|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

'Gom' nghìn tỉ đồng cổ phiếu nhóm chứng quyền nửa đầu 2019: Bước chuẩn bị kĩ lưỡng của nhóm tạo lập

16:04 | 15/07/2019
Chia sẻ
Thống kê giao dịch 6 tháng đầu năm 2019, khối tự doanh mua ròng 1.022 tỉ đồng tại nhóm cổ phiếu phát hành chứng quyền trong khi giá trị mua ròng của khối ngoại chưa bằng một nửa. Tâm điểm giao dịch của khối tự doanh là MBB và VNM.

Khối tự doanh mua ròng 1.022 tỉ đồng nhóm chứng quyền, tập trung MBB

Sau nhiều năm 'ấp ủ' sản phẩm chứng quyền có đảm bảo chính thức được đưa vào vận hành cuối tháng 6 vừa qua. Trong đợt đầu ra mắt, 7 công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ này gồm Chứng khoán BSC, VPS, SSI, HSC, KIS Việt Nam, MBS và VNDirect. 

Theo đó, sản phẩm chứng quyền có đảm bảo được các công ty cung cấp dựa trên 6 mã cổ phiếu gồm MWG (Thế giới Di động), HPG (Hòa Phát), MBB (Ngân hàng Quân đội – MB), VNM (Vinamilk), PNJ (Vàng bạc đá quý Phú Nhuận) và FPT (FPT).

Trong hoạt động phát hành, công ty chứng khoán phát hành chứng quyền phải mua một lượng cổ phiếu để làm tài sản bảo đảm. Do đó, giao dịch của khối tự doanh CTCK đối với các mã cổ phiếu phát hành chứng quyền được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Tổng quan giao dịch trong 6 tháng đầu năm, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 103,7 tỉ đồng trên toàn thị trường với khối lượng 90 triệu đơn vị. Hoạt động bán ròng tập trung vào chứng chỉ quỹ ETF nội E1VFVN30. 

Tuy nhiên, nếu tính riêng nhóm cổ phiếu phát hành chứng quyền, khối tự doanh mạnh tay 'gom' 1.022,6 tỉ đồng với khối lượng 23,4 triệu cổ phiếu. Hoạt động mua ròng của khối tự doanh diễn ra với tất cả các cổ phiếu phát hành chứng quyền.

TD

Nguồn: Bùi Tùng tổng hợp

Về giao dịch cụ thể, cổ phiếu MBB được khối tự doanh CTCK mua ròng nhiều nhất với giá trị 353,35 tỉ đồng. Đồng thời cổ phiếu này cũng ghi nhận khối lượng mua ròng cao nhất đạt 16,5 triệu đơn vị. Theo đó, MBB cũng dẫn đầu về giá trị và khối lượng mua vào trong số những cổ phiếu phát hành chứng quyền.

Mã phát hành chứng quyền có giá trị mua ròng cao thứ hai là VNM của Vinamilk với giá trị 262,73 tỉ đồng. Cổ phiếu này được khối tự doanh mua vào với giá trị 685 tỉ đồng và bán ra 422 tỉ đồng. Khối lượng mua ròng đạt gần 1,9 triệu đơn vị.

Theo sau đó, khối tự doanh còn mua ròng trăm tỉ MWG (230,07 tỉ đồng) và HPG (112,91 tỉ đồng). Đây cũng là hai cổ phiếu được nhiều công ty chứng khoán phát hành chứng quyền nhất, với kì hạn cả 3 tháng và 6 tháng.

Đáng chú ý, cổ phiếu HPG có giá trị cũng như khối lượng bán ra nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, khối tự doanh công ty chứng khoán đã bán ròng hơn 22,6 triệu cổ phiếu HPG với giá trị gần 678 tỉ đồng.

Hai mã còn lại trong 'nhóm chứng quyền' là FPT và PNJ ghi nhận giá trị mua ròng thấp nhất, lần lượt đạt 63,56 tỉ đồng và 45,16 tỉ đồng.

Với thống kê trên cho thấy các công ty chứng khoán đã có những bước chuẩn bị kĩ càng cho việc ra mắt sản phẩm chứng quyền. 

