|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chi tiêu thời dịch COVID-19: Không nên lãng phí tiền bạc vào những khoản sau

06:37 | 16/04/2020
Chia sẻ
Dịch COVID-19 đã khiến thu nhập của mọi người bị ảnh hưởng nghiêm trọng, buộc chúng ta phải thay đổi thói quen chi tiêu và tránh lãng phí tiền bạc của mình.

COVID-19 đã dẫn tới những thay đổi đáng kể trong đời sống xã hội của người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới. Những hệ luỵ và nguy cơ của dịch bệnh này thậm chí gây sốc cho tất cả mọi người. Không ai thực sự biết phải xử lý như thế nào cho tình huống như hiện nay, và điều đó khiến một số người có hành động đi ngược lại lợi ích của chính bản thân mình. Nghiêm trọng nhất trong số đó có lẽ là lãng phí tiền bạc.

Những khoản chi tiêu được liệt kê dưới đây có thể khiến bạn cảm thấy vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện tại, nhưng về lâu dài chúng lại gây ra hậu quả cho tài chính cá nhân của bạn. Hãy cùng tìm hiểu và tránh phạm phải sai lầm trong quản lí tiền bạc giữa thời điểm khó khăn vì COVID-19 nhé.

1. Mua quá nhiều nhu yếu phẩm vì sợ COVID-19

Khi COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp và mọi người phải thực hiện cách ly xã hội, việc tích luỹ nhu yếu phẩm như thực phẩm, đồ tạp hoá và đồ vệ sinh (giấy vệ sinh, nước rửa tay, v.v.) có thể là một ý tưởng tốt. Tuy nhiên, mua quá nhiều những vật phẩm đó vì sợ COVID-19 có thể để lại hậu quả tiêu cực không lường trước được.

Trước hết, nguồn cung trên thị trường hiện nay không được dồi dào như trước vì toàn bộ hoạt động sản xuất và thương mại đều ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nghĩa là việc bạn mua quá nhiều sẽ khiến những người khác trong cộng đồng không mua được hoặc không đủ dùng.

Chi tiêu thời dịch COVID-19: Không nên lãng phí tiền bạc vào những khoản sau - Ảnh 1.

Bạn không nên tích trữ quá nhiều nhu yếu phẩm khi COVID-19 bùng phát.

Tệ hơn nữa, bạn chi tiêu quá nhiều để mua về cất trong nhà nhằm có cảm giác an tâm, nhưng bạn có nguy cơ bị thiếu tiền cho các khoản quan trọng khác. Ngoài ra, thực phẩm bạn mua có thể bị quá hạn hoặc hư hỏng – một sự lãng phí đáng tiếc.

Do vậy, giới hạn mua nhu yếu phẩm của bạn chỉ nên phục vụ trong khoảng 2 tuần, và bao gồm những thứ chắc chắn gia đình bạn phải dùng đến. Các cửa hàng tạp hoá và tiệm bán đồ ăn cũng như dịch vụ ship hàng vẫn hoạt động, nên bạn có thể bổ sung ngay khi cần.

2. Bán cổ phần (nếu có) hoặc rút tiền khỏi các hạng mục đầu tư

COVID-19 đã khiến toàn bộ nền kinh tế bị ảnh hưởng, dẫn tới việc các doanh nghiệp và thị trường chứng khoán trải qua biến động lớn suốt thời gian qua. Điều đó đã khiến một số người quyết định bán cổ phần công ty hoặc rút khỏi hạng mục đầu tư với hi vọng tránh được tổn thất lớn.

Tuy nhiên, hãy nhớ điều quan trọng nhất hiện nay là không hoảng sợ và ra quyết định tuỳ tiện. Bạn có thể sẽ mất tiền trong thời gian ngắn, nhưng nếu bạn đã đầu tư vào các hạng mục lớn, ổn định, mọi thứ sẽ dần phục hồi. Nhìn chung, bạn không nên quá cảm tính và rút đầu tư theo suy nghĩ chủ quán. Trong quá khứ, kinh tế toàn cầu từng trải qua nhiều đợt đại suy thoái, nhưng vẫn phục hồi và phát triển trở lại.

3. Mua một loạt cổ phiếu mà bạn nghĩ sẽ sinh lời

Một số công ty đang tận dụng được cơ hội và tăng trưởng nhanh giữa đại dịch COVID-19, bởi vì sản phẩm của họ có nhu cầu rất lớn trên thị trường. Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là họ là đối tượng thích hợp để bạn đầu tư dài hạn. Sau dịch, rất có thể mọi thứ đều thay đổi và khoản tiền mua cổ phiếu những công ty này của bạn có nguy cơ biến mất hoàn toàn.

4. Giữ nguyên thói quen chi tiêu xả láng như trước đây

Chúng ta không thể chắc chắn đến khi nào thì COVID-19 được đẩy lùi. Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng nhất lúc này là tiết kiệm tiền, thắt chặt chi tiêu để trang trải các chi phí thiết yếu. Đặc biệt là đối với những người đã mất nguồn thu nhập do COVID-19 và những người bị gián đoạn công việc.

Nếu trước đây bạn có thói quen chi tiêu rộng rãi, thích xa xỉ phẩm, v.v. thì đã đến lúc xem xét lại. Bạn có thể huỷ bỏ một số dịch vụ mà không sử dụng thường xuyên và hạn chế mua sắm online. Nhìn chung, hãy làm bất cứ điều gì có thể để giữ tiền trong quỹ khẩn cấp của mình.

Thu Phương (tổng hợp)

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.