Hai khoản chi tiêu quá đà ngăn sự giàu có của thế hệ millennials
Tất cả chúng ta đều sẽ có đôi khi đưa ra những lựa chọn chi tiêu sai lầm, và thế hệ millennials cũng không ngoại lệ. Theo các nhà hoạch định tài chính của Business Insider, có hai điều mà thế hệ millennials chi tiêu quá mức thường xuyên.
May mắn thay, vẫn có một số phương pháp họ chia sẻ để giúp khách hàng trẻ tuổi của mình hạn chế chi tiêu, tiến gần hơn đến sự giàu có.
1. Chi tiêu cho các tiện ích
Nhà hoạch định tài chính Clari Nolet, thuộc Team Hewins cho biết thế hệ thiên niên kỷ đã quen với văn hóa thỏa mãn tức thì. Kết quả là họ có xu hướng chi tiêu rất nhiều cho các dịch vụ tiện ích, giúp mọi thứ trở nên nhanh chóng và dễ dàng.
Đơn cử như các ứng dụng giao đồ ăn mang bữa ăn đến tận nhà và nhanh chóng. Những dịch vụ này có thể tốn kém hơn nhiều so với việc tự nấu ăn ở nhà hoặc thậm chí là tự chuẩn bị rau quả, thức ăn. Và chúng có thể khiến bạn tốn rất nhiều tiền chỉ trong khoảng thời gian một tháng.
Các nhà hoạch định tài chính nói rằng bạn có thể tiêu tiền vào những khoản chi tiêu cần thiết này, nhưng nó sẽ trở thành vấn đề khi không phù hợp với ngân sách của bạn hoặc ngăn cản bạn đạt được mục tiêu tài chính của mình.
Quỹ khẩn cấp hoặc tiền để tiết kiệm của bạn nên được bạn ưu tiên trước khi xem xét số tiền bạn có thể hoặc nên chi tiêu cho các dịch vụ bổ sung này.
"Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người, không chỉ thế hệ millennials, không thực sự có ngân sách và không biết họ chi tiêu bao nhiêu. Họ có một ước tính trong đầu. Và nếu bạn hỏi ai đó rằng họ chi tiêu gì, họ có thể cho bạn một câu trả lời, nhưng nếu bạn thực sự đi sâu vào chi tiết, bạn sẽ thấy rằng họ đang tự đánh lừa mình. Số tiền họ chi tiêu thường nhiều hơn họ nghĩ", nhà hoạch định Nolet nói.
Cô ấy cũng khuyên rằng mọi người nên có các mục tiêu tài chính để bạn biết mình đang tiết kiệm cho mục tiêu gì. Điều này sẽ giúp bạn xác định ngân sách chi tiêu tùy ý cho các tiện ích sau khi đã hoàn thành các ưu tiên của mình.
Một trong những điều đầu tiên cần xem xét tiết kiệm là quỹ khẩn cấp có thể trang trải chi phí của bạn trong trường hợp mất việc hoặc khẩn cấp. Do đại dịch COVID-19, trước hết bạn nên đặt mục tiêu tiết kiệm số tiền tương đương với khoảng từ 6 đến 12 tháng sinh hoạt phí.
2. Chi tiêu cho các mặt hàng giá trị
Quan điểm của nhà lập kế hoạch tài chính Asad Gourani từ tổ chức AG Wealth Management thì ít quan tâm đến chi phí hàng ngày của thế hệ millennials. Anh tập trung hơn vào các hóa đơn định kỳ và không linh hoạt, chẳng hạn như thanh toán thế chấp hoặc hợp đồng thuê, mua trả góp một chiếc ô tô mới. Những loại chi phí này sẽ khó cắt bỏ hơn khi bạn đã mua.
"Sau nhiều năm làm việc hầu như chỉ với thế hệ millennials, chúng tôi nhận thấy rằng vấn đề lớn là thế hệ trẻ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho trải nghiệm so với các thế hệ trước, đó là một điều rất tích cực miễn là nó nằm trong khả năng của họ", Gourani nói với Insider. "Nhưng vấn đề thường nằm ở chỗ thói quen chi tiêu không tính toán và thiếu kế hoạch, đặc biệt là đối với các mặt hàng có giá trị lớn".
Cách tiếp cận của Gourani là làm việc với khách hàng để giúp thay đổi tư duy của họ, từ đó họ sẽ ít cảm thấy mình bị gò bó bởi giới hạn ngân sách nhưng thực tế thì vẫn không bị lạm chi.
Điều này có nghĩa là bạn sẽ cần phải phát triển một kế hoạch chi tiêu có ý thức mà bạn vẫn cảm thấy thoải mái - và phù hợp với khả năng của mình, sau đó tự động hóa các khoản thanh toán, chẳng hạn như nhà trọ, tiện ích, khoản vay sinh viên hay chuẩn bị tiền nghỉ hưu trong tương lai.
Khoản tiền còn lại sau các ưu tiên tài chính hàng đầu giúp bạn chi tiêu thoải mái mà không có cảm giác "tội lỗi".