|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hàng loạt dự án nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng chậm triển khai

15:01 | 23/11/2021
Chia sẻ
Có 7 dự án khu du lịch nghỉ dưỡng chạy dọc ven biển trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng chưa triển khai hoặc triển khai rất chậm.
Hàng loạt dự án nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng chậm triển khai - Ảnh 1.

Các dự án nghỉ dưỡng triển khai ven biển quận Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: Chu Lai).

UBND TP Đà Nẵng vừa có báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ hai, HĐND thành phố.

Theo báo cáo này, các cử tri đề nghị giải quyết dứt điểm các dự án kéo dài nhiều năm, không có hiệu quả trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn nhằm tập trung nguồn lực đất đai để phát triển thành phố.

Về kiến nghị trên, UBND TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có 26 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư. Đa số các dự án đã hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động như: Khu du lịch Sandy Beach, sân golf Đà Nẵng, khu du lịch Fushion Maia, Furama Resort, Hyatt, Sheraton,...

Bên cạnh đó, có một số dự án ven biển chưa triển khai hoặc triển khai rất chậm so với tiến độ, gồm: Khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp ven biển của CTCP Phát triển Đô thị Du lịch Sóng Việt; khu du lịch cao cấp của CTCP Du lịch Hoàng Cường (Hoàng Cường Resort); khu du lịch ven biển của CTCP Hòn Ngọc Á Châu; dự án DAP, DAP 1, DAP 2; khu nghỉ dưỡng của Công ty TNHH Khách sạn và Biệt thự Nam Phát; khu nghỉ dưỡng ven biển của Công ty TNHH The Nam Khang và khu du lịch của Tổng công ty Du lịch Hà Nội.

"Việc các dự án chậm triển khai do thành phố thực hiện thu hồi đất để thực hiện lối xuống biển phục vụ dân sinh nên đã ảnh hưởng đến quy hoạch của dự án. Bên cạnh đó, do thị trường du lịch trong hai năm qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 nên nhà đầu tư đã thi công cầm chừng. Ngoài ra, một số nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc huy động vốn", báo cáo cho biết.

Theo tài liệu của người viết, trong các dự án kể trên có những dự án đã chậm triển khai hơn 10 năm.

Đơn cử như khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu quy mô khoảng 12 ha do CTCP Hòn Ngọc Á Châu làm chủ đầu tư với tổng vốn 4.800 tỷ đồng. Sau hơn 12 năm không triển khai, hiện khu đất dự án cỏ dại mọc um tùm, hai khối nhà xây dựng dang dở, bỏ hoang.

Dự án Hòn Ngọc Á Châu có mặt tiền trục đường Võ Nguyên Giáp, đắt đỏ và đẹp nhất Đà Nẵng. Từ vị trí dự án đến trung tâm TP Đà Nẵng 6 km.

Năm 2020, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất triển khai đầu tư các bãi tắm, công viên biển công cộng trên cơ sở thu hồi một phần diện tích dự án khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu.

Một dự án khác là khu du lịch ven biển DAP, DAP 1, DAP 2 của Công ty TNHH DAP - DAP1 - DAP2 được giao đất hơn 10 năm nhưng chậm triển khai.

Khu du lịch này có vị trí đắc địa khi có mặt tiền đường Trường Sa kết nối thẳng xuống phố cổ Hội An, Quảng Nam khoảng 20 km; bên cạnh là bãi tắm biển Non Nước và khách sạn Sheraton Đà Nẵng.

Tại phần đất dự án này, UBND TP Đà Nẵng cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực bãi tắm kết hợp công viên công cộng với diện tích 4,95 ha, dài 495 m và rộng 100 m để phục vụ người dân và khách du lịch.

Hồi tháng 10/2020, chủ đầu tư đã khởi động lại dự án DAP, DAP 1, DAP 2. Theo công bố của chủ đầu tư, giai đoạn 1, dự án sẽ triển khai xây dựng 6 tòa nhà cao 20 tầng và nhiều hạng mục công trình khác.

Một dự án khác UBND TP Đà Nẵng nhắc đến trong danh sách chưa triển khai hoặc triển khai rất chậm là khu nghỉ dưỡng ven biển của Công ty TNHH The Nam Khang. Người viết ghi nhận, dự án này cũng có mặt tiền đường Trường Sa, cách phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam khoảng 20 km.

Dự án của The Nam Khang (tên thương mại là Mandarin Oriental Đà Nẵng) có diện tích gần 17,3 ha, dự kiến xây dựng hai khối căn hộ cao 43 tầng với 988 căn, 130 căn biệt thự, hồ bơi, nhà hàng...

Hồi tháng 2, CTCP The Nam Khang đã ký thỏa thuận với Tập đoàn Mandarin Oriental Hotel, hợp tác quản lý dự án. Hiện nay, tại khu đất dự án treo bảng đang thi công, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2024.

Theo UBND TP Đà Nẵng, trong thời gian tới, sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo UBND thành phố về kế hoạch kiểm tra liên ngành đối với các dự án chậm triển khai. Trên cơ sở đó, rà soát toàn diện và đề xuất UBND thành phố hướng xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Về các khu đất đã giao cho nhà đầu tư nhưng chưa làm thủ tục đầu tư, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đề xuất phương án xử lý, trình UBND thành phố thành phố xem xét, quyết định.

Chu Lai