|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàn Quốc: Nhu cầu ngày càng tăng với sản phẩm cà phê giá phải chăng

07:43 | 10/06/2024
Chia sẻ
Trong khi số lượng các cửa hàng nhượng quyền ngày càng tăng trên khắp Hàn Quốc, chủ sở hữu các cửa hàng được cấp phép phải chịu thiệt hại vì tỷ suất lợi nhuận thấp.

Hãng Mega MGC Coffee.

Trong vài năm qua, các thương hiệu cà phê phát triển theo chuỗi nhượng quyền tập trung vào giá trị như Mega MGC Coffee và Compose Coffee, đã phát triển nhanh chóng ở Hàn Quốc nhờ nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm cà phê giá cả phải chăng.

Tuy nhiên, căn cứ vào Báo cáo thu nhập năm 2023, giới phân tích chỉ ra rằng đang có nghịch lý giữa nhà phát triển thương hiệu và bên nhận nhượng quyền.

Trong khi số lượng các cửa hàng nhượng quyền ngày càng tăng trên khắp Hàn Quốc, chủ sở hữu các cửa hàng được cấp phép phải chịu thiệt hại vì tỷ suất lợi nhuận thấp do bán đồ uống giá rẻ, trong khi các nhà điều hành chuỗi thì được hưởng tỷ suất lợi nhuận hoạt động ngày càng cao hơn.

Báo cáo thu nhập năm 2023 cho thấy tỷ suất lợi nhuận hoạt động của Mega MGC Coffee đứng ở mức 18%, trong khi chỉ số này của Compose Coffee là 41%. Tỷ suất lợi nhuận của các hãng này cao hơn đáng kể so với Starbucks, công ty đạt tỷ suất lợi nhuận hoạt động 6,5% trong cùng kỳ.

 

Theo dữ liệu của Ủy ban thương mại công bằng Hàn Quốc, có 1.184 địa điểm Mega MGC Coffee trên toàn quốc vào năm 2020. Con số đó tăng lên 2.156 vào năm 2022, trước khi vượt qua mốc 3.000 cửa hàng vào tháng 5/2024. Compose Coffee có 725 cửa hàng được cấp phép vào năm 2020, nhưng con số đó hiện ở mức 2.571 chi nhánh.

Những nhà điều hành chuỗi trong cùng thời gian trên cũng giảm thiểu số lượng cửa hàng mà họ trực tiếp điều hành và tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc tăng số lượng cửa hàng nhượng quyền mới.

Mega MGC Coffee chỉ trực tiếp vận hành 17 cửa hàng và Compose Coffee không có cửa hàng nào trực tiếp vận hành. Điều này khác với các thương hiệu nhượng quyền cà phê lớn khác là Starbucks và Ediya Coffee.

 

Theo báo cáo của ngành cà phê, mặc dù các công ty điều hành chuỗi cà phê tập trung vào giá trị đã đạt được tỷ suất lợi nhuận hoạt động cao, trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm cà phê giá cả phải chăng, nhưng chủ sở hữu các cửa hàng được cấp phép đang gặp khó khăn.

Ví dụ: Mega Coffee và Compose Coffee bán Americano nóng của họ với giá 1.500 won (1,10 USD).

Tuy nhiên, một báo cáo địa phương chỉ ra rằng chi phí sản xuất các sản phẩm cà phê của họ là khoảng 38%. Các chủ cửa hàng được cấp phép cho biết họ chỉ kiếm được 2-3 triệu won mỗi tháng ngay cả khi số lượng bán lớn trong ngày.

Trái ngược với những khó khăn mà chủ sở hữu các cửa hàng được cấp phép gặp phải, các bên liên quan trong chuỗi doanh nghiệp tập trung vào giá trị cà phê lại được hưởng cổ tức cao trong những năm gần đây. Mega MGC Coffee đã trả 40,2 tỷ won cổ tức cho các bên liên quan vào năm 2022, khi công ty này ghi nhận tổng lợi nhuận ròng hàng năm là 41 tỷ won.

Năm 2023, công ty cũng chia cổ tức 50,2 tỷ won, trong số 56,4 tỷ won lợi nhuận ròng hàng năm.

 

Trường Giang (P/v TTXVN tại Hàn Quốc)