|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hãng taxi truyền thống tên tuổi cũng tháo chạy

08:17 | 17/07/2019
Chia sẻ
Nếu các hãng taxi truyền thống không thích ứng được với làn sóng 4.0 sẽ bị tụt lại phía sau.

Sự phổ biến của dịch vụ taxi công nghệ cộng với chiến lược trợ giá đang khiến nhiều hãng taxi truyền thống lao đao, mất thị phần, giảm doanh thu. Thậm chí ngay cả hãng taxi truyền thống tên tuổi của Singapore cũng thua thê thảm trên đất Việt.

Taxi truyền thống tuột dốc

Mới đây, liên doanh taxi ComfortDelgro Savico Taxi giữa Công ty Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) và ComfortDelgro đã đi đến hồi kết khi quyết định đóng cửa sau 13 năm hoạt động tại Việt Nam (VN).

Thực tế, vào năm ngoái, liên doanh này đã tạm thời dừng hoạt động để xem xét tái cấu trúc nhằm tìm hướng đi phù hợp. Thậm chí liên doanh này sáp nhập vào hãng Vinataxi nhưng sau một năm, hai bên thấy việc khởi động lại là không khả thi nên quyết định giải thể và hoàn trả vốn.

ComfortDelgro không phải là một cái tên vô danh mà là một hãng taxi tên tuổi trên thị trường Singapore và thương hiệu này cũng đi ra khắp thế giới. 

Chính ComfortDelgro đã giúp VN gầy dựng nên hãng taxi đầu tiên là Vinataxi với những chiếc xe sơn vàng chạy trên các đường phố TP.HCM vào thập niên 1990.

Tuy nhiên, việc kinh doanh của liên doanh ngày càng sa sút. Chẳng hạn, báo cáo tài chính năm 2018 của ComfortDelgro ghi nhận doanh thu tại VN chỉ đạt 3,3 triệu USD, giảm hơn 50% so với cùng kỳ. 

Trước đó, ComfortDelgro từng kỳ vọng thị trường VN đóng góp mạnh vào doanh thu nhưng hiện chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng doanh thu của tập đoàn này.

Giới phân tích cho rằng việc đóng cửa liên doanh ComfortDelgro Savico Taxi từng được dự đoán từ lâu, vì số lượng đầu xe thấp so với các hãng khác, hoạt động tiếp thị kém nên không thể ghi dấu ấn thương hiệu trong tâm trí khách hàng. 

Nhưng quan trọng nhất là sự xuất hiện của taxi công nghệ là Grab đã gây sức ép lên hoạt động kinh doanh chung của thị trường taxi truyền thống. 

Nói cách khác, sự tuột dốc của taxi truyền thống không chỉ bắt nguồn từ sự cạnh tranh của Grab mà còn đến từ việc họ không bắt nhịp được với làn sóng ứng dụng công nghệ mới vào dịch vụ vận tải.

Ngay tại thị trường Singapore, doanh thu mảng taxi của ComfortDelgro cũng suy giảm qua từng năm. Ông Yang Ban Seng, Giám đốc điều hành của Tập đoàn ComfortDelgro, thừa nhận: “Sự cạnh tranh khốc liệt của taxi công nghệ đang gây thiệt hại kinh doanh cho taxi truyền thống ở khắp mọi nơi”.

Một khi “ông lớn” Singapore không chịu được nhiệt cạnh tranh ngày càng nóng từ taxi công nghệ thì các hãng taxi truyền thống hàng đầu một thời của VN cũng không thoát ra khỏi điều đó. 

Bức tranh kinh doanh của Vinasun và Mai Linh không mấy khả quan. Theo báo cáo tài chính của Vinasun, nếu như năm 2016 doanh thu đạt hơn 4.500 tỉ đồng thì đến năm 2018 con số này giảm đi một nửa, chỉ còn tròm trèm 2.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, ông Lim Yen Hock, Giám đốc Grab VN, cho biết: Grab chủ động thực hiện chiến lược lỗ để xâm nhập vào thị trường VN. Việc lỗ này là hình thức trợ giá cho các tài xế để thực hiện các chuyến đi có giá cước rất rẻ.

Ông Trần Đình Phương, chuyên gia tài chính, cho rằng việc lỗ như hiện nay đối với Grab là để thực hiện chiến lược “đốt tiền” giành thị phần của taxi truyền thống. Ngoài ra, chính Grab cũng tiết lộ đã đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng vào thị trường VN. 

“Với nguồn tiền này, taxi truyền thống đang thua về năng lực tài chính” - ông Trần Đình Phương nói.

Hãng taxi truyền thống tên tuổi cũng tháo chạy - Ảnh 1.

