HAG vẫn có thể giao dịch nếu hủy niêm yết HOSE, quyền dự họp vẫn còn, cổ đông thiệt hại gì?
Những ý kiến trái chiều quanh câu chuyện hủy niêm yết HAG
Gần 1 tháng trở lại đây, câu chuyện cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai có khả năng hủy niêm yết trở nên nóng với cộng đồng nhà đầu tư. Lý do HAGL đã hồi tố báo cáo tài chính và công ty rơi vào tình trạng lỗ 3 năm liên tiếp 2017, 2018 và 2019.
Khi cổ phiếu này đảo chiều lao dốc và có những phiên giảm sàn liên tiếp, cộng đồng nhà đầu tư nắm giữ HAG cho rằng thông tin trên đã ảnh hưởng đến diễn biến giá cổ phiếu.
Khi đó, thị trường cũng xuất hiện "đơn kêu cứu" của cổ đông HAGL gửi lên các cơ quan nhà nước. Bức thư này không rõ thông tin về nhóm NĐT hay số lượng cổ phần đang nắm giữ.
Với quan điểm bảo vệ mình, những nhà đầu tư nắm giữ HAG cho rằng bị thiệt hại nếu như HAGL bị hủy niêm yết trên HOSE mặc dù công ty đang có tín hiệu kinh doanh khởi sắc trở lại.
Lập luận trên cũng được phía HAGL đưa ra, rằng cổ đông mua HAG "dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai chứ không dựa vào các thông tin tài chính trong quá khứ cách đây 3-5 năm".
Luồng ý kiến khác cho rằng việc HAGL hủy niêm yết hay không phải căn cứ theo các quy định hiện hành, báo cáo tài chính của công ty. HAG không là "tiền lệ" cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong sự kiện mới đây, ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research có những chia sẻ gắn gọn về chủ đề này. Theo vị chuyên gia này, nhà đầu tư không thể "mua hàng kém chất lượng và trả lại". Với lập luận rằng, quyết định mua vào dựa trên việc đặt cược công ty có sự hồi phục, nhà đầu tư phải chấp nhận thua lỗ nếu quyết định đưa ra không đúng.
"Tôi nghĩ việc hủy niêm yết thì đúng luật để làm. Mọi người có khái niệm nhầm về hủy niêm yết. Hủy niêm yết có nghĩa là không niêm yết nữa mà vẫn có thể giao dịch trên UPCoM, không phải cổ đông mất hết quyền lợi giao dịch", vị chuyên gia nêu quan điểm.
Trên đây là những quan điểm đưa ra xung quanh câu chuyện có hay không hủy niêm yết HAG. Xin nhắc lại, quyết định cuối cùng thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước.
Nếu hủy niêm yết HAG thật, nhà đầu tư có thực sự bị thiệt hại?
Trở lại với câu hỏi liệu nhà đầu tư thực sự bị thiệt hại? Để trả lời vấn đề này có thể xem xét trên hai góc độ quyền lợi cơ bản. Thứ nhất, NĐT còn được giao dịch cổ phiếu HAG không. Thứ hai, những quyền lợi cổ đông như việc tham gia và biểu quyết các vấn đề tại đại hội đồng cổ đông, lấy ý kiến bằng văn bản, và những quyền lợi khác theo quy định còn được đảm bảo.
Về khía cạnh giao dịch, nếu như hủy niêm yết trên HOSE, cổ phiếu HAG của HAGL vẫn còn lựa chọn giao dịch trên thị trường UPCoM. Nhà đầu tư vẫn có thể giao dịch bình thường như những cổ phiếu khác. Không ít công ty chứng khoán vẫn đang cấp margin cho các cổ phiếu các công ty kinh doanh có lãi trên UPCoM.
So với sàn HOSE, cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM có thêm thời gian giao dịch và biên độ rộng hơn. Nếu như thời gian giao dịch trên HOSE là 9h00 đến 11h30 phiên sáng và 13h00 đến 14h45 của phiên chiều. Nhà đầu tư có thêm 15 phút để giao dịch trên thị trường UPCoM khi kết thúc phiên chiều lúc 15h00. Bên cạnh đó, biên độ giao dịch trên thị trường UPCoM là 15%, rộng hơn mức 7% của sàn HOSE.
Trên thực tế, thị trường cũng có cổ phiếu giao dịch khởi sắc hơn rất nhiều sau khi hủy niêm yết trên HOSE và giao dịch trên thị trường UPCoM. Lấy ví dụ một cổ phiếu từng được xếp cùng nhóm cao su tự nhiên với HAG đó là VHG của Tập đoàn Tây Bà Nà (tên gọi mới của CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam).
Năm 2019, HOSE quyết định niêm yết cổ phiếu VHG. Khi đó mã này giao dịch mức giá "trà đá, cọng hành" dưới 1.000 đồng/cp, có thời điểm xuống mức thấp nhất thị trường chỉ với vài trăm đồng cho mỗi cổ phần. Song, kể từ đầu năm 2021, VHG liên tục tăng giá mạnh đưa thị giá vượt ngưỡng 10.000 đồng/cp với thanh khoản lên cao hàng chục triệu đơn vị.
Diễn biến giá cổ phiếu VHG. Nguồn: TradingView.
Về lập luận triển vọng kinh doanh, trên thị trường UPCoM đang có những doanh nghiệp với lợi nhuận hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm như Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), ACV hay Viễn thông FPT (FOX).
Quyền lợi cơ bản thứ hai đó liên quan đến quyền cổ đông như tham gia và biểu quyết tại đại hội cổ đông, lấy ý kiến bằng văn bản, thậm chí là nhóm cổ đông lớn có thể đề cử người tham gia vào hội đồng quản trị. Theo luật định, HAGL vẫn thuộc mô hình công ty đại chúng, nên các quyền lợi trên chắc chắn được đảm bảo.
Với việc hai quyền lợi cơ bản nhất khi nắm giữ cổ phiếu đều được đảm bảo, cổ đông nắm giữ HAG thiệt hại điều gì?
Nói thêm về cổ phiếu HAG, theo quan điểm từ một nhà phân tích, "mã HAG đã tăng giá phi mã bằng lần chỉ trong thời gian ngắn từ quanh 5.000 đồng/cp lên đỉnh 16.000 đồng/cp, trong khi nền tảng doanh nghiệp không thay đổi quá nhanh như vậy. Nếu theo dõi có thể thấy bộ phận tự doanh của công ty chứng khoán đã tranh thủ bán ra sau khi nắm giữ nhiều năm trong nhịp tăng vừa rồi".
Theo nguyên tắc thị trường, cổ phiếu tăng giá hay giảm giá dựa vào quy luật cung cầu và nền tảng cơ bản, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Những phiên tăng trần hay giảm sàn hay việc kinh doanh bắt đầu có tín hiệu khởi sắc có phải mấu chốt cho việc HAG có ở lại HOSE hay không?
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/