|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Hái ra tiền' từ thị trường đồ thể thao

06:51 | 04/06/2019
Chia sẻ
Các shop hàng thể thao mọc lên như nấm, hàng loạt thương hiệu đồ dùng thể thao nổi tiếng thế giới đã có mặt tại Việt Nam, tranh đua ở thị trường có quy mô lên tới khoảng 8.000 tỉ đồng.
Hái ra tiền từ thị trường đồ thể thao - Ảnh 1.

Khách hàng tìm mua dụng cụ tập thể dục thể thao tại một cửa hàng ở Q.5, TP.HCM - Ảnh: BÔNG MAI

Phong trào chơi thể thao đang lên cao. Các nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là thị trường nhiều tiềm năng phát triển, nhưng doanh nghiệp sản xuất Việt thì lại gặp khó, vì người dùng vẫn vô tư dùng hàng nhái.

Cuộc đua của những thương hiệu lớn

Mới đây, thương hiệu thể thao hàng đầu của Pháp - Decathlon đã chính thức khai trương cửa hàng thể thao đầu tiên tại Việt Nam với quy mô lớn, thiết kế các sản phẩm phù hợp nhu cầu người dùng Việt. 

Dù đã có 1.513 cửa hàng lớn nhỏ tại 53 quốc gia, nhưng đến năm 2017 Decathlon mới thử nghiệm bán tại thị trường Việt Nam qua kênh online.

Khi nhận thấy tiềm năng thị trường đồ thể thao Việt Nam đang ngày càng nở rộ, Decathlon đã chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội với quy mô lên tới 4.300m2. Đây đều là những megastore (cửa hàng lớn) cung cấp đa dạng với 14.000 sản phẩm, trang phục, dụng cụ tập luyện và thi đấu cho hơn 70 môn thể thao.

Không riêng gì Decathlon, nhiều hãng sản xuất đồ thể thao lớn của thế giới đã thâm nhập thị trường Việt Nam để xuất khẩu... tại chỗ. Hàng loạt thương hiệu đang phân phối qua các đơn vị độc quyền, như hãng giày dép thể thao 361° thuộc Công ty Degrees International Limited, thiết bị chạy thể dục như Elliptical, Orbitrac... với doanh thu hàng triệu USD mỗi năm.

Những thương hiệu Nike, Adidas, Lyning, Puma... từ chỗ chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất để xuất khẩu, đã tập trung bán sản phẩm. Đến nay, Nike và Adidas chiếm thị phần lên tới gần 40% ở Việt Nam.

Mới đây, tại triển lãm quốc tế thiết bị và sản phẩm thể thao Việt Nam, hàng loạt thương hiệu thể thao Trung Quốc cũng bày tỏ tham vọng lấn sân thị trường Việt. Tập đoàn Wish Sporting Good, đã có mặt ở Việt Nam hơn 20 năm nay thông qua các nhà phân phối, đã bắt đầu tìm địa điểm xây dựng nhà máy để cạnh tranh.

Hái ra tiền từ thị trường đồ thể thao - Ảnh 2.

Hàng nội gặp khó với hàng nhái

Dụng cụ thể thao hiện nay rất đa dạng và không phải ai cũng mua được hàng tốt. Khảo sát trên tuyến đường Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM), hàng loạt cửa hàng bán dụng cụ thể thao kề nhau. Vào một cửa hàng hỏi mua kính bơi, một phụ nữ giới thiệu hàng loạt loại kính bơi có mẫu mã đa dạng, trên hộp đựng đều in chữ nước ngoài, kèm theo thông tin "Made in Japan" (xuất xứ Nhật Bản), "Made in Korea" (xuất xứ Hàn Quốc)... 

Tuy nhiên hỏi kỹ, người bán hàng công nhận đây là hàng Trung Quốc.

Chủ một cửa hàng bán giày thương hiệu "Nike" giá 500.000 đồng nói thẳng: "Đã hàng fake (giả) lấy đâu ra chất lượng xịn".

Không ít người mua dụng cụ thể thao trên mạng còn dễ bị nhầm hơn. Anh Ngô Đức Tín (32 tuổi, Khánh Hòa) không khỏi bức xúc khi vừa bị một trang bán đồng hồ thông minh trên Facebook giới thiệu đồng hồ thông minh hiệu X. giá 630.000 đồng, khuyến mãi còn 350.000 đồng. 

Người bán cho biết đồng hồ X. có thể theo dõi nhịp tim, hiển thị giờ, số bước đi, theo dõi giấc ngủ, nhắc nhở vận động khi ngồi lâu... Tuy nhiên, chiếc đồng hồ anh nhận mở ra không dùng được, sạc pin không lên nguồn.

