Hàng loạt nông sản Việt Nam 'dính đòn' cung vượt cầu, giá chạm đáy nhiều năm
Người sáng lập chuỗi nông sạch Bác Tôm: Làm nông sản hữu cơ, cái khó là xây dựng lòng tin |
Giá tiêu chạm đáy 10 năm
Tháng 9 đánh dấu giá tiêu chạm đáy 10 năm khi chỉ còn khoảng hơn 50.000 đồng/kg. Nguyên nhân là cung vượt cầu, diện tích trồng tiêu tăng quá nhanh khi được giá vào năm 2015.
Còn nhớ năm 2015, khi giá tiêu tăng “nóng”, có lúc đạt ngưỡng kỷ lục 200.000 đồng/kg, nhiều hộ khu vực Tây Nguyên được “đổi vận”, xây nhà, mua xe. Lúc đó, người dân ví von vui rằng tiêu giống như "vàng đen". Nhà nhà, người người đổ xô trồng tiêu.
Giá tiêu tăng trùng vào thời điểm giá cao su giảm mạnh, hàng loạt hộ dân ở Đắk Nông càng có thêm lý do để chặt cao su chuyển sang trồng tiêu, bất cấp cảnh báo của cơ quan nông nghiệp địa phương về nguy cơ dư cung. Không chỉ cây cao su, cây cà phê cũng chịu hoàn cảnh tương tự khi người dân thay thế bằng cây hồ tiêu do lợi nhuận quá cao.
Cái chết "vàng đen” bắt đầu le lói khi tiêu giảm từ mức trên 200.000 đồng/kg giữa năm 2015 xuống còn hơn 180.000 đồng/kg đầu năm 2016 và rồi còn 128.000 đồng/kg cuối năm.
Giông tố chính thức ập đến ngành tiêu vào năm 2017 khi giá giảm tới gần một nửa từ mức trên 135.000 xuống còn 74.000 đồng/kg. Đến nay, giá tiêu chỉ còn khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg, tức là chỉ bằng 1/4 so với mức kỷ lục, và bằng giá thành sản xuất.
Đây cũng là cái kết dễ hiểu của ngành tiêu với diện tích vượt tới 300% so với quy hoạch. Cụ thể, theo Quyết định 1442/QĐ-BNN-TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mục tiêu của quy hoạch là phấn đấu đến năm 2020, tầm nhìn 2030 diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, diện tích tiêu đã đạt tới 152.000 ha, gấp hơn ba lần mục tiêu của Bộ.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho biết năm 2017, tổng sản lượng hồ tiêu thế giới tăng lên khoảng 470.000 tấn, trong đó nguồn cung từ Việt Nam đóng góp tới trên 50%.
Theo Cục Xuất khẩu (Bộ Công Thương), 95% lượng tiêu của Việt Nam dùng để xuất khẩu, nhu cầu hồ tiêu thế giới chỉ khoảng 300.000 - 350.000 tấn/năm.
“Tồn kho hồ tiêu thế giới hiện nay khoảng trên 100.000 tấn”, ông Hải nói thêm.
Giá cá phê chạm đáy hàng chục năm
Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), giá đang ở ngưỡng thấp nhất trong hàng chục năm qua. Hiện giá cà phê dao động trong khoảng 35.000 - 36.000 đồng/kg, tùy từng khu vực.
VICOFA dự báo mùa vụ tới khả năng thời tiết thuận lợi. Các địa phương vẫn trong giai đoạn tái canh cải tạo vườn cà phê nên nhiều nơi chưa thu hoạch. Một số diện tích tái canh lại chuyển sang trồng sầu riêng, bơ, chanh leo và cây khác có giá trị cao hơn, dẫn tới diện tích cà phê giảm.
Đại diện một công ty chế biến, xuất khẩu cà phê cho hay, nhiều hộ đã chuyển sang trồng sầu riêng do nhu cầu của Trung Quốc đối với loại quả này tăng cao trong khi lợi nhuận cao gấp 8 – 10 lần so với cây cà phê.
