Hai kịch bản của VN-Index trong tháng 9
Theo Báo cáo vĩ mô & thị trường tháng 9 của Chứng khoán BIDV (BSC), VN-Index và HNX-Index trong tháng 8 có xu hướng trái ngược nhau khi VN-Index duy trì đà tăng điểm ấn tượng trong suốt tháng còn HNX-Index bắt đầu xu hướng điều chỉnh từ giữa tháng sau nhịp tăng khá tốt.
Đóng cửa phiên 31/8, VN-Index và HNX-Index tăng lần lượt 6,15% và 1,15% so với tháng 7. VN-Index duy trì đà tăng tốt hơn so với HNX-Index mặc dù đã có thời điểm chứng kiến những phiên rung lắc mạnh. Kết thúc tháng 8 chỉ số đã vượt ngưỡng 1.280 điểm.
P/E VN-Index kết thúc tháng 8 ở mức 13,74 lần, tăng 6,43% so với tháng 7, và thấp hơn mức 16,25 lần P/E bình quân 5 năm. P/E VN-Index giữ ở mức định giá hấp dẫn khi đứng thứ 7 châu Á, trong khi P/E HNX-Index ở mức 17,27 lần, đứng thứ 16 khu vực.
P/E VN-Index dự báo vận động trong vùng 13,5 - 14 khi thanh khoản tiếp tục được cải thiện cùng tâm lý lạc quan được duy trì ổn định trên thị trường.
BSC đánh giá nhịp tăng điểm ấn tượng cùng tâm lý tích cực lan tỏa trên thị trường trong tháng 8 đã giúp hầu hết các nhóm ngành có diễn biến khả quan hơn so với tháng 7. Thị trường chứng kiến một số phiên rung lắc mạnh do chịu ảnh hưởng từ diễn biến thế giới tuy nhiên kết thúc tháng vẫn ghi nhận 9/11 nhóm ngành tăng điểm.
Nhóm ngành dịch vụ tiêu dùng, nguyên vật liệu, ngân hàng là 3 nhóm ngành có diễn biến tăng điểm tích cực nhất khi tăng lần lượt: 9,26%, 7,91% và 6,13%; Nhóm ngành viễn thông và dược phẩm y tế là 2 nhóm ngành giảm điểm tiêu cực nhất với mức giảm lần lượt là 3,08, và 2,09%.
Có 6/11 nhóm ngành có P/E dưới mức bình quân thị trường 16,25 lần. Chỉ có 2/11 ngành có P/B giảm so với tháng 7.
Vốn hóa toàn thị trường tháng 8 tăng tích cực 5,23% so với thời điểm 31/7/2022; Trong tháng 8 thị trường chứng kiến thanh khoản cải thiện rõ rệt và đà tăng chiếm ưu thế trong diễn biến của VN-Index. Thị trường trải qua một số phiên rung lắc mạnh khi thế giới có diễn biến tiêu cực tuy nhiên lực cầu mạnh khi chỉ số giảm dưới SMA100 đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm và kết thúc tháng bằng 2 phiên phục hồi nhẹ, dừng chân ở ngưỡng 1.280 điểm.
Giá trị giao dịch bình quân đạt 787 triệu USD/phiên – mức tăng ấn tượng 36,17% so với tháng 7. Thanh khoản cải thiện tốt khi tâm lý tích cực chiếm vai trò chủ đạo trên thị trường, đặc biệt ngày 29/8 VN-Index chứng kiến giá trị giao dịch khớp lệnh đạt trên 20 nghìn tỷ đồng.
BSC dự báo thanh khoản dao động ở mức 0,8 - 1 tỷ USD/phiên khi VN-Index diễn biến trong kịch bản hướng tới 1.310 – 1.330 điểm, tâm lý tích cực được duy trì ổn định trên thị trường.
Về diễn biến thị trường tháng 9, các nhà phân tích của BSC dự báo 2 kịch bản có thể xảy ra.
Với kịch bản 1, VN-Index sẽ tích lũy tích cực trong vùng 1.270 - 1.280 điểm, tạo động lực hướng đến vùng 1.310 – 1.330 điểm khi thanh khoản tiếp tục được cải thiện bên cạnh yếu tố tâm lý lạc quan được duy trì ổn định trên thị trường bất chấp những thông tin và diễn biến tiêu cực trên thế giới.
Nội tại nền kinh tế tiếp tục khởi sắc, giá cả nguyên vật liệu đầu vào ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh… Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin về room tín dụng cho các Ngân hàng thương mại cũng như các biện pháp đẩy nhanh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp của Chính phủ sẽ tạo hiệu ứng và thúc đẩy cho thị trường.
Kịch bản thứ 2 đưa ra trong bối cảnh sau nhịp tăng điểm ấn tượng trong tháng 8, tâm lý chốt lời và tiêu cực quay trở lại có thể làm lu mờ những phiên tích cực trước đó. Quan điểm cứng rắn trong việc chống lạm phát của Fed tiếp tục được thể hiện trong cuộc họp tháng 9 đồng thời xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nền kinh tế Trung Quốc chưa cho thấy tín hiệu khởi sắc khi các vấn đề nội tại chưa được giải quyết bên cạnh tâm lý lo lắng khi các nền kinh tế phát triển đang có dấu hiệu dần bước vào một cuộc suy thoái. VN-Index được dự báo dao động quanh 1.240 - 1.250 điểm.