|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hàng không nỗ lực giành thêm thị phần bay quốc tế

21:33 | 19/10/2016
Chia sẻ
Cùng với những kế hoạch đầu tư đội tàu bay, các hãng hàng không trong nước đang nỗ lực chiếm lĩnh dần thị phần vận chuyển quốc tế từ tay các hãng bay ngoại.
hang khong no luc gianh them thi phan bay quoc te
Đến năm 2020, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đặt mục tiêu nâng số tàu bay lên 114 tàu

Kế hoạch nâng cấp đội tàu bay đầy tham vọng

Hãng Hàng không Quốc gia VN (Vietnam Airlines) cho biết, hiện doanh nghiệp này đang khai thác 89 tàu bay (gồm cả đội bay của Vasco) bao gồm: 5 tàu bay B777, 4 tàu A350, 7 tàu Boeing 787, 8 tàu A330, 43 tàu bay A321 và 12 tàu bay ATR-72. Đến năm 2020, Vietnam Airlines đặt mục tiêu nâng số tàu bay lên 114 chiếc, trong đó có 32 tàu bay thân rộng B777, B787, A330, A350 và 82 tàu A321.

Không kém cạnh, hãng hàng không Vietjet cũng có kế hoạch đầu tư đội tàu bay đầy tham vọng khi đặt mục tiêu phát triển đội tàu bay từ 39 tàu hiện nay (33 tàu A320 và 6 A321) lên 100 tàu vào năm 2020 với 3 loại tàu là A320, A321 và B737.

Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ Jetstar cũng lên kế hoạch tăng đội tàu bay lên hơn gấp đôi trong vòng 5 năm (2016 - 2020), cụ thể là từ 14 tàu lên 30 tàu A320 và A321.

Ngoài ba hãng hàng không đang hoạt động nói trên, Vietstar - doanh nghiệp đang đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không - trong phương án kinh doanh của mình cũng nêu rõ, sẽ có đội tàu bay gồm 7 chiếc vào năm 2017 và nâng lên thành 19 chiếc vào năm 2020.

Liên quan đến sản lượng hành khách vận chuyển của các hãng hàng không, Cục Hàng không VN cho biết, trên cơ sở kế hoạch khai thác của các hãng hàng không Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, Vietnam Airlines và Vasco đặt mục tiêu tăng trưởng vận chuyển hành khách ở mức độ trung bình (từ 11- 12%), trong khi đó, Jetstar Pacific và Vietstar đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình khá cao (20,5%) và Vietjet thì đặt mục tiêu rất cao trung bình lên tới 26%.

“Giằng co” thị phần với hãng hàng không ngoại

Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, theo kế hoạch vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam, sản lượng vận chuyển năm 2020 đạt 83 triệu khách (trong đó dự kiến vận chuyển quốc tế 17,4 triệu khách). Trong khi đó, nhu cầu của các hãng hàng không nước ngoài chiếm khoảng 52% thị phần, đạt 19 triệu khách.

“Với kế hoạch trên, tổng nhu cầu thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt khoảng 102 triệu khách. Tăng trưởng trung bình giai đoạn 2015 - 2020 trung bình là 20,3%. Sản lượng vận chuyển năm 2020 đạt 102 triệu khách, hơn gấp đôi so với sản lượng của năm 2016 và vượt khoảng 24 triệu khách so với mục tiêu quy hoạch”, ông Thanh cho biết thêm.

Riêng về thị phần vận chuyển trong mối tương quan với hãng hàng không nước ngoài, cần phải nhấn mạnh, hiện tại, các hãng hàng không ngoại vẫn đang đảm nhận tới 52% thị phần vận chuyển quốc tế. Con số này, như trên đã nói, dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong giai đoạn đến năm 2020 cho dù trước đó, các hãng hàng không trong nước đã có sự tăng trưởng đáng kể trong việc giành thị phần vận chuyển.

Xin được nhắc lại, năm 2015, thị phần vận chuyển hành khách quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam đạt 48,1% so với con số 39% năm 2011. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2016, thị phần hành khách quốc tế của các hãng hàng không VN lại giảm chỉ còn 43,3% do các hãng hàng không nước ngoài đẩy mạnh khai thác.

Được biết, thị trường hàng không Việt Nam hiện có sự tham gia của các hãng hàng không nước ngoài thuộc 24 quốc gia, vùng lãnh thổ và bốn hãng hàng không Việt Nam.

“Thị trường hiện có sự tham gia của hầu hết các hãng hàng không lớn trong khu vực và trên thế giới như: Singapore Airlines, Thai Airways, Japan Airlines, Cathay Pacific, Korean Air, United Airlines, Air France, Emirates, Qatar Airways…”, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường nói và cho biết thêm: Bên cạnh các hãng hàng không truyền thống, thị trường hàng không Việt Nam đã có sự tham gia của hàng loạt các hãng hàng không chi phí thấp như: Air Asia, Tiger Airways, Thai Air Asia, Cebu Pacific…

Theo Thanh Bình