Nông nghiệp 'thích' nhập khẩu máy móc
Máy móc phục vụ nông nghiệp vẫn phải nhập khẩu. |
Theo Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT), những năm vừa qua, do nhu cầu bức thiết của sản xuất, một phần được Nhà nước hỗ trợ, một phần nhờ sản xuất nông nghiệp bắt đầu phát triển theo hướng hàng hóa lớn nên cơ giới hóa nông nghiệp có bước tiến đáng kể.
Số lượng máy động lực sử dụng trong nông nghiệp tăng 1,6 lần trong 10 năm qua. Một số loại máy tăng rất nhanh như máy gặt lúa tăng 25,6 lần, máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 6 lần, máy bơm nước tăng 1,2 lần.
Tuy vậy, theo ông Bạch Quốc Khang - Phó Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, sự phát triển cơ giới hóa nông nghiệp chưa bền vững, thiếu toàn diện. Mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp còn thấp, đa phần là cỡ nhỏ, hiệu quả chưa cao.
Tỷ lệ cơ giới hóa còn chênh lệch giữa cây lúa và cây trồng khác khiến khả năng cạnh tranh của nông sản nguyên liệu bị hạn chế. “Trên thực tế, ngành cơ khí trong nước chậm đáp ứng nhu cầu của sản xuất nông nghiệp, nhiều chủng loại máy nông nghiệp đang có nhu cầu lớn như máy cấy, liên hợp… phải nhập khẩu. Tỷ lệ cơ giới hóa một số khâu tuy cao nhưng nhiều loại máy móc còn kém phù hợp. Cơ giới hóa khâu sau thu hoạch còn thấp, tổn thất giảm chưa nhiều. Công tác quản lý chất lượng máy nông nghiệp bị buông lỏng, thị trường cạnh tranh chưa lành mạnh, nông dân thiếu thông tin…”, ông Bạch Quốc Khang phân tích.
Ông Chu Văn Thiện, chuyên viên Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thông tin thêm, qua khảo sát cơ sở chế tạo máy nông nghiệp tại 15 tỉnh, thành phố đại diện cho 7 vùng kinh tế cả nước cho thấy, doanh nghiệp nhỏ chiếm đến 53%, doanh nghiệp siêu nhỏ là 36%, vừa là 4,5%, còn lại là các doanh nghiệp có số lao động trên 300 người chiếm 6,5%.
Thiết bị trong tình trạng cũ thì chiếm đến 47%, trang thiết bị hiện đại chỉ chiếm 5%, thiết bị tiên tiến là 42% nhưng chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. “Ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp hiện nay quy mô vẫn nhỏ, trình độ phát triển thấp, máy móc thiết bị phục vụ chế tạo còn lạc hậu, chủ yếu là gia công, lắp ráp, khả năng cạnh tranh yếu”, ông Chu Văn Thiện đánh giá.
Từ phân tích thực trạng của nước ta, kinh nghiệm phát triển cơ giới hóa nông nghiệp của nước ngoài cũng như nhu cầu và chủ trương phát triển cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành, ông Bạch Quốc Khang kiến nghị: “Cơ giới hóa nông nghiệp cần được tháo gỡ vướng mắc, rào cản lớn như tích tụ ruộng đất, chuyển dịch lao động, giá máy còn quá cao so với thu nhập của người nông dân. Việc hỗ trợ cơ giới hóa tránh sa vào hỗ trợ trước mắt, lắt nhắt…”.
Theo Tuyết Nhung
An Ninh Thủ Đô