|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Gửi tiền ngân hàng lãi suất 12,4%/năm trong tháng đầu tiên, mức lợi tức thực tế sẽ nhận về là bao nhiêu?

16:18 | 08/02/2022
Chia sẻ
Với số tiền gửi ban đầu là 1 tỷ đồng, lãi suất tháng đầu là 12,4%/năm và 11 tháng còn lại là 6,2%/năm, số tiền lãi nhận lại sau một năm là xấp xỉ 69 triệu đồng, tương đương với mức lãi suất trung bình là 6,9%/năm.

Gần đây, việc VPBank điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động đã gây chú ý trên thị trường khi mức lãi suất cao nhất ngân hàng này áp dụng lên tới 12,4%/năm. Tuy nhiên, đằng sau con số lãi suất tiết kiệm cao như trên, có hai điều người gửi tiền cần phải lưu ý.

Thứ nhất, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho tháng đầu tiên với kỳ hạn 12 tháng, các tháng sau đó biểu lãi suất áp dụng là 6,1 - 6,2%/năm, tùy vào số tiền gửi.

Như vậy, giả sử với số tiền gửi ban đầu là 1 tỷ đồng, lãi suất tháng đầu là 12,4%/năm và 11 tháng còn lại là 6,2%/năm, số tiền lãi nhận lại sau một năm là xấp xỉ 69 triệu đồng (theo tính toán của người viết), tương đương với mức lãi suất trung bình là 6,9%/năm.

Theo đó, mức lãi suất này không cao hơn quá nhiều so với biểu lãi suất tại nhiều ngân hàng thương mại khác (lãi suất các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ đang dao động khoảng từ 6,5 - 6,9%/năm; các ngân hàng quy mô vừa có thể lên tới 7%/năm đối với số tiền lớn).

Đằng sau chuyện một ngân hàng nâng lãi suất huy động lên 12,4%/năm - Ảnh 2.

Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings. (Nguồn: VPBank).

Thứ hai, đây cũng không phải sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường mà là sản phẩm tiết kiệm Prime Savings của VPBank.

Theo đó, sản phẩm tiết kiệm này áp dụng cho các khách hàng đã được định danh thuộc phân khúc Prime của ngân hàng. Theo tìm hiểu, đây là tệp khách hàng thuộc thế hệ được sinh ra trong giai đoạn 1980 - 2000 (hay còn gọi là thế hệ Millennials). Họ có thể là chủ kinh doanh, quản lý bậc trung hay người làm công ăn lương có mức thu nhập khá.

Mặt khác, với sản phẩm tiết kiệm thông thường của VPBank, mức lãi suất cao nhất có thể nhận được chỉ là 6,7%/năm kỳ hạn tương tự, trong khi điều kiện phải gửi trên 50 tỷ đồng.

Đằng sau chuyện một ngân hàng nâng lãi suất huy động lên 12,4%/năm - Ảnh 3.

Biểu lãi suất tiết kiệm thông thường. (Nguồn: VPBank).

Ở một khía cạnh khác, so với tháng trước đó, VPBank cũng đã nâng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng lên khoảng 0,3 - 0,7 điểm %. Với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất cũng ghi nhận tăng khoảng 0,7 - 0,8%/năm.

Đối với tiền gửi tiết kiệm online, lãi suất tại các kỳ hạn cao hơn khi gửi tại quầy khoảng từ 0,2 - 0,3%/năm. Trong đó, lãi suất tiết kiệm online cao nhất tại ngân hàng là 6,7%/năm đối với tiền gửi trên 50 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng.

Đây là động thái cho thấy VPBank đang đẩy mạnh việc huy động vốn khi số dư tiền gửi khách hàng trong năm qua chỉ tăng trưởng 3,4%, thấp hơn nhiều so với các năm trước đó.

Trong hơn một năm trở lại, kênh gửi tiền ngân hàng trở nên kém hấp dẫn hơn bao giờ hết khi lãi suất đang ở mức rất thấp. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 10 tháng đầu năm ngoái, tăng trưởng tiền gửi dân cư và các tổ chức kinh tế đều ở mức thấp nhất kể từ 2012 đến nay, lần lượt là 3,1% và 7,6%.

Thay vào đó, dòng tiền có xu hướng chảy vào các kênh đầu tư rủi ro hơn nhưng cũng mang lại những cơ hội sinh lời hấp dẫn hơn như chứng khoán, bất động sản. 

Điều này đang trực tiếp ảnh hưởng tới rủi ro thanh khoản của các nhà băng, và dễ thấy ở đây nhất chính là trên tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động.

Tính đến 31/12/2021, tỷ lệ LDR thuần (dư nợ cho vay khách hàng bình quân trong kỳ trên tiền gửi khách hàng bình quân) của VPBank đang ở mức 147%, nằm trong top cao nhất của toàn ngành.

Đằng sau chuyện một ngân hàng nâng lãi suất huy động lên 12,4%/năm - Ảnh 4.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Lê Huy