|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàng chủ lực “kìm chân” xuất khẩu

08:29 | 31/12/2016
Chia sẻ
Năm 2016 tiếp tục là năm khó khăn đối với XK của Việt Nam khi không đạt mục tiêu đề ra. Nhiều ngành hàng XK chủ lực vẫn tăng trưởng nhưng thấp hơn nhiều so với năm 2015.
hang chu luc kim chan xuat khau
XK thuỷ sản ước đạt 6,99 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2015. Ảnh: Nguyễn Hà.

Không đạt

Năm 2016 chỉ còn tính bằng ngày và một loạt các chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm đã dần hiện ra, trong đó có chỉ tiêu XNK. Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12, tổng kim ngạch XNK hàng hoá của Việt Nam ước đạt 32,3 tỷ USD. Kết quả này đóng góp vào con số dự kiến tổng kim ngạch XNK năm nay đạt 349,2 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015, trong đó tổng kim ngạch XK ước đạt 175,94 tỷ USD, tăng 8,6% và tổng kim ngạch NK ước đạt 173,26 tỷ USD, tăng 4,6%.

Nhóm các mặt hàng có kim ngạch XK đạt cao trong năm 2016 không có sự thay đổi nhiều so với các năm trước. Cụ thể, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện có kim ngạch đạt cao nhất, uớc đạt 34,51 tỷ USD; tiếp đến là dệt may ước đạt 28,3 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 18,48 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 10,48 tỷ USD…

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng NK lớn nhất của Việt Nam cũng không nhiều thay đổi, trong đó, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng vẫn dẫn đầu với kim ngạch ước đạt 28,09 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2015. Tiếp sau là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch khoảng 27,8 tỷ USD. Với nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện, tuy tổng kim ngạch NK giảm 0,3% so với năm trước nhưng vẫn đạt tới 10,56 tỷ USD. Các mặt hàng vải các loại; sắt thép các loại; chất dẻo nguyên liệu; nguyên, phụ liệu dệt, may, da, giày... cũng có kim ngạch NK khá cao, dao động từ trên 5 tỷ đến hơn 10,5 tỷ USD.

Như vậy, mục tiêu XK tăng 10% so với năm 2015 đã không đạt được. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch XK dưới 5% trong năm 2016 hoàn toàn trong tầm tay. Năm 2016, trái ngược với xu hướng nhập siêu lên tới 3,55 tỷ USD của năm 2015, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam dự kiến xuất siêu 2,68 tỷ USD. Song thành tích xuất siêu vẫn là phụ thuộc vào khối DN FDI.

Hàng chủ lực giảm nghiêm trọng

Theo đánh giá chung, năm 2016 tiếp tục là năm có nhiều khó khăn cho hoạt động XK, NK của Việt Nam khi tình hình kinh tế thế giới chưa có nhiều khởi sắc. Trên thực tế, có 8 nhóm hàng XK đạt trên 5 tỷ USD, đóng góp hơn 100 tỷ USD vào kim ngạch XK chung, gồm: Điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; hàng thủy sản; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng. Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng của những mặt hàng chủ lực không cao đã khiến cho mục tiêu XK năm 2016 không như dự kiến.

Điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng đóng góp lớn nhất vào kim ngạch XK của cả nước, ước đạt 34,51 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2015. Tuy nhiên, nếu so sánh với mức tăng trên 30% của năm 2015 thì đây chỉ là mức tăng khiêm tốn. Nguyên nhân là do mặt hàng này sau thời gian tăng trưởng đột biến đã đến “ngưỡng”, không thể đạt mức tăng trưởng như năm 2015 và những năm trước đó. Chưa kể, sự cố sản phẩm Galaxy Note 7 của Tập đoàn Samsung trong năm 2016 cũng ít nhiều tác động đến sự tăng trưởng của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện. Chính những nguyên nhân này phần nào ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tăng trưởng XK 10% mà Quốc hội đặt ra từ đầu năm.

Với nhiều nỗ lực, mấy năm trở lại đây, dệt may đã vươn lên vị trí thứ 2 về kim ngạch XK. Năm 2016, ngành hàng này tiếp tục duy trì được vị trí này với kim ngạch ước đạt 28,3 tỷ USD, thế nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành lại rất thấp (chỉ tăng gần 5%), có thể nói là thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân đã được các DN nói rất nhiều từ những tháng giữa năm 2016. Đó là kinh tế thế giới khó khăn khiến giá XK giảm, số lượng đơn hàng giảm, thị trường NK giảm nhu cầu NK… Đáng chú ý, tình trạng đơn hàng “chạy” sang các nước đối thủ như Campuchia, Bangladesh, Ấn Độ khi những nước này tăng cường các chính sách để hỗ trợ ngành sản xuất trong nước, trong khi các chính sách ở trong nước như tiền lương, quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may, chi phí đầu vào không ngừng tăng. Khó khăn của ngành dệt may khiến Bộ Công Thương phải gửi công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết.

