Hàng không 'chắp cánh' cho nhiều trái cây đặc sản
“Rộng cửa” nhưng rất khắt khe
Từ ngày 8 - 22/12/2018, Vietnam Airlines “mở cửa” để đặc sản cam Cao Phong (Hòa Bình) trở thành món tráng miệng phục vụ hành khách hạng Thương gia trên gần 70 đường bay của hãng từ Hà Nội, TP HCM đi châu Á, châu Âu, châu Úc và cả trên chặng bay nội địa giữa Hà Nội – TP HCM.
Nằm trong chương trình dài hạn “Bốn mùa cây trái - Bốn mùa yêu thương”, quyết định trên đã góp phần tạo đầu ra cho các vùng đặc sản và quảng bá sản phẩm nông nghiệp truyền thống. Cụ thể, sau vải thiều Lục Ngạn và nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong là loại quả đặc sản vùng thứ ba ở miền Bắc được Vietnam Airlines lựa chọn để phục vụ hành khách.
Theo đó, sản phẩm nông nghiệp lên máy bay, có cơ hội quảng bá rộng nhưng để có được điều đó cũng phải thoả mãn những yêu cầu khắt khe trong sản xuất và chế biến. Vietnam Airlines đã áp dụng quy trình lựa chọn, kiểm định và giám sát nghiêm ngặt từ khâu thu hoạch cho đến phục vụ tại bàn ăn. Cụ thể, từ những vùng đất trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm phải trải qua quy trình kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên đồng ruộng, chuyển vào kho mát ở nhiệt độ 5-7oC, ngâm khử trùng và giữ lạnh cho đến khi chúng được đưa lên máy bay.
"Chúng tôi rất vui mừng khi hay tin cam Cao Phong được Vietnam Airlines lựa chọn là sản phẩm xuất hiện trong các suất ăn của hãng bay ra quốc tế và nội địa. Đó là sự ghi nhận và phản hồi rất tích cực của thị trường sau một thời gian địa phương nỗ lực xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Đây là tín hiệu khả quan đối với người sản xuất và các nhà vườn khi tham gia vào thị trường nông sản dự báo là rất tiềm năng này”, ông Phạm Văn Long - Chủ tịch UBND huyện Cao Phong chia sẻ với PLVN.
Việc lựa chọn các mặt hàng nông sản chất lượng cao đưa lên máy bay không chỉ tạo sự đa dạng, khác biệt trên các chuyến bay trong bối cảnh đang có sự cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải hàng không mà còn góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện để các địa phương có sự đầu tư và định hướng đúng đắn trong quá trình phát triển các mặt hàng nông sản thế mạnh, chủ lực… qua đó tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Quả cam Cao Phong với vị ngọt, sắc tự nhiên. |
Kỳ vọng những đơn hàng xuất khẩu lớn
Trao đổi với PLVN, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong Phạm Văn Long cho biết, trước khi có Chỉ dẫn địa lý cho cam Cao Phong, sản phẩm tại địa phương tuy chất lượng rất tốt nhưng nhiều năm giá thấp, người trồng không mặn mà mà chỉ bán theo thời vụ.
Từ năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp chứng nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho 4 giống cam: lòng vàng, Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao và cam Canh được trồng trên địa bàn thị trấn Cao Phong và các xã Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Thu Phong. Từ đây, cam Cao Phong với vị ngọt, sắc đặc trưng đã được khẳng định, được người tiêu dùng đón nhận và trở thành sản phẩm đặc sản chủ lực của địa phương. Trong năm 2018, huyện Cao Phong đang có nhiều nỗ lực trong việc mở rộng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho giống cam V2 của địa phương.
Trước những đòi hỏi của thị trường và gần đây là các tiêu chuẩn khắt khe đối với sản phẩm khi lên máy bay, UBND huyện Cao Phong cho biết đến nay, huyện Cao Phong đã có 350 hộ với gần 610 ha cam được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tăng gần 340 hộ và hơn 560 ha so với năm 2014 khi mới bắt đầu triển khai, thực hiện…
"Toàn bộ các quả cam được Vietnam Airlines lựa chọn đưa lên các chuyến bay đều được lấy từ các hộ gia đình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, được lựa chọn kỹ càng với quy trình rất nghiêm ngặt trong xử lý. Quả cam vốn đã ngon thì nay lại được làm theo quy trình sạch, công phu hơn trước nữa. Vì thế, chúng tôi tin thương hiệu cam Cao Phong sẽ được biết đến nhiều hơn và đi xa hơn nữa", lời Chủ tịch Long.
Được biết, toàn bộ huyện Cao Phong, mùa cam năm nay dự báo sản lượng sẽ đạt khoảng 36.000 tấn, giá ổn định từ 18.000 - 35.000 đồng/kg. Những sản phẩm đầu tiên của vụ mùa năm nay sau khi được hàng không “chắp cánh” nếu thu được những tín hiệu tốt thì những những năm sắp tới, kỳ vọng vùng cam của tỉnh Hoà Bình quy mô sẽ lớn hơn và có điều kiện để xuất khẩu, thu về giá trị kinh tế cao hơn như những loại trái cây đặc sản khác của miền Nam.
Cam Cao Phong sẽ đi xa hơn nữa "Toàn bộ các quả cam được Vietnam Airlines lựa chọn đưa lên các chuyến bay đều được lấy từ các hộ gia đình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, được lựa chọn kỹ càng với quy trình rất nghiêm ngặt trong xử lý. Quả cam vốn đã ngon thì nay lại được làm theo quy trình sạch, công phu hơn trước nữa. Vì thế, chúng tôi tin thương hiệu cam Cao Phong sẽ được biết đến nhiều hơn và đi xa hơn nữa", ông Phạm Văn Long - Chủ tịch UBND huyện Cao Phong. |