Giá cà phê giảm, theo nhận định mới nhất của Bộ NN&PTNT, là do thời tiết tại Brazil thuận lợi cho vụ cà phê hiện tại. Bên cạnh đó, Indonesia đã bắt tay vào thu hoạch vụ mới, gây áp lực lên giá cà phê.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định thời gian tới, giá cà phê chịu áp lực giảm do nguồn cung toàn cầu dự báo ở mức cao và nhu cầu chưa có nhiều cải thiện. Cục khuyến cáo doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trọng việc dự trữ tránh tình trạng giá giảm trở lại khi vào vụ thu hoạch trong quý IV của Việt Nam.
Giá thanh long Bình Thuận thấp kỷ lục
Mới đây, Trung Quốc bất ngờ dừng mua thanh long Việt Nam khiến giá mặt hàng giảm xuống thấp kỷ lục.
Theo một số nông dân, giá thanh long xuất khẩu mua tại vườn hiện nay chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều hộ không thể bán được nên buộc phải chặt bỏ quả.
Ảnh: Zing News |
Thanh long ở Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Tỷ trọng thanh long xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới 70 - 80%. Các thị trường khác cũng tiêu thụ thăng long Việt Nam như Mỹ, Australia… cũng có giá bằng Trung Quốc nhưng tiêu chuẩn tại các thị trường này khắt khe hơn.
Theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, diện tích trồng thanh long toàn tỉnh hiện là 27.000 ha, với sản lượng bình quân khoảng 500.000 - 600.000 tấn/năm.
Hiện tại, nhiều nơi đã phát động cuộc “giải cứu” thanh long để trợ giúp bà con.
Giá bơ booth Tây Nguyên chạm đáy 5 năm
Giá bơ booth tại Tây Nguyên hiện đang ở mức thấp nhất 5 năm còn khoảng 30.000 đồng/kg, bằng một nửa so với năm ngoái. Nhiều tỉnh tại khu vực này đang bước váo kỳ thu hoạch. Bơ booth được trồng tập trung nhiều ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai, theo báo Nông Nghiệp Việt Nam.
Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam |
Lý giải nguyên giá bơ booth năm nay giảm đột ngột, một công ty chuyên thu mua bơ cho hay do cung vượt cầu, nông dân trồng quá nhiều, trong khi đó đầu ra chưa vững, chủ yếu là tư thương thu mua.
Một thương lái cho rằng lý do khiến giá bơ booth giảm mạnh là nhiều hộ chăm sóc cây không đúng kỹ thuật, chất lượng quả bơ không cao nên mất niềm tin người tiêu dùng. Nhiều hộ thậm chí thu hoạch bơ non vì lo… bị trộm.
Giá điều chạm đáy gần 2 năm
Theo ước tính của Cục xuất nhập khẩu, giá hạt điều tháng 9 xuất khẩu bình quân giảm 1,5% so với tháng 8 và giảm 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 8.400 USD/tấn. Cục xuất nhập khẩu cho biết, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016.
Nguyên nhân giá điều xuất khẩu giảm mạnh vẫn là câu chuyện xưa cũ của nông sản Việt khi cung vượt cầu. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong khi nhu cầu các sản phẩm điều trên thế giới chỉ tăng khoảng 5% thì sản lượng sản xuất điều nhân của Việt Nam tăng tới 25%. Hiện Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân với thị phần tới 60%.
Giá điều thô xuất khẩu giảm trong khi giá điều thô nhập khẩu về làm nguyên liệu chế biến lại tăng và khan hiếm hàng. Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, ngay từ tháng 1, giá điều nhập khẩu từ châu Phi lên tới 2.340 USD/tấn, gấp đôi so với cùng kỳ. Đến tháng 2, con số này tiếp tục tục tăng lên gần 2.490 USD/tấn.
Nguyên nhân là công suất chế biến điều tăng mạnh trong khi diện tích và sản lượng điều trong nước liên tục giảm. Thông thường lượng điều thô mua vào từ đầu năm sẽ được các nhà máy dự trữ để duy trì sản xuất cả năm.
Nhưng năm nay, phần lớn điều thô nhập từ đầu năm đã được sử dụng hết khiến 6 tháng cuối năm có thể thiếu điều nguyên liệu trầm trọng. Trong khi đó, nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu chế biến, do vậy các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu ồ ạt điều nguyên liệu từ châu Phi để chế biến.