|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Hà Nội sai khi định giá bán buôn nước sạch thay cho doanh nghiệp'

11:11 | 14/11/2019
Chia sẻ
Nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện “Giá nước 'cõng' lãi vay nghìn tỉ” ở Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Hà Nội sai khi định giá bán buôn nước sạch thay cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Một góc bên trong Nhà máy nước mặt Sông Đuống được đầu tư với công nghệ cao, quy trình khép kín - Ảnh: QUỐC TUẤN

Ai có quyền định giá bán nước sạch? Tính lãi vay vào giá nước có hợp lý không? Tính mức bù giá khi dự án chưa vận hành liệu có hợp lý?

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh (chuyên gia kinh tế): Trả quyền định giá nước cho DN

Hà Nội sai khi định giá bán buôn nước sạch thay cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh

Lãi vay tính vào giá nước tới 20% cơ cấu giá nước là chuyện của doanh nghiệp (DN). Cái sai phạm ở đây là ở chính quyền TP Hà Nội khi định giá bán buôn nước sạch sông Đuống thay cho các DN.

UBND TP Hà Nội cần xem lại việc quyết định giá nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống có đúng thẩm quyền hay không? Quyền quyết định giá mua - bán nước sạch của nhà máy với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội?

Vụ việc này cho thấy UBND TP Hà Nội áp đặt ý chí quản lý hành chính lên trên quyền của DN.

Tư duy là mô hình tổ chức của chính quyền đô thị trong việc cung cấp nước sạch chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Nhất là trong câu chuyện này, giá bán buôn nước sạch của Nhà máy nước mặt Sông Đuống cao hơn giá bán lẻ của các DN khác trên địa bàn.

UBND TP Hà Nội không thể quyết giá cho nhà máy nước, rồi lại tính chuyện lấy ngân sách cấp bù phần chênh lệch cho DN được. Giải pháp ở đây là Nhà máy nước mặt Sông Đuống tự đàm phán, thỏa thuận với các công ty.

Mức giá như thế nào là do DN quyết định và đảm bảo không trái với nguyên tắc mua cao, bán thấp và mua biết chắc lỗ mà vẫn buộc phải mua!

Ông Trần Quang Hưng (nguyên phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Cấp nước Việt Nam): Đưa ra giá nước cao để thu hút đầu tư là không đúng

Hà Nội sai khi định giá bán buôn nước sạch thay cho doanh nghiệp - Ảnh 3.

Ông Trần Quang Hưng

Những sự cố về nước sạch trước đây và câu chuyện giá nước sạch sông Đuống được tạm tính cao tới 10.246 đồng/m3 cho thấy chuyện quản lý nước sạch của Hà Nội rất bất ổn, có tới 7 công ty cùng bán nước sạch tới người dân.

Cấp nước sạch phải luôn xác định là dịch vụ công. Về nguyên tắc quản lý, cấp nước phải do một đầu mối quản lý, phân phối tới người dân. Không thể để quá nhiều đầu mối phân phối nước, mỗi nơi mỗi kiểu.

Tôi có thấy nhà đầu tư nói họ được mời gọi vào đầu tư, được cam kết giá bán như vậy. Đáng lẽ khi mời gọi nhà đầu tư, TP Hà Nội phải đưa ra "đề bài" cho phù hợp từ chất lượng nước đến giá bán nước. Đưa ra mức giá cao hơn để gọi mời đầu tư là không đúng.

Thông thường, trong thu hút đầu tư, TP chỉ cần đưa ra 4 yêu cầu: chất lượng nước, tính cung cấp liên tục 24/24 giờ, áp lực nước đạt yêu cầu, giá thành phù hợp. Nhà đầu tư sẽ tự tính toán bài toán kinh tế đầu tư cho phù hợp. Tôi không hiểu sao TP Hà Nội lại đưa ra mức giá cao hơn giá bán bình quân, giá thực thu sau khi trừ hao hụt để mời gọi đầu tư?

Với câu chuyện Nhà máy nước mặt Sông Đuống, việc khấu hao đưa ra là quá lớn, thời gian thu hồi vốn phải dài hơn. Nếu muốn thu hồi vốn nhanh, giá nước sẽ trở thành áp lực với người dân.

