Chuyên gia kinh tế: Mua nước sông Đuống giá đắt đỏ, lỗ vẫn làm là rất vô lí!
Nhà máy nước sông Đuống có tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm.
Dự án vay 4.000 tỷ đồng, lãi vay chiếm 20% giá thành
Thông tin Hà Nội chấp thuận giá mua từ nhà máy nước sạch Sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm thu hút rất lớn sự quan tâm từ phía dư luận.
Ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội giải thích, về nguyên tắc tính giá nước của các đơn vị đều giống nhau theo quy định. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác nhau giữa các nhà máy dẫn đến suất đầu tư khác nhau.
Cụ thể, Nhà máy nước mặt sông Đà đi vào hoạt động năm 2009, có nguyên giá tài sản là 1.555 tỷ đồng, còn giá đầu tư của sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng. “Rõ ràng quy mô đầu tư giữa hai dự án khác nhau”, ông Hà nói tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 12/11.
Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý, tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng.
“Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng mỗi mét khối nước”, lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội thông tin.
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng việc cơ cấu lãi vay như thế nào, chi phí, hiệu quả ra sao, đó là chuyện của doanh nghiệp, họ tự cân đối bài toán kinh doanh.
Việc doanh nghiệp tính chi phí lãi vay vào chi phí sản xuất kinh doanh cũng là điều bình thường. Điều mà dư luận cần quan tâm nhất và cũng là điểm bất thường ở đây đó là: Vì sao lại đắt nhưng Hà Nội vẫn mua?
“Thậm chí còn đắt hơn gấp đôi so với nhà máy khác. Mua bán buôn hơn 10.000 đồng/m3, cao hơn giá bán lẻ (giá bán lẻ hiện nay vào khoảng gần 8.000 đồng/m3 - PV), tức là thấy lỗ vẫn làm, rất vô lý. Đây chính là điều dư luận cần xoáy sâu, đề nghị làm rõ”, chuyên gia Vũ Đình Ánh nhận định.
Cũng theo ông Ánh, chính quyền Hà Nội phải trả lời câu hỏi đó, minh bạch, rõ ràng với người dân. Ngay cả việc giải trình về cơ cấu giá thành, ông Ánh cho rằng Hà Nội cũng không giải thích “hộ” doanh nghiệp, hãy làm đúng vai trò.
Ông Ánh nhấn mạnh thêm, quan trọng nhất là người dân phải được biết có những gì trong giá nước. Bởi nếu không kiểm soát được vấn đề giá cả thì nguy cơ độc quyền nhà nước sẽ biến thành độc quyền tư nhân.
Giá cao bất thường, Hà Nội có đấu thầu hay không?
Trao đổi với Dân trí, PGS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, nước cũng giống như mặt hàng điện, là kinh tế mạng lưới, phục vụ dân chúng. Người dân không được lựa chọn mua nước của ai và cũng không được mặc cả.
Do đó, cũng như giá điện, ông Bình cho rằng cần đặt cao vấn đề minh bạch và giám sát đối với đầu ra sản phẩm này.
Nhìn nhận vụ Hà Nội mua giá nước nhà máy sông Đuống cao hơn hẳn nhà máy khác, ông Bình nhận xét: Đó là sự bất hợp lý. Chưa kể theo chuyên gia này, giá bán buôn nước sạch không được vượt hơn giá bán lẻ hiện hành.
Cũng theo vị chuyên gia này, cần “lật ngược” lại xem xét quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống, xem quy mô đầu tư bao nhiêu, lãi suất bao nhiêu, có bảo lãnh không. Trong đó, cần lưu ý việc làm rõ Hà Nội có tổ chức đấu thầu hay không mà để mức giá nước tăng quá cao bất hợp lý như vậy.
“Cũng cần làm phương án thu hồi vốn nhà máy này ra sao. Công trình của anh bao nhiêu thì thu hồi vốn. Kinh doanh không thể có chuyện ăn chắc được, bất kỳ dự án nào cũng xác định phải lỗ thời gian đầu chứ làm sao có chuyện năm nay làm năm sau tính lãi luôn” được.
Không thể “đổ” hết lên đầu người dân gánh được, vì có cấp bù thì cũng lấy từ tiền ngân sách ra chứ từ đây được?”, ông Bình đặt vấn đề.
Theo thông tin Hà Nội cung cấp, Nhà máy Nước mặt sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm.
Dự án được khởi công từ tháng 3/2017, đến tháng 10/2019 đã hoàn thành xong giai đoạn 1, đạt công suất 300.000m3/ngày đêm, vượt tiến độ 1 năm. Đến năm 2030 công suất nhà máy sẽ đạt 900.000m3/ngày đêm và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.
Đây là nguồn nước sạch sinh hoạt bổ sung cho hàng triệu người dân tại các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thường Tín, Phú Xuyên.