|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vấp \"báo động đỏ\"

12:21 | 15/10/2016
Chia sẻ
Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn bị cảnh báo về chất lượng cũng như nguồn gốc của sản phẩm.
9 thang dau nam hang hoa viet nam bi bao dong do
Hàng hóa của Việt Nam liên tục bị cảnh báo về chất lượng và nguồn gốc

Nông thủy sản liên tiếp nhận cảnh báo

Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng 9 tháng đầu năm nay xuất khẩu ảm đạm, ước đạt 3,76 triệu tấn, trị giá 1,69 USD, giảm 16,4% về lượng và 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

8 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ với 22.084 tấn, trị giá gần 12,2 triệu USD, giảm mạnh so với 33.000 tấn và 18,7 triệu USD cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Hải Quan.

Nguyên nhân sụt giàm là do nhiều lô hàng xuất sang nước này bị trả về do nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và vi phạm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực (VFA), 6 tháng đầu năm đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Thực tế trong năm 2016 có rất nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo thơm của các doanh nghiệp có tiếng lớn bị trả về vì dư lượng thuốc BVTV.

Mới đây, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản (Nafiqad) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phát đi thông tin cảnh báo của Liên minh châu Âu (EU) về tình trạng các lô hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam nhiễm kim loại nặng.

Theo đó, Nafiqad đã nhận được thông tin về 11 lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo dư lượng kim loại nặng là thuỷ ngân, Cadmium vượt giới hạn tối đa cho phép.

Số vụ cảnh báo đã tăng gấp 2,2 lần so với cả năm 2015. Số lô hàng thủy sản bị cảnh báo bắt đầu tăng mạnh từ thời điểm Cơ quan thẩm quyền EU có văn bản cảnh báo yêu cầu Cơ quan thẩm quyền các nước thành viên kiểm tra tăng cường kim loại nặng đối với thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2016, Nafiqad cũng thông tin, EU cảnh báo nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, sản phẩm cá tra đông lạnh có chất lượng cảm quan không đạt yêu cầu (có mùi Amoniac trong sản phẩm) và có chứa Sodium carbonates (E 500) không được phép sử dụng; mặt hàng cá tra đông lạnh có chứa Sodium Erythorbate (E 316) không được phép sử dụng; mặt hàng cá ngừ đóng hộp do chỉ tiêu Histamine; mặt hàng cá cờ kiếm do có chỉ tiêu thủy ngân.

Hàn Quốc cũng gửi thông báo tới Nafiqad việc sẽ áp dụng chế độ kiểm tra Nitrofuran đối với các lô hàng tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam kể từ ngày 5/9 đến 31/12/2016. Nguyên nhân được đưa ra là "phát hiện AOZ trong một số sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam" đang được lưu thông trên thị trường này.

Tại diễn đàn, “Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2015 có 40 lô hàng bị phát hiện vi phạm có tồn dư hóa chất trong tổng số 181 lô hàng bị cảnh báo an toàn thực phẩm, gấp gần 3 lần so với năm 2014.

Theo tin từ trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương Mại - Bộ Công Thương (VITIC), năm nay dự báo ngành chè Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức tại thị trường tiêu thụ truyền thống. Trong đó, Đài Loan và Mỹ ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc. Thị trường như Nga, Pakistan gặp khó khăn về tài chính, cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu chè Việt Nam.

Giải pháp trước mắt là doanh nghiệp xuất khẩu nên chú ý đến chất lượng sản phẩm, tìm kiếm và thay thế mẫu mã bao bì sản phẩm để tạo thương hiệu tốt hơn.

Rau quả là mặt hàng nhiều tiềm năng của Việt Nam với dự kiến hết năm nay xuất khẩu có thể đạt trên 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Phòng Kiểm dịch thực vật (Cục BVTV), rào cản hữu hình quy định kiểm dịch đối với thực vật đã gây khó khăn cho việc xuất khẩu trái cây. Theo đó, các nước lớn có yêu cầu kiểm dịch thực vật là trái cây tươi phải được chiếu xạ hay xử lý hơi nước nóng trước khi nhập khẩu.

Nguy cơ bị kiện phá giá tăng cao

Hàng công nghiệp của Việt Nam liên tục bị nhiều doanh nghiệp tại các thị trường lớn khởi kiện liên quan đến bán chống giá giá vì nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

9 tháng qua, dù xuất khẩu các sản phẩm thép của Việt Nam đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 49,3% so với cùng kỳ nhưng thép Việt cũng vướng nhiều vụ kiện.

Mới đây, ủy ban chống bán phá giá của Úc ra quyết định điều tra đối với sản phẩm thép mạ hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ và Malaysia vì nghi ngờ có cùng nguồn xuất xứ với hàng Trung Quốc đang bị áp thuế tại thị trường này.

Trước đó, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ đã nộp đơn yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ tiến hành điều tra đối với các sản phẩm tôn mạ và CRC nhập khẩu từ Việt Nam do nghi xuất xứ từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp yêu cầu những sản phẩm điều tra của phía Việt Nam phải được áp thuế bằng với mức thuế của các sản phẩm Trung Quốc.

Bộ Thương mại Thái Lan trước đó cũng đã có kết luận điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế dự kiến từ 7,94% – 40,49%.

Trong hội nghị "Hỗ trợ ngành bán lẻ, chế biến gỗ xuất khẩu trong hội nhập", Hiệp hội gỗ và lâm sản cho biết, trong quá trình hội nhập Việt Nam có thể gặp rủi ro lớn khi các nước đều kiểm soát chặt tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào.

Tính đến tháng 8, Trung Quốc chiếm 14,7% giá trị khẩu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào Việt Nam với mức tăng trưởng dương là 2,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo thống kê từ Phòng vệ thương mại (VCCI), tính đến ngày 31/7/2016 đã có 77 vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Đặc biệt, trong năm 2015 có tới 13 vụ kiện chống bán phá giá chủ yếu ở các sản phẩm gỗ và thép.

9 thang dau nam hang hoa viet nam bi bao dong do
Thống kê các vụ điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa Việt Nam tại thị trường nước ngoài

Hồng Vũ