Các hãng taxi truyền thống đang nỗ lực tự tìm ra lối thoát cho chính mình. Ảnh: HTD

Không thay đổi sẽ bị đào thải

Tuy taxi truyền thống đang gặp khó khăn nhưng việc họ có nhường hoàn toàn sân chơi cho taxi công nghệ hay không còn ở phía trước. 

Nếu biết cách sáng tạo, tìm cách giữ chân tài xế, tăng chất lượng phục vụ khách hàng, tái cấu trúc để gia tăng tính hiệu quả kinh doanh… thì các hãng taxi truyền thống vẫn có thể cạnh tranh và tồn tại.

Anh Minh Thiện (một tài xế từng lái cho Uber, sau đó cho Grab và nay chuyển sang hãng taxi truyền thống) cho biết thu nhập lái taxi truyền thống hiện nay không kém so với taxi công nghệ. Một phần đến từ khách vẫy taxi trên đường, phần khác vào giờ cao điểm, khách thường chọn taxi truyền thống vì giá ổn định chứ không dao động bất thường như taxi công nghệ.

“Hiện nay, để giữ chân tài xế, một số hãng taxi truyền thống liên tục đưa ra nhiều mô hình mới. Ví dụ nếu muốn đầu tư, tài xế có thể tham gia phương thức thương quyền” - anh Thiện cho hay.

Những trường hợp như anh Thiện đã phản ảnh một điều rằng taxi truyền thống muốn “sống” thì không còn cách nào khác là phải lột xác. Thực tế, dường như các hãng taxi truyền thống cũng đã nhìn thấy điều này. 

Ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng giám đốc Vinasun, cho biết trước sức ép cạnh tranh, hãng đã có những cách hoạt động sáng tạo để thu hút khách hàng, giữ chân tài xế.

“Tôi có thể khẳng định tái cấu trúc đang mang lại hiệu quả, trong đó lợi nhuận được giữ vững. Điển hình quý I-2019 lợi nhuận đạt 32 tỉ đồng, tăng so với cùng kỳ là 11,1 tỉ đồng” - ông Hỷ cho biết.

Ông Hỷ cũng cho biết sẵn sàng học cái mới từ đối thủ nên đã phát triển mạnh mẽ mảng taxi công nghệ riêng của mình thông qua app Vinasun. Việc sử dụng app đang có doanh thu rất tốt vì khách hàng nhanh chóng gọi xe gần nhất, khách hàng biết ngay giá.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty Phương Trang, cũng cho hay sẽ luôn tìm xu thế mới để thích ứng cho loại hình taxi truyền thống và sẵn sàng cạnh tranh để phát triển. Ví dụ, chiến lược phát triển ứng dụng Vato của Phương Trang đang là điểm cộng thêm giá trị cho khách hàng.

Riêng Mai Linh đang chọn cách đóng cửa các chi nhánh để gom về đầu mối quản lý nhằm giảm thiểu chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, hãng taxi này cũng xây dựng các ứng dụng tương tự các đối thủ trên thị trường nhằm hoàn thiện khả năng phục vụ khách hàng.

Trước những cách làm mới của các hãng taxi truyền thống, ông Phương bình luận: “Thị trường sẽ quyết định sự thành bại của các hãng taxi truyền thống thay vì chờ vào bàn tay can thiệp của Nhà nước. 

Taxi truyền thống nếu cứ bám víu vào phương thức kinh doanh vốn đã lỗi thời sẽ không có đủ sức chống chọi lại sự bành trướng của một phương thức khác hấp dẫn người dùng hơn”.

Bà Tan Hooi Ling, đồng sáng lập Grab, cho biết hiện tại Grab đang chiếm 20% thị phần taxi VN và mục tiêu sẽ tăng lên 50% trong năm 2020. Còn Công ty Vinaresearch vừa đưa ra báo cáo khảo sát việc sử dụng ứng dụng đặt xe trực tuyến cho thấy Grab được nhận biết với tỉ lệ lên đến 98,8%, trong khi Mai Linh đạt 66,9%, Vinasun 53,3%.

Đáng chú ý, người dân TP.HCM biết nhiều ứng dụng đặt xe hơn ở Hà Nội. Theo đó, Grab là ứng dụng sử dụng phổ biến nhất với tỉ lệ 98,4%, Mai Linh 9,9% và Vinasun 8,9%.

Một thống kê sơ bộ của Sở GTVT TP.HCM công bố cho thấy tính đến tháng 9-2017, ở TP.HCM có khoảng 24.000 ô tô tham gia mạng lưới của Uber và Grab, gần gấp đôi so với 11.060 chiếc taxi truyền thống đang hoạt động.

Phương Minh