|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hãng hàng không quốc gia của Indonesia tiếp tục lỗ hơn 900 triệu USD

20:37 | 03/09/2021
Chia sẻ
Trong nửa đầu năm 2021, hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia tiếp tục gánh chịu khoản lỗ 12.870 tỷ rupiah (902 triệu USD), tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái do các lệnh hạn chế đi lại kéo dài.

Trong báo cáo tài chính mới nhất, Garuda cho biết doanh thu của hãng đã sụt giảm 24% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 696,8 triệu USD, trong đó doanh thu chở khách giảm gần một nửa xuống còn 375,3 triệu USD.

Sau khi Chính phủ bắt đầu ban hành lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng khẩn cấp (PPKM Darurat) vào tháng Bảy, số lượng hành khách trung bình mỗi ngày của Garuda đã giảm mạnh xuống còn 2.000 lượt, so với mức 12.000 lượt trước khi có chính sách này.

Lệnh hạn chế nói trên đã được kéo dài và sửa đổi nhiều lần, trong đó phiên bản mới nhất với một số nới lỏng dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 6/9 tới.

Hãng hàng không quốc gia của Indonesia tiếp tục lỗ hơn 900 triệu USD - Ảnh 1.

Sáu tháng đầu năm 2021, hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia tiếp tục gánh chịu khoản lỗ 12.870 tỷ rupiah tương đương 902 triệu USD. (Ảnh: garuda-indonesia.com).

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Garuda, ông Irfan Setiaputra, cho biết việc thực hiện các hạn chế di chuyển của người dân đã tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không, trong đó có Garuda.

Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong nước và quốc tế tiếp tục bị ảnh hưởng trong năm nay khi Indonesia áp đặt một số loại hạn chế đi lại, bao gồm lệnh cấm về quê (Mudik) trong dịp lễ xả chay Eid al-Fitr.

Trong khi đó, các nước khác cũng hạn chế đi lại, ví dụ Saudi Arabia (A-rập Xê-út) với các chuyến bay hành hương vốn là nguồn thu lớn của Garuda.

Nhằm giải quyết khó khăn, Garuda đã thực hiện một số biện pháp cắt giảm chi phí, trong đó có việc đàm phán lại các hợp đồng thuê máy bay, điều chỉnh các tuyến bay và triển khai chương trình nghỉ hưu sớm, qua đó giúp cắt giảm 15,9% chi phí hoạt động xuống còn 1,3 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.

Theo ông Irfan, hiện Garuda cũng đang hoàn thiện đề án và kế hoạch tái cơ cấu tổng thể tập đoàn, trong đó có nghĩa vụ đối với các chủ nợ, quản trị tổ chức và phát triển mô hình kinh doanh thích ứng hơn.

Bất chấp tình hình suy thoái, Garuda sẽ tiếp tục tối ưu hóa các dịch vụ vận tải hàng hóa và các dịch vụ bay “không theo lịch trình” nhằm bù đắp tổn thất trong phân khúc vận tải hành khách.

Trong nửa đầu năm 2021, sản lượng vận tải hàng hóa của Garuda đã tăng 37,56% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 152.300 tấn.

Ông Irfan cũng hy vọng rằng Chính phủ sẽ tiếp tục nới lỏng các hạn chế đi lại vốn đã được thực hiện tại một số khu vực trên đảo Java đông dân, nhằm giúp khôi phục tần suất các chuyến bay nội địa trở lại mức trước PPKM Darurat.

Hồi tháng Bảy vừa qua, trang Diễn đàn Đông Á dẫn lời ông Irfan Setiaputra cho hay tổng số nợ của Garuda đã lên tới 70.000 tỷ rupiah (tương đương 4,9 tỷ USD).

Theo báo cáo tài chính công bố vào tháng 9/2020, tổng nợ phải trả của Garuda lên tới 10,36 tỷ USD, trong khi giá trị tài sản của hãng là 9,9 tỷ USD.

Hữu Chiến