|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hà Nội đấu giá lại loạt đất 'được trả đến 30 tỷ một m2 rồi bỏ ngang'

19:50 | 06/12/2024
Chia sẻ
Cuối tháng 12, huyện Sóc Sơn sẽ đấu giá lại 36 thửa đất không tìm được chủ do nhóm đối tượng trả đến 30 tỷ đồng một m2 rồi bỏ ngang.

Công ty Đấu giá hợp danh Thanh Xuân vừa ra thông báo đấu giá 36 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vào ngày 28/12.

Các thửa đất có diện tích khoảng 90-220,6 m2, giá khởi điểm hơn 2,4 triệu đồng mỗi m2. Người tham gia phải nộp khoản tiền đặt trước từ 44 triệu đồng đến hơn 109 triệu đồng cho một lô.

Theo quy chế, cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc, bước giá 3 triệu đồng mỗi m2. Khách hàng trả giá cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá.

36 thửa đất này được đấu giá lại do không tìm được chủ trong phiên 29/11. Đây là phiên có 5 đối tượng bị tạm giữ với cáo buộc Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.

Công an cáo buộc khi thấy giá của ba thửa đất ký hiệu A12, A13 và C6 vượt quá khung đặt ra, Phạm Ngọc Tuấn đã trả giá 30 tỷ đồng một m2, cao gấp 12.000 lần giá khởi điểm làm cho phiên đấu giá bất thành. Khi đó nhóm sẽ không mất tiền đặt cọc và có cơ hội tiếp tục tham gia đấu giá để mua được lô đất như mong muốn.

Trả lời VnExpress sau phiên đấu giá hôm 29/11, Phạm Ngọc Tuấn từng nói "tham gia đấu giá vì có nhu cầu thật", làm theo "theo ý chí của bản thân, không cần biết mức đó là cao hay thấp"; tuy nhiên "không nghĩ cuộc chơi lại khốc liệt đến như vậy".

Nhiều thửa đất khác tại khu đấu giá này cũng được khách tham gia phiên 29/11 trả mức rất cao. Trong đó 13 thửa được trả hơn 100 triệu đồng một m2, 10 thửa được trả hơn 98 triệu mỗi m2. Nhóm khách này đều ở Lương Quy, Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội.

Hiện trạng khu đất đấu giá huyện Sóc Sơn được trả cao nhất 30 tỷ một m2 hôm 29/11. (Ảnh: Giang Huy).

Hiện chưa quy định nào xử lý việc nhà đầu tư trả giá cao bất ngờ rồi dừng đấu dẫn đến phiên tổ chức thất bại. Kẽ hở trong cách thức đấu đã dẫn đến hành vi lũng đoạn thị trường tại một số phiên đấu gần đây. Trước đó, 22 thửa đất tại xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai cũng đấu giá thất bại dù đã trải qua 8 vòng đấu, do nhà đầu tư đẩy giá lên cao rồi không tiếp tục trả giá.

Theo các chuyên gia, phiên đấu thất bại ảnh hưởng đến nhiều bên. Đơn vị cung cấp dịch vụ đấu giá không thu được chi phí nào, thậm chí tốn thêm khi phải tổ chức lại phiên đấu giá. UBND huyện cũng không thu được ngân sách như dự kiến.

Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này là mức cọc thấp "chưa từng có" do thành phố chưa ban hành bảng giá đất mới trong bối cảnh giao thoa luật mới và luật cũ. Ngoài ra, cách tổ chức đấu giá nhiều vòng cũng tạo kẽ hở khiến nhiều đối tượng lợi dụng để thông đồng nâng hoặc dìm giá.

Hồi cuối tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất khi một số trường hợp trúng với giá cao gấp nhiều lần khởi điểm, có dấu hiệu bất thường. Một số huyện như Thanh Oai, Quốc Oai, Hoài Đức... cũng chủ động dừng các phiên đấu giá để rà soát lại quy trình, thủ tục pháp lý.

9 tháng đầu năm, các quận, huyện tại Hà Nội thu hơn 11.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, thành phố chỉ thu được khoảng 9.200 tỷ đồng.

Ngọc Diễm