Tuy nhiên, khi nhà đầu tư đặt lo ngại liệu có việc tự doanh CTCK "tác động" đến giá cổ phiếu cơ sở để có lợi cho việc phát hành chứng quyền, đại diện Chứng khoán BSC trả lời tại buổi giới thiệu sản phẩm, với khối lượng giao dịch mỗi phiên của các cổ phiếu cơ sở phát hành chứng quyền rất lớn nên rất khó để một CTCK có thể thao túng giá. 

Ngoài ra, để tránh hiện tượng đẩy giá vào ngày đáo hạn, HOSE cũng đã quy định mức giá cổ phiếu cơ sở sẽ được xác định là bình quân của 5 phiên liền trước ngày đáo hạn.

NĐT nước ngoài cũng chi gần 500 tỉ đồng 'gom' cổ phiếu chứng quyền

Giao dịch trái chiều với tự doanh, trong 6 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 201,5 triệu đơn vị với giá trị 10.143 tỉ đồng. 

Trong đó, giá trị mua ròng của cổ phiếu 'nhóm chứng quyền' đạt 491,5 tỉ đồng với khối lượng 8 triệu cổ phiếu, gần bằng một nửa giá trị ghi nhận tại khối tự doanh.

KN

Nguồn: Bùi Tùng tổng hợp

Ở phía mua ròng, dòng tiền ngoại tập trung chủ yếu vào MWG với giá trị mua ròng 565,88 tỉ đồng với khối lượng 6,2 triệu cổ phiếu. 

Được biết, đầu tháng 2 năm nay, cổ đông ngoại lớn nhất của Thế giới di động là nhóm Dragon Capital mua vào 1,68 triệu cổ phiếu MWG, tăng sở hữu 12,123% vốn điều lệ. Nhưng cuối tháng 5 vừa qua, nhóm quỹ này lại bán ra 1,5 triệu cổ phiếu MWG, giảm tỉ lệ nắm giữ xuống còn 11,703%.

Kế đến, khối ngoại mua ròng 190,12 tỉ đồng cổ phiếu HPG, khối lượng mua ròng hơn 3 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, FPT ghi nhận 78,05 tỉ đồng giá trị mua ròng từ khối này. Nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 1.127 tỉ đồng cổ phiếu FPT trong khi bán ra 1.049 tỉ đồng.

Diễn biến trái chiều, nhà đầu tư nước ngoài gây áp lực bán mạnh lên VNM. Giá trị bán ròng cổ phiếu này đạt 342,6 tỉ đồng cùng khối lượng 2,7 triệu đơn vị. Nếu xét về giá trị giao dịch, đây là mã thu hút sự chú ý của khối ngoại nhất bởi giá trị mua và bán VNM lần lượt lên tới 9.925 tỉ đồng và 10.267 tỉ đồng.

Hai cổ phiếu phát hành chứng quyền là MBB và PNJ ghi nhận giá trị giao dịch của khối ngoại tương đối cân bằng. Gần như, khối ngoại không mua vào cổ phiếu này trong nửa đầu năm nay.

Diễn biến giá cổ phiếu chứng quyền 6 tháng đầu năm: mã lập đỉnh, mã 'đổ đèo'

giá

Nguồn: Bùi Tùng tổng hợp

Trên thị trường, nhìn chung, nhóm cổ phiếu phát hành chứng quyền diễn biến tích cực trong nửa đầu năm nay với 5/6 mã tăng giá. Trong đó, mã tăng giá mạnh nhất 6 tháng đầu năm là FPT với tỉ lệ tăng trưởng 21%. Trước đó, ngày 25/6, cổ phiếu này thiếp lập mức đỉnh một năm tại mức giá 46.550 đồng/cp. 

Cùng với đó, cổ phiếu MWG cũng ghi nhận mức tăng trưởng 10% về giá trị. Ngoài ra, ba mã có thị giá cao nhất 'nhóm chứng quyền' gồm VNM, MWG và PNJ lần lượt tăng giá 4%, 8% và 5% trong nửa đầu năm nay.

Trái xu hướng với các mã trên, bất chấp những thông tin tích cực từ hoạt động sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát liên tục 'đổ đèo' từ đầu tháng 3 sau chuỗi phiên tăng giá liên tiếp trước đó, ghi nhận mức giảm 1% sau 6 tháng.

Bùi Tùng