Hà Nội 'mạnh tay' với dự án bỏ hoang, tòa nhà cao tầng nhất Việt Nam có sớm khởi công?
Hiện nay, Việt Nam có 4 công trình hiện hữu cao trên 65 tầng, gồm: Tòa tháp Bitexco, Landmark 81 ở Sài Gòn; Keangnam, Lotte ở Hà Nội. Các công trình này lần lượt hoàn thành từ 2010 đến nay.
Trong giai đoạn này, có một dự án khác được nhiều người biết đến với kỳ vọng phá kỷ lục chiều cao của tất cả các tòa nhà nói trên, đó là Diamond Rice Flower (Khách sạn Diamond Rice) của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC).
Dự án có tên gọi cũ là Khách sạn Hoa Sen, hay Lotus hotel. Tuy nhiên, hiện nay dự án vẫn chưa khởi công.
Diamond Rice Flower nằm ở một trong những vị trí đắc địa tại Hà Nội. Cụ thể, dự án nằm bên đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm; gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, chỉ cách tòa Keangnam khoảng 300 m.
Vị trí này nằm trong quy hoạch Phân khu H2-2, thuộc khu vực nội đô Hà Nội mở rộng. Đoạn đường Phạm Hùng qua khu vực dự án là trọng tâm của Phân khu H2-2, nơi được định hướng xây dựng những công trình cao tầng, có kiến trúc độc đáo.
Siêu công trình chậm tiến độ
Theo thông tin từng được Kinh Bắc giới thiệu thì Diamond Rice Flower là tổ hợp gồm 1 tòa nhà 100 tầng (chiều cao khoảng 400 m) và 1 tòa cao 80 tầng (cao 320 m) và 1 tòa 15 tầng. Công trình do Foster and Partners, Vương Quốc Anh thiết kế với kiến trúc mang hình dáng của bông lúa.
Nếu được triển khai theo kế hoạch trên, Diamond Rice Flower sẽ vượt Landmark 81 tới 19 tầng để trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Khu đất dự án Diamond Rice Flower nằm sát dự án Vinhomes West Point, cách Keangnam khoảng 300 m. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).
Ban đầu, Diamond Rice Flower thuộc về một tập đoàn của Nhật Bản. Tuy nhiên, đầu năm 2009, tập đoàn này rút lui và dự án về tay Kinh Bắc. Tháng 1/2010, chủ đầu tư đã được giao đất để triển khai dự án. Tuy nhiên, cho tới nay, dự án vẫn chưa khởi công.
Giữa năm 2017, Kinh Bắc đã chuyển nhượng Diamond Rice Flower cho Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh. Hơn hai năm sau đó, Kinh Bắc đã chi ra gần 1.855 tỷ đồng để mua lại dự án này.
Hà Nội tái giám sát dự án bỏ hoang
Cách đây ba ngày, HĐND TP Hà Nội đã có quyết định thành lập Đoàn giám sát để tái giám sát tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn.
Đoàn do bà Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố làm trưởng đoàn, sẽ làm việc trực tiếp với các sở: Tài nguyên & Môi trường, Kế hoạch & Đầu tư, UBND các quận, huyện có dự án chậm triển khai và giám sát, khảo sát trực tiếp một số dự án chậm triển khai, chậm khắc phục.
Trước đó, tháng 7/2018, HĐND TP đã có văn bản số 57 báo cáo kết quả giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Trong đó, HĐND TP tổng hợp từ báo cáo của 8 quận, huyện giám sát trực tiếp, báo cáo của Sở TN&MT thành phố và đã liệt kê ra rất nhiều dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai.
Trong số các dự án này, có tên Khách sạn Hoa Sen của Kinh Bắc. Cụ thể, dự án của Kinh Bắc đã được giao hơn 4 ha đất từ đầu năm 2010. Tuy nhiên, hiện trạng vẫn là đất trống.
Trong Nghị quyết số 15 ban hành cuối năm 2018 về kết quả giám sát tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, HĐND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND thành phố chấp hành thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của đoàn giám sát.
HĐND đề nghị UBND thực hiện thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án ngoài ngân sách để các dự án được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sử dụng đất.
Yêu cầu các nhà đầu tư, chủ đầu tư dự án trên địa bàn có cam kết thực hiện đúng tiến độ các công trình đã được phê duyệt, có kế hoạch, lộ trình cụ thể khắc phục các vi phạm.
UBND phải có giải pháp đồng bộ trong xử lý những dự án chậm triển khai kéo dài, vi phạm pháp luật đất đai do nguyên nhân chủ quan, chủ đầu tư cố tình chây ỳ không thực hiện dự án dù đã giải phóng mặt bằng xong và sớm đưa đất đã thu hồi vào sử dụng theo đúng mục đích, quy hoạch,…
Kỳ giám sát lần này, Thường trực HĐND TP Hà Nội sẽ đánh giá kỹ những kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết của HĐND trong gần ba năm qua của các sở ban ngành, quận huyện thị xã.