Hà Nội và TP HCM kiến nghị gì với Chính phủ để tiếp tục gỡ khó cho bất động sản?
Chiều 3/8 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, với TP Hà Nội, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP đã tháo gỡ cơ bản những khó khăn, vướng mắc; nhiều dự án bất động sản đã tiếp tục triển khai trở lại, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, do sức mua còn thấp nên thị trường bất động sản Việt Nam nói chung, TP Hà Nội nói riêng lượng giao dịch chưa nhiều, chủ yếu là người có nhu cầu ở thực, ít có sự tham gia của các nhà đầu tư ngắn hạn, thậm chí thị trường thứ cấp còn ghi nhận tình trạng "cắt lỗ".
Phân khúc nhà ở giao dịch chủ yếu là nhà chung cư và giá nhà có xu hướng tăng (tăng khoảng 5-10% so với quý III, IV năm 2022). Hà Nội có 08 dự án nhà ở xây mới đủ điều kiện tham gia thị trường bất động sản (nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh), cung cấp cho thị trường 2.473 sản phẩm, trong đó có 2.273 căn hộ chung cư và 200 căn thấp tầng.
Do đó, TP Hà Nội có một số ý kiến đề xuất, kiến nghị. Cụ thể, thời gian vừa qua ghi nhận là có Nghị quyết của Chính phủ điều chỉnh một số cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở xã hội. Tuy nhiên, sau khi có nội dung này, khả năng thu hút một số nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà ở xã hội có phần giảm sút, hạn chế, bởi vì trước đây Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP có cơ chế khi chủ đầu tư tham gia đầu tư 100% nhà ở xã hội được để dành 20% quỹ đất để làm nhà ở thương mại nhằm bổ trợ cơ chế giá thành cho nhà ở xã hội, hạ giá thành.
Tuy nhiên, tại Nghị định 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ có điều chỉnh lại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP không có quỹ này và chỉ tập trung vào một số ưu đãi, ví dụ phát triển các không gian thương mại, dịch vụ, không đủ điều kiện hấp dẫn. Vì vậy mới có dấu hiệu chững lại. Chủ yếu các nhà ở xã hội đã hình thành trước đây thì tiếp tục triển khai.
Phó Chủ tịch Hà Nội đề nghị trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở tới đây cần xem xét kỹ vấn đề này. Hiện nay Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo vẫn đang xem xét nhưng nội dung chưa cơ bản lắm, đề nghị phải nghiên cứu cơ chế đầu tư rõ nét. Việc phát triển nhà ở thương mại được kèm theo nhà ở xã hội là bình thường, để có cơ cấu các giá trị, giá thành phù hợp.
"Nhà ở xã hội là mô hình cần phương án phát triển, chưa kể phương án phát triển 1 triệu căn. Tuy nhiên, quy trình, quy định đối với nhà ở xã hội không khác gì nhiều đối với quy trình, quy định nhà ở thương mại khi chúng ta đang nghiên cứu xây dựng nghị định để thiết lập quy trình phát triển nhà ở thương mại.
Chúng tôi kiến nghị, riêng nhà ở xã hội cần phải có quy định, quy trình riêng, rút gọn các trình tự về lựa chọn chủ đầu tư, đặc biệt là lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu. Bởi riêng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất. Chúng ta phải linh hoạt thiết lập quy trình ngắn gọn. Hiện nay, quy trình đấu thầu rất tốn thời gian", vị này nói.
Đối với cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ, Bộ Xây dựng tham mưu ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP rất cụ thể rồi. Việc cải tạo nhà chung cư cũ ở Hà Nội thành công thì chính là Nghị định số 69/2021/NĐ-CP thành công, bởi vì TP Hà Nội hiện nay quy mô khu vực này rất lớn, gồm 76 khu với khoảng 1.800 chung cư cũ.
Tuy nhiên, khác với quy trình chi tiết, để xác định tổ chức kiểm định chất lượng, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư, kể cả xác định hệ số k liên quan đến dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư,… cũng phải được nghiên cứu quy trình kỹ lưỡng hơn. Hiện nay chúng tôi tập trung vào kiểm định hệ thống theo quy trình quy định và thiết lập quy hoạch chi tiết cải tạo khu vực này.
Ngoài ra, ông Hải cũng kiến nghị Bộ Xây dựng thống nhất với Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành nghị định quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà trên địa phương.
Trong trường hợp chưa ban hành nghị định thì đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn cho TP. Hà Nội, vì hiện nay TP. Hà Nội quản lý quỹ nhà chuyên dùng vô cùng lớn nhưng lịch sử lại giao cho các công ty quản lý phát triển nhà nhưng hệ quy chiếu của quản lý nhà nước về tài sản công này lại không rõ.
"Ngoài ra, chúng tôi thấy xu hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hạ lãi suất là rất cần thiết, giúp kích hoạt hiệu quả tiếp cận các gói kích cầu, nhưng thời gian tiếp cận các gói kích cầu rất lâu. Vì vậy, đề nghị phải có mối liên hệ quản lý liên quan đến hạ lãi suất và tăng cường gói kích cầu cũng như tiếp cận các nguồn vốn", Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho hay.
Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ, thúc đẩy nhanh cho các dự án phát triển trong thời gian tới.Tinh thần chung là các giải pháp đã rõ, chỉ tập trung tổ chức thực hiện. Cố gắng cái gì dễ thì làm trước, cái gì khó sẽ tiếp tục tháo gỡ, có các chuyên đề để nhận diện rõ các nhóm công việc, tập trung có những giải pháp mang lại kết quả, sản phẩm cụ thể trong quá trình triển khai.
Về dài hạn hơn, trong quá trình đầu tư công, phát triển các dự án, Thành phố sẽ có những hỗ trợ chính sách trong quá trình phát triển.
Cũng theo ông Cường, TP HCM sẽ tiếp tục kiến nghị một số vấn đề. Trước hết, về kế hoạch sử dụng đất, Thành phố đã tờ trình 2047 ngày 17/5 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất cho giai đoạn 2021-2025. Kính mong Thủ tướng sớm phê duyệt để Thành phố tiếp tục lập và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Thành phố cũng có một báo cáo ngày 17/5 tại Công văn 2049 gửi cho Tổ công tác theo Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ về các nhóm việc triển khai trong thời gian vừa qua, rất mong sẽ tiếp tục được tổng hợp để tháo gỡ, nhất là nhà ở xã hội, đất đai, đầu tư,... hiện chưa có hướng dẫn cho Thành phố.
Thành phố đã có ý kiến sửa 3 Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS. Quốc hội tháng 6 vừa qua đã thông qua lần 2 cho Luật Đất đai. Hai luật còn lại, hi vọng cuối năm Chính phủ trình Quốc hội thông qua để đảm bảo cho thị trường tiếp tục phát triển đồng bộ, lành mạnh, bền vững đúng tinh thần của Nghị quyết 33/NQ-CP.