|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai kịch bản tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm 2023

13:34 | 04/07/2023
Chia sẻ
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được tăng trưởng cả năm ở mức 6,5%; tăng trưởng quý III phải đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3%.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ cập nhật kịch bản tăng trưởng quý III và cả năm 2023 như sau.  

Kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%; tăng trưởng quý III đạt 6,8%, quý IV đạt 9% (cao hơn lần lượt 0,3 điểm % và 1,9 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%.

Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%; tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3% (cao hơn lần lượt 0,9 điểm % và 3,2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng tình hình thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân trong nước, DNNN, thu hút FDI và đầu tư công), xuất khẩu.

Ngoài ra, tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động.  Theo dõi chặt chẽ tình hình, xử lý vướng mắc, hoàn thiện quy định, tổ chức vận hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp. 

 Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: VGP).

Đánh giá tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nhiều chỉ số quan trọng như tốc độ tăng trưởng, công nghiệp, dịch vụ, giải ngân vốn đầu tư công, thành lập doanh nghiệp, thu hút FDI, thị trường chứng khoán dần lấy lại được đà tăng trưởng, tháng sau cao hơn và tích cực hơn tháng trước, cho thấy tâm lý xã hội và niềm tin thị trường đã phục hồi tích cực, tạo tiền đề tốt cho thực hiện các công việc, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. 

Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự án đầu tư, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tác động khơi thông dòng tiền, nguồn lực của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Nhiều địa phương thuộc các vùng động lực quan trọng đã có mức tăng trưởng GRDP quý II cao hơn quý I cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước, như: TPHCM tăng 5,9% (quý I chỉ tăng 1,1%); Bình Dương tăng 5,7% (quý I tăng 1,7%); Đồng Nai tăng 4,8% (quý I tăng 3,1%); Bắc Giang tăng 13,8% (quý I tăng 8,1%); Vĩnh Phúc tăng 3,8% (quý I giảm 4,5%)...

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cơ bản đã xác định được các khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế; có nhiều giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cụ thể, kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân. 

Cùng với đó là chuẩn bị chu đáo, chất lượng, bảo đảm an toàn, đóng góp quan trọng vào sự thành công của Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; quyết liệt triển khai công việc được giao, vừa tập trung xử lý vấn đề tồn đọng, kéo dài, vấn đề mới phát sinh, làm tốt công tác an sinh xã hội; vừa cụ thể hóa các chủ trương, chính sách phát triển trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng  Kế hoạch và Đầu tư cho rằng khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về NSNN, đầu tư, tiêu dùng, lao động - việc làm, an sinh xã hội,... Trong khi, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 còn yếu, đã đến mức tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

"Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi tăng trưởng, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,...", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu vấn đề.        

Anh Đào

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).