Ông Lê Văn Thành - chủ tịch Tập đoàn Động Lực - cho biết với mức thu nhập tăng, nhu cầu tập luyện vì sức khỏe và giao lưu thể thao được tổ chức ngày càng nhiều. Thống kê sơ bộ, cả nước hiện có tới trên 3.000 phòng tập gym, hàng ngàn sân cỏ nhân tạo, bể bơi. Không chỉ các giải bóng đá mà xe đạp đường phố, chạy bộ... được tổ chức thường xuyên theo tất cả các cấp độ, kể cả cấp quốc gia...

Sự sôi động của hoạt động này theo ông Thành đã tạo nên cú hích, mở ra nhiều tiềm năng, với quy mô thị trường lớn. Với thông tin như hãng thể thao nổi tiếng thế giới A. doanh thu tại Việt Nam mỗi năm lên tới 2.500 - 3.000 tỉ đồng, hàng loạt nhà sản xuất quốc tế đã có mặt tại Việt Nam, ông Thành cho hay hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam cũng đã rót vốn sản xuất bóng thể thao, giày thể thao, quần áo trang phục, phụ kiện.

Tuy nhiên, việc giành miếng bánh thị phần hiện đầy khốc liệt. Ông Thành cho biết với các sản phẩm bóng thể thao, lượng cung ứng trên thị trường khoảng 4-5 triệu quả thì hàng Việt Nam chiếm đến 90%. 

Các sản phẩm giày thể thao, trang phục với mức giá bình dân cũng chủ yếu do doanh nghiệp trong nước cung ứng, nhưng chịu sức ép cạnh tranh rất gay gắt từ hàng nhái, hàng giả của Trung Quốc.

"Hàng giả, hàng nhái thương hiệu lớn từ Trung Quốc về rất nhiều, hầu như tất cả các shop bán đồ thể thao bình dân, thậm chí là trung tâm buôn bán lớn đều có, nên ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất trong nước" - ông Thành nói.

Người mua nên cân nhắc kỹ

Anh Hồ Ngọc Thuận (cựu vận động viên tuyển Việt Nam môn bóng bàn) chia sẻ đối với dụng cụ bóng bàn như vợt, giày, máy bắn bóng, phụ kiện balô túi xách... ngoài hàng chính hãng có bảo hành, thị trường còn có hàng xách tay, hàng trôi nổi. 

Nhiều sản phẩm giả, nhái, hết date (hạn sử dụng) đang được xách tay về bán với giá rẻ. Người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ khi mua, vì tiền nào của nấy. Thị trường hiện có sản phẩm làm giả tinh vi, như một cây vợt Trung Quốc bề ngoài giống vợt thật, nhìn kỹ mới biết số xêri giả.

Theo anh Ngọc Thuận, một số đồ dùng thể thao nếu là hàng giả có thể khiến ảnh hưởng đến khả năng tập luyện. Như đế giày giả nhái thường cứng, dùng sẽ bị thốn gót, thốn gót một thời gian sẽ bị đau đầu gối...

Chị Lê Ly (trọng tài thuộc Liên đoàn Bóng đá TP.HCM) cho biết sử dụng giày giả có thể dẫn đến chấn thương chân, hư móng, phần gót chân không được bảo vệ đảm bảo. Để mua được dụng cụ thể thao tốt, chị Lê Ly đề xuất khách hàng nên xem chế độ bảo hành sản phẩm và tình trạng hoạt động của người bán. 

Thực tế, nhiều nơi bán dụng cụ thể thao, giày online đã có chế độ gửi hàng xem trước để kiểm tra thử, ưng ý thì nhận, không ưng ý có thể trả lại, chỉ cần trả tiền vận chuyển.

Tiềm năng lớn ở ngành thể thao

Tại hội thảo Giải pháp phát triển kinh tế thể thao Việt Nam do Ban Kinh tế trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuối năm 2018, báo cáo tham luận tại hội nghị, PGS.TS Phạm Ngọc Viễn - một chuyên gia trong lĩnh vực thể thao - cho biết tại Mỹ, kinh doanh thể thao chiếm tỉ trọng hơn 2,4% GDP, đứng thứ 11/25 ngành kinh doanh hàng đầu của nước Mỹ, theo đó đạt giá trị 400 - 435 tỉ USD/năm, gấp 2 lần công nghiệp ôtô và 7 lần điện ảnh.

Trung Quốc hiện là nước sản xuất hàng hóa thể thao lớn nhất thế giới, chiếm đến 70%. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu, ngành kinh doanh thể thao đóng góp 2 - 2,5% GDP.

N.AN - B.MAI - K.XUÂN

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.