|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hai số phận trên thị trường trái phiếu Anh-Đức

07:03 | 02/10/2022
Chia sẻ
Giới đầu tư đã “hắt hủi” các tài sản của Anh sau khi London công bố kế hoạch tăng vay nợ và giảm thuế. Song, Đức không rơi vào tình huống tương tự dù nước này vay nợ lớn hơn.

Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng đi bộ bên ngoài số 10 Phố Downing, tại London, Anh. (Ảnh: Reuters)

Con ghẻ

Sau khi chính phủ Anh công bố kế hoạch “ngân sách nhỏ” để giảm thuế và áp trần giá năng lượng, giá cổ phiếu, trái phiếu và đồng bảng Anh (GBP) đều rơi tự do. Trong phiên giao dịch thứ Sáu (23/9), GBP mất giá gần 3,6% so với USD và tiếp tục giảm khi thị trường mở cửa vào ngày thứ Hai (26/9), khi rơi xuống mức thấp kỷ lục 1,04 USD tại London. 

Kể từ đầu tháng 9, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng từ 2,882% lên 4,073%. Trước những biến động mạnh của thị trường, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã phải can thiệp với việc tạm thời mua vào trái phiếu dài hạn từ ngày 28/9 và hoãn kế hoạch bán tài sản này. 

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Anh đang cao gấp đôi so với Đức (khoảng 2,11%). Điều này cho thấy nhận định hoàn toàn trái ngược của giới đầu tư về hai quốc gia. 

Lợi suất trái phiếu Anh đang cao gấp đôi trái phiếu Đức, tức là nhà đầu tư cho rằng cho Anh vay tiền rủi ro hơn khi cho Đức vay.

Bà Annalisa Piazza, nhà phân tích tại công ty quản lý đầu tư MFS Investment Management, nhận định kế hoạch của Đức mang tính hỗ trợ nhiều hơn so với Anh. Theo bà Piazza, động thái cắt giảm khung thuế cao nhất của chính phủ Anh đã thúc đẩy tình trạng bán tháo trên thị trường tài chính.

Bà nhấn mạnh người giàu ít khả năng sẽ giảm chi tiêu do lạm phát, do đó, nhà đầu tư tỏ ra nghi ngờ về khả năng thúc đẩy tăng trưởng của chương trình giảm thuế. Trong khi đó, không giống như Anh, Đức đang hỗ trợ những tầng lớp có thể tạo ra sự khác biệt về chi tiêu. 

Đáng chú ý, trong một động thái hiếm thấy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch cắt giảm thuế của Anh. Theo IMF, bước đi mới của London không phù hợp vào thời điểm lạm phát tăng cao và sẽ làm gia tăng thâm hụt ngân sách ngay cả khi các chương trình hỗ trợ về năng lượng hết hiệu lực.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tham dự một phiên họp tại Berlin, Đức. (Ảnh: Reuters)

Và con cưng

Chính phủ Anh dự kiến vay mượn 72 tỷ bảng Anh (80 tỷ USD) trong 6 tháng tới, để cấp vốn cho chương trình giảm thuế. 

Trong khi đó, Đức đã thông báo vay nợ thêm để cấp nguồn quỹ cho gói hỗ trợ trị giá 200 tỷ euro (196 tỷ USD) nhằm áp trần giá khí đốt và cắt giảm thuế nhiên liệu trong nỗ lực bảo vệ doanh nghiệp và các hộ gia đình khỏi tác động của giá năng lượng tăng cao, sau khi Nga cắt giảm nguồn năng lượng cho châu Âu. 

Theo hãng Reuters, gói hỗ trợ trên tương đương khoảng 5% GDP của Đức và bằng gần một nửa nguồn tài chính hỗ trợ của Đức trong năm nay. Có thể thấy, quy mô vay nợ của Đức gấp hơn hai lần của Anh. 

Mặc dù lợi suất trái phiếu của Đức đã tăng mạnh trong tháng 9, song vẫn thấp hơn nhiều so với Anh. Các chuyên gia đánh giá thị trường vẫn chưa phản ứng đối với kế hoạch của Đức khi nhà đầu tư chờ đợi thời điểm chính xác Đức sẽ hoàn thành việc cấp vốn và số tiền có thể được huy động là bao nhiêu. 

Mới đây, cơ quan phụ trách nợ công của Đức ước tính nợ công của nước này sẽ tăng thêm 22,5 tỷ euro trong quý IV/2022 so với kế hoạch ban đầu của chính phủ để dàn xếp cuộc khủng hoảng năng lượng. Số tiền này tương đương mức tăng chỉ 5% trong năm. 

Ông Gerard Fitzpatrick, Giám đốc bộ phận trái phiếu tại công ty đầu tư Russell Investments, cho rằng chương trình chi tiêu dài hạn và hợp lý của Đức có phần dễ chấp nhận hơn đối với nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu. 

Hơn nữa, với tỷ lệ nợ trên GDP thấp hơn nhiều so với Anh, Đức có thể huy động tiền theo cách cho phép nước này tuân thủ quy định về kiểm soát nợ. Theo quy định này, Đức đặt ra một giới hạn nghiêm ngặt đối với các khoản vay mới ngoài những trường hợp ngoại lệ. 

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết với quy định về kiểm soát nợ, nước Đức đã gửi đến nhà đầu tư một thông điệp rõ ràng rằng nền kinh tế đầu tàu của châu Âu này vẫn vững mạnh.

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ nợ trên GDP của Đức vào khoảng 67,5% tính đến tháng 3/2022, trong khi đó, kết thúc năm 2021, nợ công tại Anh là 104% GDP.

Trà My

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.