|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội giải thích: Lãi vay chiếm 20% giá thành nước Sông Đuống

07:24 | 13/11/2019
Chia sẻ
Giá nước sạch Sông Đuống đắt hơn Sông Đà do chi phí đầu tư nhà máy nước Sông Đuống lớn, chất lượng nước thô đầu nhiều phù sa phải tốn nhiều hóa chất xử lí, đặc biệt chi phí lãi vay đầu tư nhà máy Sông Đuống lớn đã đẩy giá nước lên cao.
 - Ảnh 1.

Phó chánh văn phòng UBND TP Hà Nội thông tin về dự án nước sạch Sông Đuống. (Ảnh: Danh Trọng)

Ông Nguyễn Việt Hà - giám đốc Sở Tài chính Hà Nội - cho biết thông tin trên tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 12-11.

Giá bán nước sạch Sông Đuống 7.700 đồng/m3

Về cơ sở tính toán giá bán nước sạch Sông Đuống, ông Hà cho biết năm 2017, TP Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa nhà máy Sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm.

Tại thời điểm năm 2017, dự án nước sạch Sông Đuống đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, trong khi để tính đúng, tính đủ giá nước thì dự án phải đi vào hoạt động, được quyết toán.

Do vậy, việc xác định giá 10.246 đồng/m3 nước sạch được xác định dựa trên nguyên tắc ước tính phần hao phí theo định mức kinh tế kỹ thuật về nước sạch do Bộ Xây dựng ban hành.

Để giải quyết câu chuyện nhà máy Sông Đuống chưa quyết toán nhưng vẫn cấp nước, đại diện Sở Tài chính TP Hà Nội nói sở đã tổ chức hiệp thương thông qua mức giá bán buôn tạm tính của nhà máy Sông Đuống thời gian tới là 7.700 đồng/m3.

Sau quyết toán, kiểm toán để xác định chi phí chính thức, từ đó mới xác định giá bán chính thức của nhà máy nước Sông Đuống.

Lãi vay chiếm 20% giá thành nước Sông Đuống

Còn tại sao giá bán nước của các nhà máy trên địa bàn Hà Nội chênh nhau lớn, theo ông Nguyễn Việt Hà là vì công nghệ nhà máy khác nhau dẫn đến suất đầu tư khác nhau.

Nhà máy Sông Đà đưa vào khai thác 2009, chi phí đầu tư 1.555 tỉ, còn nhà máy nước mặt Sông Đuống có chi phí đầu tư 4.998 tỉ đồng. Suất đầu tư khác nhau, chất lượng nước thô đưa vào sản xuất nước sạch của hai nhà máy khác nhau nên chi phí sản xuất khác nhau.

Cũng theo ông Hà, khi đầu tư nhà máy Sông Đuống, chủ đầu tư phải vay 3.998 tỉ đồng để đầu tư, chi phí lãi vay được tính vào giá nước.

Cụ thể, chi phí lãi vay trong giai đoạn đầu tư được tính vào tổng vốn đầu tư dự án, sau giai đoạn đầu tư, lãi vay được tính vào giá thành nước.

Chi phí lãi vay dự án Sông Đuống chiếm khoảng khoảng 20% giá thành nước Sông Đuống, tương đương 2.103 đồng/m3.

Bên cạnh đó, chi phí khấu hao nước mặt sông Đuống khoảng 2.100 đồng/m3; chi phí xử lý bùn thải nhà máy Sông Đuống cũng lớn hơn Sông Đà.

 - Ảnh 4.

Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng, nước sạch nếu không đạt chuẩn sẽ yêu cầu nhà máy dừng cấp nước. (Ảnh: Danh Trọng)

Tại cuộc họp, ông Hoàng Cao Thắng - phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thông tin thêm trong quy hoạch cấp nước, TP Hà Nội đã tính đến việc xây dựng, vận hành các nhà máy nước hoàn toàn khép kín và để kiểm soát chất lượng nước, các cơ quan chức năng liên quan sẽ thường xuyên lấy mẫu nước kiểm tra định kỳ, nếu phát hiện không đủ tiêu chuẩn sẽ yêu cầu dừng toàn bộ việc cung cấp nước cho nười dân.

Ông Thắng nhấn mạnh sau sự cố nhà máy nước Sông Đà, để bảo đảm an ninh nguồn nước, TP Hà Nội đã tính toán đầu tư hệ thống mạch vòng khép kín để bảo đảm khép kín hệ thống cấp nước.

Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Phòng chống bệnh tật TP thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước. Trường hợp chất lượng không bảo đảm sẽ yêu cầu dừng cấp nước.

Bảo Ngọc