'Grab mua Uber thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt'
Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến "Grab thâu tóm Uber, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?" do Báo Giao thông Vận tải tổ chức sáng ngày 6/4, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc sáp nhập của Uber vào Grab tại Việt Nam cũng tương tự như Uber nhượng thị phần ở Trung Quốc.
"Tất nhiên, khi xuất hiện một người khổng lồ, chúng ta thường có tâm lý lo ngại. Nhưng tôi cho rằng, việc Grab mua Uber thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Việc Grab thành công ở Đông Nam Á, giành lại thị phần của Uber, là ví dụ rất sinh động các doanh nghiệp ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam có thể trưởng thành, đứng vững trên thị trường của mình. Điều này tạo cảm hứng, và niềm tin tốt đẹp cho doanh nghiệp", ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh rằng: "Không có cơ hội nào không bao hàm thách thức. Nhưng tôi cho rằng, cơ hội hiện nay rõ rệt hơn. Câu chuyện của Grab thực sự cổ vũ cho sự sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam trong việc chinh phục thị trường Việt, thậm chí có thể vươn ra các quốc gia khác".
Nói về sự canh tranh thị trường, ông Nguyễn Xuân Thủy, Vụ phó Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, sự tồn tại của taxi và ứng dụng công nghệ gọi xe đã được đề cập nhiều. Tuy nhiên, thực tế ở một số nước trong khu vực cho thấy, thị phần taxi và thị phần gọi xe không triệt tiêu hoàn toàn dù mỗi nước có cách quản lý khác nhau.
"Chẳng hạn như tại Thái Lan, dù taxi vẫn chiếm ưu thế, chính phủ đã cấm dịch vụ gọi xe qua điện thoại nhưng Grab, Uber vẫn tồn tại. Câu trả lời ở đây nằm ở nhu cầu và thị hiếu của khách hàng", ông Thuỷ nói.
Sau khi Uber và Grab vào Việt Nam, taxi truyền thống đã tiếp thu công nghệ và tạo ra ứng dụng đặt xe qua mạng tương tự. |
Người đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, doanh nghiệp cung cấp nào mang đến dịch vụ tốt nhất, phù hợp với sở thích của người dân thì sẽ được ưa chuộng.
"Trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, điều mà tôi mong muốn lúc này đó là sẽ có nhiều công ty nội địa tham gia vào cung cấp ứng dụng phần mềm gọi xe", ông Thủy nêu quan điểm.
Về phía doanh nghiệp taxi trong nước, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, Grab và Uber sử dụng một nguồn vốn khổng lồ để thôn tính thị trường. Ban đầu, họ tạo ứng dụng để thu hút người tiêu dùng kèm theo đó là các khuyến mại cực lớn, điều mà taxi truyền thống không thể đáp ứng được bởi phải nộp thuế cao hơn nhiều.
"Trước khi vào Việt Nam, Uber và Grab đã nghiên cứu kỹ pháp luật nước ta, tìm kẽ hở để tăng lợi thế cho họ", ông Nguyễn Công Hùng nói.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Hùng, sau khi Uber và Grab vào Việt Nam, taxi truyền thống đã tiếp thu công nghệ và tạo ra ứng dụng đặt xe qua mạng tương tự. Ngay cả đơn vị nhỏ nhất của Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng có ứng dụng đặt xe, đã được Bộ Giao thông vận tải cho phép thử nghiệm.
Nói về giải pháp để "sống sót" trong bối cảnh cạnh tranh với taxi công nghệ, ông Nguyễn Công Hùng cho biết, các doanh nghiệp taxi trong nước đã kiến nghị xây dựng một trung tâm điều hành đặt xe qua mạng của Hiệp hội Taxi Hà Nội và đang đặt công ty phần mềm thiết kế. Đây là một sàn giao dịch dùng chung cho tất cả các hãng taxi Hà Nội, giúp tất cả mọi người khi đến Hà Nội có thể tải, truy cập phần mềm, có thể lựa chọn hãng tuỳ thuộc vào tên tuổi hay giá cả đã hiển thị sẵn.
"Hiệp hội Taxi chỉ có nguyện vọng tạo sự bình đẳng, công bằng trong kinh doanh. Khi đó, chúng ta sẽ có cơ sở đánh giá là chất lượng phục vụ", ông nói.