|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hãng thép lớn thứ hai của Anh bên bờ vực sụp đổ, 25.000 nhân viên có nguy cơ thất nghiệp

10:53 | 24/05/2019
Chia sẻ
British Steel - nhà sản xuất thép lớn thứ hai nước Anh - đang trên bờ vực sụp đổ, trừ khi chính phủ đồng ý cung cấp khoảng vay khẩn 30 triệu bảng (tương đương 38 triệu USD), Reuters dẫn hai nguồn tin thân cận cho biết.
Hãng thép lớn thứ hai của Anh bên bờ vực sụp đổ, 25.000 nhân viên có nguy cơ thất nghiệp - Ảnh 1.

British Steel - nhà sản xuất thép lớn thứ hai nước Anh - sẽ sụp đổ nếu chính phủ Anh không giải cứu. Ảnh: Reuters

British Steel cho biết các cuộc đàm phán vẫn chưa kết thúc và họ đang tiếp tục hợp tác với các bên để đảm bảo tương lai của công ty. Ngoài ra, British Steel còn trấn an nhân viên rằng tiền lương tháng 5 sẽ được thanh toán đầy đủ.

Thuộc sở hữu của công ty đầu tư Greybull Capital, British Steel thuê khoảng 5.000 người, phần lớn tại Scunthorpe (phía bắc nước Anh) và khoảng 20.000 lao động khác phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của công ty này.

Greybull, công ty chuyên phục hồi các doanh nghiệp thua lỗ, đã trả cho chủ sở hữu cũ Tata Steel một bảng Anh theo danh nghĩa vào năm 2016 để mua lại công ty này và đổi tên thành British Steel.

British Steel đã rơi vào khủng hoảng sau chưa đầy hai tuần khi chính phủ Anh cấp cho công ty này khoản cho vay khẩn trị giá 120 triệu bảng Anh để thanh toán cho Liên minh châu Âu (EU) hóa đơn phát thải carbon dioxide.

British Steel đã đề nghị chính phủ Anh khoản vay 75 triệu bảng nhưng sau đó giảm xuống còn 30 triệu bảng vì Greybull đồng ý đầu tư thêm vốn.

Greybull cũng là chủ sở hữu của Monarch, một hãng hàng không đã phá sản vào tháng 10/2017.

Khả năng sụp đổ của British Steel xuất hiện sau khi công ty Thyssenkrupp của Đức và Tata Steel của Ấn Độ từ bỏ kế hoạch hợp nhất tài sản thuộc ngành thép của họ tại châu Âu để tạo thành nhà sản xuất thép lớn thứ hai EU sau ArcelorMittal.

Phi vụ sáp nhập sụp đổ khiến ngành thép EU bị phân mảnh và dễ bị suy yếu. Bên cạnh đó, nó cũng đặt ra câu hỏi về số phận của nhà máy thép lớn nhất nước Anh tại Port Talbot (Wales), thuộc sở hữu của Tata Steel.

Giúp ngành thép có lợi nhuận là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn ở Anh, nơi các nhà sản xuất thép phải trả một số thuế xanh và chi phí năng lượng thuộc hàng cao nhất thế giới, bên cạnh chi phí nhân công và lãi doanh nghiệp cao.

Ngoài ra, sự bất ổn xoay quanh diễn biến của Brexit cũng khiến ngành thép lao đao.

Sau khi ghi nhận lợi nhuận vào năm 2017, Britis Steel đã giảm khoảng 400 việc làm vào năm ngoái vì các yếu tố như đồng bảng Anh suy yếu.

Đầu tháng 5, British Steel dường như đã lấy lại được sự ủng hộ của các ngân hàng cho vay và cổ đông để tiếp tục hoạt động sau khi bất ổn liên quan đến Brexit kìm hãm số lượng đơn hàng của công ty.

"Sự sụp đổ của British Steel sẽ hủy hoại hàng nghìn việc làm ở Scunthorpe cũng như chuỗi cung ứng rộng lớn", lãnh đạo Đảng Lao động Jeremy Corbyn nói trên Twitter. "Chính phủ phải hành động để bảo đảm tương lai lâu dài của nhà máy thép này, nhằm bảo vệ sinh kế của người dân và cộng đồng".

Theo phát ngôn viên của Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Anh (BEIS), chính phủ Anh chỉ có thể hành động trong khuôn khổ pháp luật, nghĩa là mọi hỗ trợ về tài chính đối với một công ty thép chỉ có để được đưa ra trên nền tảng thương mại.

Trong một thông cáo, người phát ngôn về thép của Công đảng Anh Gill Furniss khẳng định, "Ngành công nghiệp thép của Anh giữ vai trò trọng yếu đối với nền tảng sản xuất của chúng ta và có tầm quan trọng chiến lược đối với nền công nghiệp Anh". 

Tương tự Jeremy Corbyn, bà Furniss cũng kêu gọi chính phủ Anh phải can thiệp để giải cứu British Steel.

Trần Nam Thi