|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội áp dụng các biện pháp mạnh đối với vùng nội đô từ ngày 6/9

14:31 | 04/09/2021
Chia sẻ
Tại các "vùng đỏ", thành phố yêu cầu siết chặt giãn cách với những biện pháp mạnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Ngày 3/9 vừa qua, TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 20 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố. 

Áp dụng biện pháp mạnh tại vùng nội đô 

Tại vùng 1 (vùng nội đô), cần tăng cường những biện pháp mạnh hơn nữa để kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Đồng thời khoanh vùng xử lý triệt để các ổ dịch, làm sạch dần tiến đến “xanh hóa” các khu vực.

Thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ các yêu cầu người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, “ai ở đâu, ở đó”, không để “chặt ngoài, lỏng trong”. Xây dựng các “pháo đài” phòng, chống dịch là các xã, phường, thị trấn trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các cá nhân, phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố, yêu cầu quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội đối với toàn bộ các chốt kiểm soát ra vào thành phố, các chốt ra vào vùng 1. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thành phố cũng thực hiện phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã quyết định các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất phù hợp với tình hình dịch bệnh cụ thể theo từng địa bàn tại vùng 2, vùng 3.

Rút ngắn chu kỳ xét nghiệm, phân luồng điều trị phù hợp

UBND thành phố giao Sở Y tế tiếp tục tổ chức xét nghiệm thần tốc, rút ngắn chu kỳ xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, triển khai kế hoạch xét nghiệm diện rộng, huy động mọi nguồn lực, đảm bảo chỉ định xét nghiệm đúng, trúng khu vực nguy cơ và ưu tiên nhóm đối tượng nguy cơ, đảm bảo công tác lấy mẫu, xét nghiệm thống nhất, hiệp đồng linh hoạt giữa các đơn vị, tránh để mẫu tồn quá 24 giờ.

Ngoài ra, thành phố yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo, phân luồng phù hợp để điều trị có hiệu quả ngay từ tầng 1; hạn chế tối đa việc phân luồng điều trị tầng 2, tầng 3; bảo đảm việc tiếp nhận, điều trị các bệnh khác kịp thời và hiệu quả.

Cùng với đó, phối hợp Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan rà soát tăng công suất chuẩn bị đầy đủ 20.000 giường và sẵn sàng lên 30.000 giường cho các cơ sở thu dung, điều trị chăm sóc theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế; bảo đảm khả năng cách ly trên 100.000 chỗ cách ly cho các đối tượng F1.

Lắp đặt hệ thống camera giám sát tại tất cả chốt kiểm soát

Theo chỉ thị, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát 24/24 giờ sẽ được áp dụng tại tất cả chốt kiểm soát ra vào thành phố và các chốt kiểm soát tại vùng 1, truyền tín hiệu, thông tin, hình ảnh về Sở Chỉ huy thành phố.

Lãnh đạo thành phố giao công an thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn cụ thể và sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin cấp giấy đi đường, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị và phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn thành phố, hoàn thành trong ngày 5/9.

Ngoài ra, công an thành phố cần chỉ đạo các cấp cơ sở giám sát chặt chẽ những biến động của người dân trên địa bàn; xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm.

Xem xét giãn dân cư tại các vùng có nguy cơ cao

Chỉ thị cũng yêu cầu các quận rà soát và xác định các phân khu (khu vực nguy cơ cao, rất cao, khu vực có nguy cơ); các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, điểm tập kết hàng hóa lưu động; vị trí các chốt kiểm soát dịch bệnh, các chốt rào chắn cứng (không được lưu thông) của từng địa phương để phục vụ chỉ huy, điều hành.

Ủy ban Nhân dân các phường, xã, thị trấn phối hợp trung tâm y tế, tổ chức doanh nghiệp lên danh sách các công dân, nhân viên thuộc nhóm nguy cơ cao, các khu vực nguy cơ cao trên địa bàn. 

Từ đó, vẽ bản đồ và thực hiện thống kê chi tiết đến từng người dân và hộ gia đình để liên tục giám sát bảo đảm án toàn và sẵn sàng phương án xử lý nếu có ca nhiễm trong khu vực. 

Dựa trên các phương án này, người đứng đầu địa phương chủ động tổ chức lại các hoạt động phù hợp bao gồm hoạt động của tổ COVID cộng đồng, các chốt giám sát, phân luồng giao thông, tổ chức lại chợ, siêu thị, bảo đảm hoạt động sản xuất an toàn…

Đồng thời, siết chặt công tác quản lý phòng chống dịch tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích và các hoạt động đông người như xét nghiệm, tiêm chủng, thiện nguyện... trên địa bàn.

Đối với các khu vực phong tỏa chật hẹp, đông dân cư, căn cứ tình hình thực tiễn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng phương án, kịch bản bảo đảm an toàn, lắp camera, siết chặt kiểm soát, tăng cường xét nghiệm.

Trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức đưa các đối tượng có nguy cơ cao đi cách ly tập trung để giãn mật độ dân cư trong khu vực phong tỏa, tránh lây nhiễm trong khu phong tỏa.

Phương Nga