|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Người dân Đà Nẵng đang bán cắt lỗ căn hộ?

07:16 | 23/11/2021
Chia sẻ
Nhiều căn hộ ở TP Đà Nẵng đang được chủ sở hữu rao bán do mất việc làm, không có thu nhập để chi trả tiền vay ngân hàng để mua nhà.
Người dân Đà Nẵng bán cắt lỗ căn hộ - Ảnh 1.

Nhiều người dân Đà Nẵng mất việc làm đang phải bán nhà. Trong ảnh, một góc quận Sơn Trà - địa phương có nhiều dự án nhà ở. (Ảnh: Chu Lai).

Theo báo cáo của HĐND TP Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 10/2021, thành phố có hơn 2.225 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 538 doanh nghiệp giải thể. Ước tính có hơn 58.000 người mất việc làm, thất nghiệp.

Ghi nhận của người viết, trước khi mất việc làm, nhiều người đã vay ngân hàng để mua nhà ở. Do áp lực không có tiền trả lãi vay, một số người hiện đang rao bán nhà để trút gánh nặng.

Anh Bình (quê Quảng Nam) cho biết đã gửi môi giới rao bán căn hộ ở quận Sơn Trà được một tháng. Anh Bình trước đó đã vay 1 tỷ đồng để mua căn hộ, mỗi tháng đóng lãi và nợ gốc hơn 11 triệu đồng.

Theo anh Bình, trước khi dịch COVID-19 xảy ra, vợ chồng anh có thu nhập hàng tháng hơn 20 triệu đồng, ngoài khoản đóng cho ngân hàng, còn lại để tiêu sinh hoạt vừa vặn. Khi dịch bùng phát lại, cả hai vợ chồng anh Bình thất nghiệp vì công ty cho nghỉ làm.

“Thất nghiệp lại không có khoản tiền dự phòng, cuộc sống gia đình đầy khó khăn. Chúng tôi cố vay mượn bạn bè, người thân nhưng chỉ lo tiền lãi được hai tháng. Sau khi tính toán, vợ chồng tôi quyết định bán căn hộ. Tuy nhiên, vợ chồng tôi gửi môi giới rao bán đã một tháng nhưng không có ai liên lạc. Môi giới tư vấn nên hạ giá xuống mới có khả năng bán được”, anh Bình chia sẻ. Anh Bình cũng cho biết thêm, vợ chồng anh quyết định bán lỗ 50 triệu đồng với mong muốn bán nhanh để lo trả nợ.

Một trường hợp khác là anh Vũ (quê Bình Định) cũng đang rao bán căn hộ ở quận Sơn Trà. Đầu năm 2020, vợ chồng anh Vũ mua căn hộ tiện nghi hai phòng ngủ, trong đó tiền vay 1,2 tỷ đồng, mỗi tháng đóng lãi và gốc hơn 14 triệu đồng.

“Lúc trước dịch tôi chạy xe taxi, còn vợ làm hướng dẫn viên du lịch. Tiền lương của tôi đủ đóng cho ngân hàng, còn lại tiền lương vợ thì dùng để sinh hoạt. Dịch bệnh bất ngờ xảy ra khiến cả hai vợ chồng mất việc mà không có khoản dự phòng nào. Tiền đóng ngân hàng là khoản quá lớn, bên cạnh đó còn chi phi sinh hoạt, lo cho hai con nhỏ tốn kém. Vợ chồng tôi quyết định bán nhà dù rất nuối tiếc đã chờ đợi 6 năm mới mua được”, anh Vũ kể.

Theo người đàn ông này, anh tự đăng tải thông tin trên các trang tin BĐS để bán, bên cạnh đó cũng ký gửi môi giới, mong bán được nhanh. “Giá bán căn hộ vợ chồng tôi đưa ra hiện tại là chấp nhận lỗ 100 triệu đồng”, anh Vũ nói.

Trao đổi với người viết, chị Thương, một môi giới BĐS Đà Nẵng chia sẻ, từ đầu tháng 10 đến nay có nhận ký gửi bán 8 căn hộ của nhà đầu tư mua cho thuê và người dân mua để ở. Một đồng nghiệp của chị Thương cũng đang nhận ký gửi bán 5 căn hộ khác.

“Sau thời gian dịch bệnh ảnh hưởng, tôi thấy nhiều người đang muốn bán căn hộ. Về giá, họ đưa ra giá cao, tôi đã tư vấn định giá lại để dễ bán. Một số người chấp nhận bán dưới giá họ đưa ra ban đầu với mong muốn bán nhanh để lo trả nợ”, chị Thương nói.

Báo cáo mới đây của Batdongsan.com.vn cho biết, trong tháng 10, lượng tin đăng rao bán nhà đất (nguồn cung) trên toàn thị trường tăng 135% so với tháng 9. Tính riêng tại Đà Nẵng, lượng tin rao bán BĐS tăng 148% so với tháng 9.

“Lượng tin rao bán BĐS tăng rõ ràng đang cho thấy những tín hiệu tích cực về nguồn cung trên thị trường. Sau một thời gian dài bị dồn nén do giãn cách, nhiều người có tài sản đang nóng lòng muốn bán ra để cân đối dòng tiền và trang trải cuộc sống”, Batdongsan.com.vn nhận định.

Một số thông tin rao bán căn hộ ở Đà Nẵng hiện nay. (Ảnh chụp màn hình).

Làm thế nào để biết BĐS đang bán cắt lỗ là thật?

Tại một tọa đàm do Báo Dân trí tổ chức trước đó, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS chia sẻ, muốn biết một BĐS nào có cắt lỗ hay không, người mua phải liên tục quan sát thị trường.

Vị chuyên gia đưa ra ví dụ, một người nói sản phẩm BĐS này trước đây họ bán 1,1 tỷ đồng nhưng giờ cắt lỗ còn 1 tỷ đồng. Người mua tưởng là cắt lỗ, sự thật 1 tỷ đó là mức kỳ vọng của người bán. Do đó, người mua phải quan sát liên tục, tìm trên mạng xem chỗ đó bán giá bao nhiêu thì mới biết sản phẩm mình muốn mua có thật sự cắt lỗ hay không?

Bên cạnh đó, người mua hãy nói chuyện với chủ của BĐS đó để biết họ cắt lỗ với lý do gì? Nếu không có lý do rõ ràng, người mua sẽ dễ bị "úp sọt”, bị mua hớ.

“Tôi nghĩ trên thị trường hiện nay cũng có khoảng 10-20% nhà đầu tư muốn cắt lỗ, nhưng người ta không rao bán cắt lỗ mà chỉ rao bán bình thường, chỉ thêm chữ 'bán gấp' để thu hút khách hàng. Sau một hồi thương lượng căng thẳng mà người bán giảm giá thì mình mua. Nếu mới thương lượng mà người bán giảm thì đừng mua vội, không ai giảm giá quá nhanh”, ông Quang cho hay.

Chu Lai

Nhà đầu tư chứng khoán thận trọng trước hai luồng thông tin trái chiều
Thị tường chứng khoán tuần qua chỉ giao dịch trong 2 ngày, nhưng đã cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư khi chỉ số tăng, trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp. Giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ 2 luồng thông tin trái chiều.