thái Lan, Nhật Bản.

Để theo kịp tiến trình của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, nhiệm vụ 5 năm tới Việt Nam phải tạo giá trị gia tăng trên khối lượng hàng sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, quá trình tạo giá trị gia tăng cũng đặt ra câu hỏi về phân chia lợi nhuận như thế nào.

Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, chia lợi nhuận cho người nông dân ra sao. Vì vậy, người nông dân phải gắn với doanh nghiệp, phải cho nguời nông dân quyền sử dụng đất. Cần quay về bản chất tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, ông Kiên bày tỏ. Khi đó, công việc mới sẽ được tạo ra từ sự chuyển dịch này.

Do đó, theo ông Kiên, kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 không phải tăng trưởng được bao nhiêu, vấn đề sống còn là Việt Nam là có đổi mới được mô hình tăng trưởng thích ứng được với môi trường cạnh tranh mới hay không.

Nghiên cứu của ILO dự báo, trong 2 thập kỷ tới, khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là ngành may mặc với tỷ lệ lên đến 86%.

Còn theo WEF, đến năm 2021 sẽ có 7,2 triệu lao động dư thừa trên toàn cầu, chủ yếu là trong các lĩnh vực quản lý và quản trị, đặc biệt là trong ngành y tế. Trong khi đó, sẽ chỉ có 2,1 triệu việc làm mới được tạo ra - chủ yếu trong các lĩnh vực chuyên môn cao như tin học, toán học, kiến trúc, kỹ thuật..., do đó, số người bị mất việc sẽ lớn hơn rất nhiều. Số phụ nữ bị mất việc sẽ nhiều hơn nam giới (tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%) do phụ nữ khó thích nghi với công nghệ kỹ thuật cao trong các công việc làm mới do CMCN 4 tạo ra.

Thái Hoàng

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).