Hàng tồn kho thép tại Trung Quốc ở mức cao kỉ lục
Sự xuất hiện của virus corona đã khiến hoạt động của các nhà máy bị đình trệ, dẫn đến hiện tượng nhu cầu tiêu thụ thép giảm mạnh và lượng hàng tồn kho tăng lên mức cao kỉ lục.
Giá của các sản phẩm thép tại Trung Quốc đã giảm gần 10% trong tháng qua.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện cung cấp khoảng trên 50% sản lượng thép toàn cầu và nếu tình trạng dư cung tiếp tục diễn ra, giá xuất khẩu của những sản phẩm này sẽ giảm xuống, tạo ra một viễn cảnh ảm đạm cho ngành công nghiệp sản xuất thép toàn cầu.
Hiệu ứng dây chuyền đối với ngành thép
Một quan chức tại Magang Group Holding, nhà sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc, cho biết: "Kho dự trữ các sản phẩm thép chồng chất vì khách hàng của chúng tôi vẫn chưa khôi phục hoạt động và dòng hàng hóa bị đình trệ."
Hiệp hội Công nghiệp Gang thép Trung Quốc cho biết lượng hàng tồn kho tại các công ty thành viên đã đạt mức kỉ lục 21,34 triệu tấn tính đến ngày 20/2, tăng 45% so với một năm trước đó.
Tháng 6/2015, ngành công nghiệp sản xuất thép của Trung Quốc cũng đã chứng kiến tình trạng hàng tồn kho các sản phẩm thép tăng lên 17,45 triệu tấn, mức cao nhất được ghi nhận trước thời điểm năm 2019, giữa bối cảnh cả thế giới lo ngại về tình trạng dư thừa sản lượng của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Tuy nhiên, con số của hiện tại đã vượt mức được ghi nhận tại thời điểm đó đến hơn 20%.
Khi virus corona lan rộng ở Trung Quốc hồi cuối tháng 1, các nhà sản xuất ôtô và thiết bị gia dụng đã tạm ngừng hoạt động để chuẩn bị cho kì nghỉ Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất thép vẫn tiếp tục sản xuất trong giai đoạn này như thường lệ vì lò cao luyện kim được thiết kế để chạy liên tục.
Thép thường được vận chuyển từ các kho dự trữ sau kì nghỉ lễ. Song, điều này đã không xảy ra trong năm nay, bởi phần lớn các công ty xây dựng - vốn tiêu thụ đến 50% sản lượng thép - vẫn chưa hoạt động trở lại tại nhiều địa điểm.
Trong khi đó, việc xây dựng tàu điện ngầm ở trung tâm thành phố Quảng Châu vẫn đang đóng băng. Đây là nơi từng có đến hàng chục nhân viên làm việc vào thời điểm trước kì nghỉ Tết Nguyên đán.
Một quan chức an ninh nói: "Chúng tôi chưa được thông báo khi nào công việc sẽ tiếp tục. Chỉ có một hoặc hai công nhân đã trở lại Quảng Châu."
Trong khi đó, những lao động thời vụ cũng gặp nhiều khó khăn khi di chuyển lên thành phố để làm việc.
Khoảng 300 triệu công nhân nhập cư đã về nhà vào kì nghỉ không thể trở lại đầy để làm việc cho đến hết tháng 3, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết.
Ngoài ra, hoạt động xây dựng dường như không thể tiếp tục trong tương lai gần vì chính quyền địa phương đã đưa nhiều công nhân nghi ngờ bị nhiễm bệnh vào cách ly.
Tại Trung Quốc, nhiều dự án công trình công cộng đã bị trì hoãn. Chỉ 47% các dự án xây dựng đường bộ quốc gia lớn và 48% các dự án giao thông đường sông và đường thủy đã được nối lại vào cuối tháng 2 vừa qua, Bộ cho biết.
Trong khi đó, các nhà sản xuất vốn tiêu thụ nhiều các lô hàng thép giờ cũng chưa khôi phục hoạt động. Các nhà máy ôtô đã trì hoãn hoạt động do thiếu vắng nhân viên và các phụ tùng sau kỳ nghỉ.
Hiện nay, công suất của ngành công nghiệp ô tô vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức tối đa. Chẳng hạn, Honda Motor đã hoãn việc khởi động lại nhà máy tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc - tâm chấn ban đầu của dịch bệnh - cho đến ít nhất là ngày 11/3.
Ngoài việc nhu cầu tiêu thụ yếu, hoạt động hậu cần chậm lại cũng là yếu tố gây đau đầu cho các nhà sản xuất thép.
Magang thường vận chuyển sản phẩm bằng xe tải, nhưng các ngả đường đã bị chặn ở nhiều khu vực của Trung Quốc, làm gián đoạn giao thông, trong khi hệ thống tàu và đường sắt cũng không thể đảm bảo vận chuyển trơn tru.
Zhang Jingang, Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn thép Baowu Trung Quốc, đã nói với các phóng viên vào cuối tháng 2 rằng những khó khăn trong mảng dịch vụ hậu cần là rất lớn, ngay cả khi nhà sản xuất này tiếp tục hoạt động trên khắp Trung Quốc, kể cả ở Vũ Hán.
Viễn cảnh u ám
Baowu đã bắt đầu giảm sản lượng. Theo dự đoán, sản lượng của tập đoàn này trong quí I năm 2020 giảm 5% so với cùng kì năm ngoái, Phó Tổng Giám đốc Zhang nói.
Các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã phải đối mặt với những khó khăn ngay cả trước thời điểm Tết Nguyên Đán, khi doanh số bán ôtô và đồ gia dụng sụt giảm do suy thoái kinh tế.
Trong khi đó, nhu cầu đối với các sản phẩm thép cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự chậm trễ trong việc đầu tư hạ tầng của Chính phủ.
Sự xuất hiện của dịch COVID-19 được cho là đã giáng thêm một đòn vào mức lợi nhuận vốn đã được dự báo sẽ suy yếu của các nhà sản xuất thép lớn thuộc Trung Quốc.
Baowu dự kiến lợi nhuận tập đoàn sẽ giảm khoảng 2-3 tỉ nhân dân tệ (287-430 triệu USD) trong quí đầu tiên của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh, Phó Tổng Giám đốc Zhang nói.
Tình trạng hàng tồn kho tăng vọt hiện nay của Trung Quốc đã làm giảm giá giao dịch trong nước của các sản phẩm thép cuộn cán nóng được sử dụng để sản xuất đồ gia dụng và xe hơi, xuống khoảng 3.500 nhân dân tệ/tấn từ mức hơn 3.800 nhân dân tệ/tấn hồi giữa tháng 1.
Tại thị trường xuất khẩu của Đông Á, giá thép cuộn cán nóng - bao gồm chi phí và cước phí - chỉ giao dịch ở mức hơn 500 USD/tấn, giảm gần 1% so với một tháng trước đó.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/