Ngành da giày cũng rơi vào tình trạng tương tự. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam cho biết, EU là thị trường XK da giày lớn thứ 2 sau Mỹ nhưng trong năm 2016 số lượng đơn hàng từ thị trường này giảm mạnh. Cụ thể, Anh và Đức là 2 thị trường XK chính trong EU nhưng năm nay lượng đơn hàng XK sang Anh trung bình giảm khoảng 30%, thậm chí có những DN XK lượng đơn hàng sụt giảm đến 60%.

Nông sản bứt phá

Trong khi các nhóm hàng XK chủ lực tăng trưởng thấp thì nhiều mặt hàng nông sản có sự tăng trưởng tốt. Nếu trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm 0,18% thì trong 6 tháng cuối năm các mặt hàng có sự bứt phá mạnh.

Năm 2016 cũng đánh dấu sự phát triển trong XK rau quả, lần đầu tiên, kim ngạch XK mặt hàng này vượt qua mặt hàng gạo, đạt 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015. Mặt hàng thủy sản sau 1 năm tăng trưởng âm đã vươn lên khi các nước trên thế giới có nhu cầu NK. Theo đó, XK thuỷ sản ước đạt 6,99 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2015.

Ước tính khối lượng XK cao su năm 2016 đạt 1,26 triệu tấn và 1,67 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 9% về giá trị so với năm 2015. Khối lượng XK chè năm 2016 đạt 134.000 tấn và 223 triệu USD, tăng 7,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị so với năm 2015. Khối lượng hạt điều XK năm 2016 đạt 347.000 tấn và 2,84 tỷ USD, tăng 5,6% về khối lượng và tăng 18,4% về giá trị so với năm 2015. Khối lượng tiêu XK năm 2016 đạt 177.000 tấn và 1,42 tỷ USD, tăng 34,3% về khối lượng và tăng 12,9% về giá trị so với năm 2015. Nhìn chung, Việt Nam vẫn duy trì được 10 mặt hàng thuộc nhóm nông lâm thủy sản có kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên.

Như vậy, trong khi nhiều mặt hàng công nghiệp sau một thời gian tăng trưởng nhanh đến lúc chững lại thì các mặt hàng nông sản sau 1 năm khó khăn đã lấy lại nhịp độ tăng trưởng tốt. Nhờ vậy, bức tranh XK năm 2016 có thêm vài điểm sáng, làm dịu bớt phần u ám.

Ông Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương):

Năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới thấp. Khoảng 90% nông sản xuất khẩu dạng thô hoặc sơ chế, chất lượng thấp, chưa có thương hiệu. Các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu là gia công, lắp ráp cho nước ngoài, hầu hết chưa có thương hiệu. Do chất lượng thấp và không có thương hiệu, phần lớn giá hàng hóa XK của Việt Nam buộc phải duy trì thấp hơn các đối thủ cạnh tranh. Chẳng hạn, gạo Việt Nam giá bán luôn thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan 3-5%. Cá tra Việt Nam hiện chiếm 90% thị phần thế giới song giá bán thấp hơn 20-30% sản phẩm tương tự. Năng lực cạnh tranh của hàng XK chậm được cải thiện, nhất là các mặt hàng chế biến, chế tạo. Hiện Việt Nam vẫn phải gia tăng NK nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất hàng XK làm tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh của hàng XK.

Nếu muốn trụ vững trên thị trường các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Australia…, các DN Việt Nam phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá cả thấp. Do vậy, việc hình thành chuỗi liên kết là rất cần thiết để có thể cạnh tranh trên thị trường.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng:

XK năm 2016 về tốc độ tăng trưởng không cao như những năm trước và xuất hiện nhược điểm như các mối quan hệ nhập siêu vẫn chưa được cải thiện, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường, và thậm chí phụ thuộc vào một số DN như hiện tượng Samsung thu hồi điện thoại Samsung Galaxy Note 7 vừa qua đã ảnh hưởng tới kim ngạch XK. Do đó, chúng ta phải làm thế nào để phân tán sự rủi ro, để không bị phụ thuộc quá mức vào một thị trường.

Sắp tới, các hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực mang lại nhiều lợi ích cho DN. Tuy nhiên, muốn tận dụng cơ hội này đòi hỏi DN phải đáp ứng quy tắc xuất xứ, có C/O, trong khi khâu này chúng ta đang rất yếu. Nếu Việt Nam không phát triển công nghiệp hỗ trợ để có những mặt hàng chủ lực thì không thể phát triển được.

P.T (ghi)

Phan Thu