|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàng loạt hợp tác xã sống mà như chết!

07:40 | 26/04/2018
Chia sẻ
Hàng ngàn hợp tác xã một thời phát triển huy hoàng nay trong cơ chế thị trường chỉ còn lại cái bóng, hoạt động thì thua lỗ mà giải thể cũng không xong

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 232 hợp tác xã (HTX) nhưng trong đó có đến gần một nửa số HTX xếp loại từ trung bình, yếu, kém trở xuống. Những HTX này sống lây lất như bóng ma!

HTX thành nơi… gửi xe

Giữa tháng 4-2018, chúng tôi đến HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp C.L (TP Quảng Ngãi). So với nhiều HTX khác ở Quảng Ngãi, đây là một trong những HTX có lợi thế lớn khi có được trụ sở khá khang trang và phần diện tích tương đối lớn ngay giữa trung tâm TP Quảng Ngãi.

hang loat hop tac xa song ma nhu chet

Trụ sở Hợp tác xã Đông Vinh (Nghệ An) không một bóng người Ảnh: ĐỨC NGỌC

Dù vậy, việc kinh doanh của HTX này lại rơi vào tình cảnh hẩm hiu với doanh thu hằng năm khá khiếm tốn, chỉ dao động ở con số vài trăm triệu đồng. Ngay cả những xã viên kỳ cựu từng tham gia góp vốn nhiều năm nay ở HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp C.L chứng kiến doanh thu liên tục sụt giảm cũng đành dứt áo ra đi, tìm đường góp vốn làm ăn ở những nơi khác.

"Mấy năm về trước, nông nghiệp còn là thế mạnh nhưng bây giờ HTX làm nông nghiệp đang sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Riêng HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp C.L đang rơi vào tình cảnh khó khăn, không lối thoát. Chúng tôi cũng không biết họ lấy kinh phí từ đâu trả lương cho ban chủ nhiệm nhưng chủ yếu trụ sở chỉ làm nơi gửi ôtô cho garage ôtô kế bên" - một cán bộ Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

Tương tự là tình cảnh HTX Dịch vụ hậu cần nghề cá và khai thác hải sản Lý Sơn Hoàng Sa. Dù mới được thành lập đầu năm 2015 nhưng kể từ khi ra đời, HTX cũng "chết yểu" khi trắng doanh thu, không có trụ sở.

Chủ trương thành lập HTX Dịch vụ hậu cần nghề cá và khai thác hải sản Lý Sơn Hoàng Sa là hoàn toàn đúng đắn, giúp thu mua hải sản, cung cấp lương thực - thực phẩm, xăng dầu cho bà con ngư dân để họ có điều kiện vươn khơi bám biển, ổn định cuộc sống. Nhưng trên thực tế, HTX không được cấp trụ sở, xã viên trong HTX là những thành viên của Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải..., tức HTX chỉ tồn tại trên giấy chứ không có trên thực tế.

"Ngay cả bản thân tôi dù được cấp con dấu, mang chức danh chủ nhiệm HTX nhưng cũng chỉ có trên danh nghĩa" - ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ hậu cần nghề cá và khai thác hải sản Lý Sơn Hoàng Sa, nói.

Theo báo cáo từ Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 232 HTX với doanh thu bình quân 1,2 tỉ đồng/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 60 triệu đồng/năm. Trong số 232 HTX, có đến 50% HTX được xếp loại từ trung bình, yếu, kém trở xuống và hiện chỉ có 204 HTX đang hoạt động, 28 HTX còn lại đã ngưng hoạt động, chờ giải thể.

Ông Nguyễn Tăng Bính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể - nhìn nhận đa phần các HTX hiện nay cơ sở vật chất, kỹ thuật còn lạc hậu, xuống cấp, quy mô sản xuất - kinh doanh dịch vụ còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với nhu cầu, kỳ vọng của thành viên.

Nhiều HTX vẫn chưa là chỗ dựa thực sự cho thành viên, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Hoạt động kinh doanh dịch vụ chưa đột phá, thiếu mô hình phát triển bền vững; nắm bắt thông tin thị trường, giá cả còn chậm, chưa chủ động trong liên kết với doanh nghiệp tìm cách tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Nhiều năm không đại hội, tồn tại cũng như không

Đông Vinh là HTX lâu đời, có tiếng ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 1975, tỉnh Nghệ An có chủ trương thành lập vùng chuyên cung cấp các loại rau, thực phẩm cho TP Vinh. Lúc đó, 18 hộ dân ở TP Vinh, 30 hộ dân ở huyện Diễn Châu, 15 hộ dân ở huyện Quỳnh Lưu cùng một số người dân ở xã Hưng Đông tập trung thành lập HTX Đông Vinh.

Sau khi thành lập, HTX hoạt động hiệu quả, thương hiệu rau sạch nổi tiếng toàn tỉnh. Nhờ siêng năng, chuyên nghề trồng rau, những năm từ 1970 đến 1990, các thành viên HTX Đông Vinh có cuộc sống ổn định. Khi TP Vinh phát triển chóng mặt, những khu vực vốn trước là vùng ven của thành Vinh như Vinh Tân, Hưng Dũng, Nghi Phú... đều thay da đổi thịt, đời sống của người dân đi lên. Riêng khu vực chuyên sản xuất rau của những thành viên HTX Đông Vinh, xã Hưng Đông thì chựng lại, lạc lõng giữa nền kinh tế thị trường và sự phát triển của đô thị hóa.

Theo nhiều nông dân ở đây, họ không nhận được sự hỗ trợ của ban chủ nhiệm HTX nên phải "tự bơi", tự tìm hướng sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm.

"HTX cả chục năm nay không đại hội rồi. Hằng tháng, hằng năm không có hoạt động gì hỗ trợ các thành viên. Các khoản hỗ trợ, đền bù không biết đi đâu, các xã viên không nhận được. Hoạt động kinh tế, thu chi của HTX không rõ ràng, minh bạch. Nhiều năm nay, các thành viên HTX hỏi ban chủ nhiệm nhưng vẫn không được trả lời" - lão nông Nguyễn Đình Duệ (SN 1950) kể.

Hàng trăm thành viên HTX Đông Vinh, xã Hưng Đông đều là những nông dân siêng năng, cần cù. Không ai muốn bỏ đất, bỏ nghề trồng rau đã nuôi sống gia đình họ cả mấy chục năm nay, chỉ mong ban chủ nhiệm HTX có những hoạt động như hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, vốn, đầu ra sản phẩm... để người dân có thể yên tâm sản xuất.

Trụ sở của HTX Đông Vinh là căn nhà to, rộng nằm trong khuôn viên mấy trăm mét vuông đất ngay trên con đường sầm uất Đặng Thai Mai, TP Vinh. Nhiều năm nay, trụ sở này bỏ hoang, không một bóng người.

Ông Trần Quang Lâm - Trưởng Phòng Kinh tế UBND TP Vinh, Nghệ An - cho biết trên địa bàn có nhiều HTX tồn tại nhưng chỉ trên danh nghĩa, hầu như không hoạt động hay trợ giúp các thành viên HTX. Không ít HTX nhiều năm liền không tổ chức đại hội, thiếu công khai, minh bạch về tài chính khiến các thành viên HTX bất bình.

Tính đến hết tháng 12-2017, cả nước có 30 Liên hiệp HTX và 11.688 HTX nông nghiệp. Hiện 795 HTX ngừng hoạt động chưa được giải thể, gần 7.200 HTX nông nghiệp hoạt động yếu kém.

Kỳ tới: Cái chết được báo trước!

Thanh Tuấn - Đức Ngọc