|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Google chỉ ra 4 xu hướng mua sắm của người Việt trong năm 2022 và cơ hội tiếp cận 3 tỷ khách hàng cho các nhà bán lẻ

10:50 | 12/12/2022
Chia sẻ
Theo Google, lượt tìm kiếm “mua trước trả sau” đã tăng hai lần tại Singapore và tăng 5 lần tại Việt Nam.

Mới đây, tại Hà Nội, sự kiện Google Update 2023 đã được tổ chức dưới sự kết hợp của SEONGON và Google nhằm cung cấp các thay đổi mới nhất của thị trường, công nghệ và Google trong năm 2023 để giúp doanh nghiệp xây dựng nền tảng, chiến lược marketing trong thời gian tới.

Tại sự kiện, ông Simon Nguyen - Quản lý phát triển quan hệ đối tác chiến lược của Google, đã chia sẻ về 4 xu hướng tiêu dùng trong năm 2022. Xu hướng này được Google dựa theo data, máy học cũng như research tại toàn khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

 Ông Simon Nguyen - Quản lý phát triển quan hệ đối tác chiến lược của Google. (Ảnh: SEONGON).

Thay đổi trong xu hướng mua sắm của người tiêu dùng

Xu hướng đầu tiên, theo ông Simon Nguyen là người mua sắm mong đợi có deal (giao dịch) hời và deal hời không có nghĩa là giá thấp. Trong đó, có những xu hướng đáng chú ý như ưu tiên mua trước trả sau. Theo Google, lượt tìm kiếm “mua trước trả sau” đã tăng hai lần tại Singapore và tăng 5 lần tại Việt Nam.

Nói thêm về hình thức này, ông Simon kể tại sự kiện hồi tháng 6 năm nay, có người hỏi “mua trước trả sau” đang là xu hướng ở Đông Nam Á, vậy ở thị trường Việt Nam sẽ như thế nào? Theo vị lãnh đạo Google, xu hướng này đã bắt đầu ở Việt Nam từ tháng 8/2022.

Hiện tại, nếu doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử hoặc trong lĩnh vực thực phẩm thì có thể thấy phía Singapore đã có một số đơn vị “đánh chiếm” thị trường Việt Nam. MoMo và VNPay cũng dần dịch chuyển sang hình thức này.

Tiếp theo là giao hàng trong ngày. Ông Simon nói rằng khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn so với cùng một món hàng nhưng với điều kiện họ phải nhận được sớm hơn. Số liệu cho thấy 60% khách hàng Đông Nam Á sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho đơn giao trong ngày.

Xu hướng thanh toán khi nhận hàng theo ông Simon, đây là xu hướng không mới tại thị trường Việt Nam. Vậy nhưng lượt tìm kiếm “thanh toán khi nhận hàng” vẫn tiếp tục tăng, trong đó tăng 1,3 lần tại Việt Nam, tăng 15% ở Đài Loan (Trung Quốc) và tăng 20% tại Malaysia.

 Xu hướng mua sắm mới của người Việt theo khảo sát từ Google. (Ảnh: Chí Dũng).

Xu hướng thứ hai, sau khi thống kê tại Đông Nam Á, Google nhận thấy có 20% khách hàng tại Singapore sẵn sàng chi trả online cho các món hàng có giá trị cao như túi xách, giày dép, hàng xa xỉ phẩm,… Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, người tiêu dùng lại quan tâm đến việc mặt hàng đó có phải là chính hãng hay không.

Xu hướng thứ ba là thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Dựa theo nghiên cứu của Google, có rất nhiều bước trong hành trình mua sắm. Đầu tiên, khách hàng sẽ sử dụng Google Search để tìm kiếm món hàng, sau đó, họ chuyển lên YouTube để xem món hàng đó như thế nào.  Đây là những bước khách hàng sẽ thực hiện trước 4 tuần, đắn đo suy nghĩ, trước khi họ quyết định mua hàng.

Xu hướng cuối cùng, theo ông Simon Nguyễn, là khách hàng muốn lên thẳng website của nhà sản xuất hoặc đến thẳng cửa hàng để mua. Ngày nay, khách hàng có nhiều hơn một sự lựa chọn để mua sắm. Xu hướng “brand.com" - trang chính của nhà sản xuất, đã xuất hiện kể từ khi đại dịch bùng phát và khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua trên đó.

Lý do theo lãnh đạo Google, người mua sắm không phải mua qua nhiều nhà trung gian, do đó, thương hiệu có thể tạo được lòng tin và tên tuổi đối với khách hàng. Ông Simon Nguyễn nhấn mạnh rằng chiến lược xây dựng “brand.com" là chiến lược cần thiết trong việc tìm kiếm khách hàng mới, củng cố thương hiệu và củng cố lại niềm tin của khách hàng.

Cơ hội tiếp cận 3 tỷ khách hàng

Cũng trong sự kiện này, các doanh nghiệp tham dự đã được nghe diễn giả chia sẻ về những cập nhật mới nhất của Google Ads, SEO, ứng dụng máy học trong tiếp cận khách hàng, tương lai của phân tích dữ liệu và tối ưu hoá chuyển đổi bằng công nghệ Smart Retail với Appier Enterprise Solution.

Sự kiện đã giới thiệu các tính năng mới của quảng cáo Youtube và khám phá giúp doanh nghiệp tiếp cận đến hơn 3 tỷ khách hàng mới. Đặc biệt quảng cáo trên Youtube Shorts đã được ra mắt trên phạm vi toàn cầu. Đây là vị trí quảng cáo độc quyền mới của Google giúp nhà sáng tạo nội dung và cả nhà quảng cáo nhanh chóng cập nhật và thu hút người xem/khách hàng. 

Theo Google, các chiến dịch quảng cáo có sử dụng video trên Shorts mang lại số lượt chuyển đổi nhiều hơn 10-20% so với chiến dịch tương tự cùng ngân sách nhưng chỉ dùng video bình thường.

 Các chuyên gia đến từ Google và SEONGON trong phần trao đổi với người tham dự. (Ảnh: SEONGON).

Ngoài ra, các chuyên gia trong sự kiện cũng chia sẻ về phương pháp tiếp cận người dùng chuẩn với máy học và dữ liệu bên thứ nhất. Thời đại bảo mật dữ liệu lên ngôi cũng là lúc các nền tảng quảng cáo phải thay đổi để bảo mật dữ liệu người dùng. 

Chính vì vậy, các doanh nghiệp cũng gặp khó trong quá trình đo lường và thu tệp khách hàng cho quảng cáo, từ đó doanh thu tụt giảm. 

Tại sự kiện, đại diện từ phía SEONGON và Google cũng chia sẻ về việc tận dụng máy học và dữ liệu bên thứ nhất trong đo lường và triển khai quảng cáo. 5 tính năng mới của Google đã được nêu ra để giúp doanh nghiệp thích ứng được với tình hình hiện tại. Trong đó, nổi bật nhất là GA4 - nền tảng đo lường mới, tận dụng tối đa máy học và dữ liệu bên thứ nhất trong đo lường và thu thập dữ liệu. 

Chí Dũng