|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàng loạt địa phương chuẩn bị công bố hết dịch tả heo châu Phi

13:23 | 05/04/2019
Chia sẻ
Hiện nay có 3 ổ dịch tại Hưng Yên, Hà Nội và Hải Dương đã qua 30 ngày vẫn chưa phát sinh ổ dịch mới, đủ điều kiện để công bố hết dịch. Đại diện Cục Thú y cho biết không chỉ 3 địa phương đã công bố hết dịch mà còn nhiều địa phương cũng sắp công bố hết dịch sau 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới và được khử trùng, tiêu độc đảm bảo.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tính đến ngày 5/4, cả nước có 3 ổ dịch tại Hưng Yên, Hà Nội và Hải Dương đã qua 30 ngày vẫn chưa phát sinh ổ dịch mới, đủ điều kiện để công bố hết dịch. 

Cụ thể, các xã công bố hết dịch bao gồm xã Đức Hợp (huyện Kim Động, tình Hưng Yên); phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) và xã Đại Đồng (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương).

Ngoài ra, tại buổi Họp báo thường kì quý I của Bộ NN&PTNT, trả lời báo chí trước thông tin này, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết không chỉ 3 địa phương đã công bố hết dịch mà còn nhiều địa phương cũng sắp công bố hết dịch sau 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới và được khử trùng, tiêu độc đảm bảo.

Hàng loạt địa phương chuẩn bị công bố hết dịch tả heo châu Phi - Ảnh 1.

Họp báo thường kì quí I. Ảnh: Đức Quỳnh

Do đó, đối với các xã công bố hết dịch sẽ được phép vận chuyển heo sống và tiêu thụ sản phẩm từ heo tự do. Trên thực tế, việc vận chuyển heo nội tỉnh không được kiểm tra. Còn đối với quy mô chuyển tử tình này sang tỉnh khác bắt buộc phải kiểm dịch.

Khi địa phương công bố dịch thì bắt buộc lập chốt không cho heo và sản phẩm heo di chuyển sang khu vực khác. Thực tế ở các xã hiệu quả kiểm dịch chưa cao.

Dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 23 tỉnh, thành phố. Tổng số heo mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 73.000 con. Diễn biến phức tạp của dịch đã ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi heo. Tuy nhiên, trong quí I, nhờ sự tăng đàn từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019 nên đàn heo vẫn tăng 2,5% so với cùng kì năm ngoái. 

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, trong tháng 3/2019, tình hình dịch tả heo châu Phi (ASF) tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi heo Việt Nam. 

Nguyên nhân chính khiến dịch lây lan nhanh là do hoạt động vận chuyển, giết mổ chưa được kiểm soát chặt, người dân còn bán chạy heo bệnh, heo nghi bệnh, cùng với nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn chủ quan, lơ là và thiếu trách nhiệm. 

Để ngăn chặn dịch tả heo châu Phi một cách hiệu quả, bên cạnh một loạt giải pháp ứng phó đang được triển khai, Bộ NN&PTNT đã đề nghị tăng mức hỗ trợ heo bệnh bị tiêu hủy sát với giá thị trường. 

Cụ thể, Bộ NN&PTNT đề nghị hỗ trợ 80% giá thị trường đối với heo con, heo thịt và mức cao hơn đối với heo nái, heo đực giống buộc phải tiêu hủy. Giải pháp này sẽ giúp hạn chế tình trạng người dân giấu dịch, bán chạy lợn bệnh, qua đó ngăn chặn dịch không lây lan rộng. 

Trong tháng 3, giá heo hơi trong nước có biến động. Tại miền Bắc, giá heo hơi giảm 3.000 – 5.000 đồng/kg, dao động phổ biến trong khoảng 35.000 - 38.000 đồng/kg. 

Tại miền Trung, những đợt giảm liên tiếp đã đẩy giá heo hơi trong khu vực xuống gần mức giá tại miền Bắc, với mức giá bình quân còn khoảng 38.000 đồng/kg. 

Tại miền Nam, giá heo hơi cũng giảm 6.000 - 10.000 đồng/kg, xuống còn 40.000 - 46.000 đồng/kg. 

Cục nhận định trước tình hình dịch ASF có nguy cơ lan rộng , người dân có thể tiếp tục giảm lượng thịt heo tiêu thụ , trong khi nguồn cung heo ra thị trường có xu hướng tăng , một phần vì người chăn nuôi chạy dịch , do đó dự báo giá heo hơi sẽ tiếp tục giảm mạnh trong những tháng tới.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá năm nay mặt hàng rau quả trên thế giới giảm giá không nhiều. Trong khi đó, Việt Nam lại có vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến, công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu nên đây được coi là lĩnh vực tiềm năng để tăng trưởng, góp phần bù đắp cho lĩnh vực chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch ASF.


Đức Quỳnh