|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Gót chân Asin' của doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc trong cuộc chạy đua toàn cầu

08:48 | 14/08/2019
Chia sẻ
Theo Bloomberg, trong cuộc đua giành ngôi bá chủ thế giới công nghệ, Trung Quốc gặp phải một vấn đề nho nhỏ: Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của nước này chỉ đạt hơn 2% GDP, một con số “tí hon” so với Israel, Nhật Bản hay thậm chí là Mỹ.

Một tập đoàn công nghệ khổng lồ tầm cỡ thế giới như Huawei Technologies có thể khiến thế giới phải trầm trồ thán phục khi chi tới hơn 15 tỉ USD cho hoạt động R&D trong năm 2018 và sở hữu hàng chục nghìn bằng sáng chế.

Huawei

Huawei chi 15,3 tỉ USD cho hoạt động R&D trong năm 2018, nhiều hơn Microsoft, Apple, Intel. Nguồn: Bloomberg, EqualOcean.

Tuy nhiên đa phần các doanh nghiệp Trung Quốc khác không đầu tư tương xứng cho các công nghệ tối tân để cạnh tranh với đối thủ từ những quốc gia khác.

Nguyên nhân chính là chi tiêu cho R&D quá lớn có thể làm ảnh hưởng đến kế hoạch niêm yết và chào bán chứng khoán ra công chúng (IPO). Khác với Mỹ, các sở giao dịch chứng khoán Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp phải có lợi nhuận trong ít nhất ba năm trước khi IPO.

Đầu tư cho R&D được hạch toán vào khoản mục chi phí hoạt động trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và do vậy dễ làm cho nhiều công ty thua lỗ.

Huawei khác biệt với các doanh nghiệp khác ở chỗ nó là công ty có qui mô khổng lồ, đã làm ăn có lãi và không niêm yết hay chào bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Từ cuối tháng 7 vừa qua, Trung Quốc cho ra mắt một thị trường chứng khoán mới với tên gọi STAR Market, dành cho các công ty công nghệ tương tự như thị trường Nasdaq của Mỹ.

Qui định đối với thị trường này có nhiều điểm nới lỏng hơn so với các thị trường chứng khoán truyền thống của Trung Quốc, chẳng hạn như các cổ phiếu không bị giới hạn biên độ biến động trần-sàn trong 5 phiên đầu tiên và đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết không cần phải có lãi.

Hiện đã có khoảng 20 doanh nghiệp công nghệ và công nghiệp niêm yết trên STAR Market. Theo Bloomberg, chi cho R&D năm 2018 của các doanh nghiệp này đạt trung bình 12,8% doanh thu, cao gấp hơn hai lần các doanh nghiệp cùng ngành niêm yết trên các thị trường lâu đời hơn.

Các cổ phiếu trên STAR Market tăng trung bình 140% trong ngày khai trương giao dịch 22/7, tuy nhiên sự hưng phấn khó có thể kéo dài.

Nhà đầu tư Trung Quốc thích các thương hiệu tiêu dùng quen thuộc và đơn giản, đặc biệt là sau khi hàng loạt vụ bê bối bị phanh phui cho thấy chính sách kế toán phức tạp là một điểm đáng lo.

Ví dụ điển hình là trưởng hợp Han's Laser Technology Industry Group – doanh nghiệp cung cấp linh kiện smartphone cho Apple. Hồi tháng 4, Han's Laser được định giá với P/E lên tới hơn 30 lần.

Doanh nghiệp này còn tuyên bố đã chi 1 tỉ nhân dân tệ (142 triệu USD) để xây một trung tâm nghiên cứu hiện đại.

Đến tháng 7, truyền thông nhà nước Trung quốc cho biết doanh nghiệp này không xây dựng trung tâm nghiên cứu mà phát triển một khách sạn 5 sao ở gần một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết (ski resort) tại khu vực núi Alps, Thụy Sỹ.

Hiện nay, Han's Laser đang bị điều tra về hành vi sử dụng vốn sai mục đích. Công ty này khẳng định mình không làm gì sai, tuy vậy giá cổ phiếu của Han's Laser hiện nay chỉ bằng khoảng một nửa mức đỉnh của năm 2019.

Nhìn chung, các tài sản vô hình ở đâu cũng rất khó định giá, đặc biệt là tại Trung Quốc nơi mà các ngân hàng từ chối nhận sở hữu trí tuệ làm tài sản thế chấp.

Năm ngoái, khi cuộc chiến thương mại với Mỹ làm lợi nhuận doanh nghiệp bị ăn mòn, các công ty niêm yết của Trung Quốc đã phải hạch toán giảm hơn 10% khoản mục lợi thế thương mại (goodwill) trị giá 1.300 tỉ nhân dân tệ.

Bắc Kinh đã có những chính sách đáng khen như nỗ lực đưa Trung Quốc tham gia vào các lĩnh vực mới như tự động hóa hay công nghệ 5G. Tuy vậy, chính phủ nước này còn cần phải nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Bằng không, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ chỉ mãi chạy theo sau thành công của đối thủ hoặc tệ hơn nữa là ngồi trên đống tài sản vô giá trị cùng khối nợ xấu khi thị trường đã xoay chuyển.

Cổ phiếu trên thị trường STAR Market hiện đang tỏa sáng như những ngôi sao. Nhưng ngôi sao sáng chói nhất lại thường chính là ngôi sao tắt vụt nhanh nhất.

Kiên Dương