|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hãng hàng không độc quyền đường bay không phải vì được ưu ái

16:42 | 01/06/2020
Chia sẻ
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, việc một số đường bay chỉ do một hãng hàng không duy nhất khai thác không phải vì nhà nước thiên vị bên này, cấm cản bên kia mà hoàn toàn do định hướng hoạt động của riêng từng hãng.
Hãng hàng không độc quyền đường bay không phải vì được ưu ái - Ảnh 1.

Tàu bay Vietnam Airlines và Vietjet Air tại Nội Bài. Ảnh: Song Ngọc.

Ngày 30/5 vừa qua tại quần thể FLC Quy Nhơn đã diễn ra Hội nghị "Hàng không Việt trỗi dậy và sự hồi phục kinh tế". Các chuyên gia tham dự đã đánh giá thực trạng và đề xuất các yếu tố giúp khơi thông đà phục hồi của ngành hàng không nội địa, chuẩn bị đón khách quốc tế sau khi COVID-19 đã được kiểm soát.

Tiến sĩ, Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đặt vấn đề: Trong thời kì hậu COVID, liệu ngành hàng không Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để sắp xếp lại trật tự hoạt động hay không? Ông Lịch lấy ví dụ chặng bay tới một điểm du lịch nổi tiếng là Côn Đảo, tại sao lại chỉ có một hãng duy nhất là VASCO khai thác và "giá vé cực đắt"?

Ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết cơ quan nhà nước không ưu ái hãng này hay ngăn cấm hãng kia mở đường bay. Việc khai thác các đường bay đến Côn Đảo hay không "phụ thuộc vào định hướng sử dụng đội tàu bay của hãng hàng không", ông Cường cho biết.

Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air chỉ tập trung khai thác dòng tàu bay Airbus A320 và A321 (cùng thuộc gia đình A320) để giảm chi phí vận hành do sử dụng cùng một đội ngũ phi công, nhân viên kĩ thuật, kho phụ tùng, ...

"Như vậy, Vietjet không có loại tàu bay nhỏ để bay tới Côn Đảo. Sân bay Côn Đảo chỉ đáp ứng được loại tàu như ATR 72, hay trước năm 2011 còn có tàu Bombardier của Air Mekong, Vietnam Airlines định dùng Embraer để thay thế ATR 72", ông Cường nói.

"Bamboo Airways có một chiếc A319 hiện đang được nghiên cứu. Độ dài của đường cất hạ cánh Côn Đảo thì đảm bảo nhưng sức chịu tải của đường cất hạ cánh và sân đỗ thì còn phải nghiên cứu thêm. Nếu Bamboo Airways bây giờ quyết định thêm một loại tàu bay nữa, thêm chi phí đào tạo phi công, thợ máy … để bay thì nhà nước cũng không cản cấm.

"Quyết định ở đây tùy vào anh Quyết (ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Bamboo Airways – PV), anh ấy muốn bay bằng Bombardier hay Embraer hay thậm chí là MA 60 của Trung Quốc, chỉ chở mấy chục khách mỗi chuyến thôi", ông Võ Huy Cường nói.

Hãng hàng không độc quyền đường bay không phải vì được ưu ái - Ảnh 2.

Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. Ảnh: Đức Quyền.

Hiện nay chỉ có VASCO (hãng bay thành viên của Vietnam Airlines) độc quyền khai thác đường bay với Côn Đảo "nhưng không phải vì hãng này mong muốn".

Theo vị lãnh đạo Cục Hàng không này, VASCO từng cạnh tranh với Air Mekong nhưng doanh nghiệp này sau đó đã rời khỏi thị trường. "Trước đây chúng ta đã không đặt giá trần đối với đường bay Côn Đảo – TP HCM vì có ít nhất hai hãng cạnh tranh nhau. Nhưng rồi Air Mekong ngừng khai thác nên tự nhiên chỉ còn một mình VASCO".

Theo ông Cường, việc khai thác đường bay với Côn Đảo gây ra nhiều khó khăn cho hãng hàng không bởi sân bay Côn Đảo không có đèn đêm nên chỉ có thể bay từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Nếu tàu bay bị hỏng, phải nằm lại thì hãng sẽ phải hủy vài ba chuyến.

Ngoài ra, "Tân Sơn Nhất không muốn nhận ATR 72 vì cũng chiếm một chỗ cất hạ cánh. Cất cánh cũng chậm mà hạ cánh cũng chậm nên không tăng được tần suất khai thác của sân bay. Tân Sơn Nhất chỉ cấp tần suất cất hạ cánh nhất định thôi chứ cũng không khuyến khích ATR 72, khuyến khích bay chặng Cần Thơ – Côn Đảo hơn".

Theo ông Cường, các chặng bay tới Điện Biên cũng gặp những khó khăn tương tự.

"Tôi khẳng định bất kì hãng nào có năng lực phù hợp với khả năng tiếp nhận tàu bay ở Côn Đảo thì sẽ không có vướng mắc gì cả. Cho dù là Vietjet, Bamboo Airways hay hãng hàng không sắp ra đời là Vietravel Airlines, nếu có tàu bay phù hợp thì sẽ được cấp phép bay, không hạn chế", Phó Cục trưởng Cục Hàng không nói chắc chắn.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways và Tập đoàn FLC bày tỏ lạc quan về triển vọng sử dụng tàu A319 cho chặng bay tới Côn Đảo.

Hãng hàng không độc quyền đường bay không phải vì được ưu ái - Ảnh 3.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways. Ảnh: Đức Quyền.

Hiện nay đội tàu bay của Bamboo Airways có 22 chiếc, trong đó có 3 tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner và 19 tàu thân hẹp gồm 1 chiếc A319ceo, 6 chiếc A320ceo, 5 chiếc A320neo, 3 chiếc A321ceo và 4 chiếc A321neo.

Ông Quyết cho biết nếu được cấp phép bay tới Côn Đảo bằng A319, Bamboo Airways sẽ thuê thêm ít nhất một chiếc A319 nữa để đảm bảo khai thác ổn định. 

Trong quí I vừa qua, Bamboo Airways lỗ khoảng 1.500 tỉ đồng. Khi được hỏi liệu kế hoạch mở rộng đội tàu bay của hãng có gặp khó khăn vì vấn đề tài chính không, ông Quyết khẳng định Bamboo Airways không có khó khăn về tài chính và việc hãng vay nợ là hết sức bình thường trong kinh doanh.

Đức Quyền