Chuyện xác định bù giá còn phải xem quá trình vận hành nhà máy theo giá hiện hành có ổn không, có thua lỗ và thua lỗ ở khía cạnh nào mới có thể xem xét đến chuyện bù giá. Còn xác định giá đầu tư cao, rồi phải bù giá để bán là không đúng nguyên tắc.

Nhà đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch có thể nhiều, nhưng dứt khoát chỉ có một đầu mối quản lý, cấp nước cho dân. Công ty đó thỏa thuận mua nước từ các nhà máy, ký hợp đồng với các nhà máy, rồi phân phối bán cho người dân. Ngay chuyện mua nước của nhà máy nào cũng để cho các DN tự thỏa thuận, chủ động.

Chính quyền TP không nên tham gia.

Phải loại chi phí lãi vay dùng tính khấu hao

Bộ Tài chính vừa có công văn trả lời UBND TP Hà Nội về giá nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống.

Về việc định giá nước, theo Bộ Tài chính, do dự án chưa quyết toán, không có đủ cơ sở để xác định mức chi phí cụ thể. Vì vậy, nguyên tắc xác định mức giá là tạm tính. Nhưng riêng đối với chi phí lãi vay, bộ yêu cầu cần loại trừ các khoản vốn hóa, tránh tính trùng chi phí.

Về việc cấp bù cho các đơn vị bán lẻ, bộ đề nghị tính toán đúng quy định trên cơ sở phương án giá tiêu thụ nước sạch của đơn vị bán lẻ, không xem xét cấp bù riêng với khoản chi phí mua nước từ Công ty CP nước mặt Sông Đuống. UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm về số liệu, phương án giá theo đúng quy định.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo việc sớm rà soát, điều chỉnh giá nước sạch cho phù hợp, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án đảm bảo hiệu quả đầu tư.

L.THANH

TS Nguyễn Việt Hùng (nguyên vụ trưởng Vụ Đấu thầu, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch - đầu tư):

Không thể đẩy rủi ro cho dân

Đối với các dự án hợp tác công tư như đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt Sông Đuống, việc tính toán lãi vay của dự án phải được cộng gộp vào chi phí đầu tư để xác định tổng mức đầu tư dự án ngay từ đầu, từ đó xác định hiệu quả đầu tư của dự án, xác định giá thành sản xuất nước để bán cho người dân.

Nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống là người tạo ra tài sản cố định thì phải bỏ tiền đầu tư, phải huy động vốn, phải chi trả lãi vay. Sau đó, nhà đầu tư khai thác nhà máy, bán nước sạch để thu hồi vốn và lợi nhuận, chứ nhà đầu tư không thể đẩy hết rủi ro lãi vay sang cho Nhà nước và người dân được.

Trong bất kỳ một dự án hợp tác công tư nào, trong đó có việc đầu tư các nhà máy nước sạch bằng nguồn vốn tư nhân, luôn cần có sự chia sẻ rủi ro từ hai phía. Nhà nước chỉ chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư tư nhân trong trường hợp bất khả kháng, còn khi nhà đầu tư làm dự án tồi, làm không hiệu quả mà Nhà nước cũng đứng ra hỗ trợ thì rất nguy hiểm.

Đối với các dự án hợp tác công tư như đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt Sông Đuống, việc tính toán lãi vay của dự án phải được cộng gộp vào chi phí đầu tư để xác định tổng mức đầu tư dự án ngay từ đầu, từ đó xác định hiệu quả đầu tư của dự án, xác định giá thành sản xuất nước để bán cho người dân.

Nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống là người tạo ra tài sản cố định thì phải bỏ tiền đầu tư, phải huy động vốn, phải chi trả lãi vay. Sau đó, nhà đầu tư khai thác nhà máy, bán nước sạch để thu hồi vốn và lợi nhuận, chứ nhà đầu tư không thể đẩy hết rủi ro lãi vay sang cho Nhà nước và người dân được.

Trong bất kỳ một dự án hợp tác công tư nào, trong đó có việc đầu tư các nhà máy nước sạch bằng nguồn vốn tư nhân, luôn cần có sự chia sẻ rủi ro từ hai phía. Nhà nước chỉ chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư tư nhân trong trường hợp bất khả kháng, còn khi nhà đầu tư làm dự án tồi, làm không hiệu quả mà Nhà nước cũng đứng ra hỗ trợ thì rất nguy hiểm.

Nhóm Phóng viên Tuổi trẻ