Hai nguyên nhân giúp tiền đồng ổn định, không bị mất giá theo nhân dân tệ
Ảnh minh họa (Nguồn: Vietnamplus)
Theo khảo sát của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), quí III/2019 chứng kiến diễn biến trái chiều giữa tỷ giá USD trung tâm và tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại (NHTM).
Theo đó, tính đến cuối tháng 9, tỷ giá trung tâm có mức tăng 1,5% trong khi tỷ giá giao dịch thực tế tại các NHTM gần như không thay đổi so với cuối năm 2018.
Nguồn: BVSC
Đáng lưu ý, những lo ngại về việc VND sẽ giảm giá mạnh theo đà lao dốc của đồng nhân dân tệ (NDT) so với USD trên thị trường thế giới (hơn 4%) trên thực tế đã không diễn ra. Trong khi đó, hầu hết các đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á đều giảm giá mạnh so với USD.
Nguồn: BVSC
Tính từ đầu năm 2019 đến nay, giảm giá mạnh nhất trong số các đồng tiền của các nước mới nổi (theo mẫu theo dõi của BVSC) là đồng won của Hàn Quốc (-7,8%), tiếp đến là NDT của Trung Quốc (-4,2%), rupee của Ấn Độ (-2,4%)…
Theo BVSC, có hai nguyên nhân chính giúp VND trụ vững, không bị mất giá theo NDT. Thứ nhất là cán cân thương mại của Việt Nam đã quay trở lại trạng thái xuất siêu mạnh trong quí III (đạt 4,28 tỉ USD), giúp tăng nguồn cung ngoại tệ trên thị trường.
Thứ hai, mặc dù xuất hiện sức ép phải giảm giá VND nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu khi NDT giảm giá nhưng rủi ro Việt Nam bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ đã khiến việc bơm tiền đồng, mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước diễn ra thận trọng hơn.
Trong 3 tháng cuối năm, BVSC nhận định VND nhiều khả năng sẽ giảm giá trở lại so với USD do cán cân thương mại có thể sẽ giảm bớt xuất siêu trong quí cuối năm và diễn biến khó lường của xung đột thương mại Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, sức ép giảm giá VND được nhận định chung là không lớn. Do vậy, về tổng thể, BVSC dự báo mức mất giá của VND cho cả năm 2019 sẽ dưới 2%.