[Góc nhìn môi giới] Chu kỳ tăng trưởng lớn trở lại - Nâng hạng thị trường Việt Nam
Wishing you a Healthy, Weathy, and Wise in the Year of 2017.
Chỉ số Index đã chạm dự báo 660 điểm, dẫn dắt bởi những cổ phiếu vốn hoá lớn đại điện cho 2 trường phái rõ rệt là “ VNM, MWG,CTD – Investment” và “ROS – Speculation”. Điều này cho thấy luôn tồn tại nhiều cơ hội (hay rủi ro) cho tất cả thành phần tham gia thị trường và việc lựa chọn khoản đầu tư phụ thuộc vào khẩu vị của từng nhà đầu tư.
“Market Strategy 2017 – Chu kỳ tăng trưởng lớn trở lại” được thực hiện với mong ước tìm được định hướng trong đầu tư, xu hướng đầu tư và lựa chọn được công ty để đầu tư, chia làm 4 phần:
(i) Nâng hạng thị trường Việt Nam
(ii) Tác động của cuộc Bầu cử Mỹ: Nền kinh tế Trump
(iii) Lựa chọn đầu tư tại Việt Nam
(iv) Dữ liệu lớn: 2017 P/E, Market Investibility, Vietjet, Novaland, NGK Yến Sào Khánh Hoà, VEAM, ACV, VHC.
I. Mục tiêu nâng hạng thị trường của Chính Phủ sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán:
Những ai sống trong thời kỳ bùng nổ của thị trường chứng khoán năm 2005- đầu năm 2007 vẫn nhớ rõ thị trường liên tiếp tăng điểm do: (i) Quyết định của Chính phủ cho phép nhà đầu tư nước ngoài nâng tỷ lệ sở hữu công ty niêm yết lên 49% từ 30% trong năm 2005, (ii) Hiệp định WTO hiệu lực từ năm 2006 ,(iii) Tâm lý đầu tư hồ hởi khi Tổng thống G.W. Bush thăm TTGDCK HCM (20/11/2006) và (iv) Các công ty đua nhau niêm yết mới trong tháng 12/2006 nhờ chính sách ưu đãi thuế (51 cty niêm yết tại Hose, 69 cty niêm yết tại HNX). Tại thời điểm đó, vốn hoá của thị trường chứng khoán chiếm 25% GDP cả nước.
Sau 10 năm, có thể chu kỳ tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán lần nữa đã trở lại cùng với các dấu hiệu rõ rệt dựa trên mục tiêu lớn: nâng hạng thị trường Việt Nam từ Thị trường cận biên (Frontier Market –FM) lên Thị trường mới nổi (Emerging Market) đến năm 2020 đã khiến Chính phủ thực hiện nhiều chính sách cùng lúc:
- Làn sóng niêm yết mới tại 3 sàn giao dịch (HOSE, HNX, UPCOM) trong những tháng cuối năm 2016 và 2017 như: ACV, Sabeco, BHN, Masan Consumer, Novaland, Petrolimex, PV Power, Vinatex, Vietjet, QNS.. do chính sách khuyến khích (và phạt) của Chính phủ nhằm tăng cường hàng hoá cho thị trường chứng khoán đồng thời làm cho các Doanh nghiệp nhà nước vừa cổ phần hoá tiếp cận được chuẩn mực báo cáo theo các quy định niêm yết từ đó tăng cường tính minh bạch cho các doanh nghiệp và các thành phần tham gia thị trường có thể tiếp cận được nhiều hơn các doanh nghiệp.
- Sở hữu nhà đầu tư nước ngoài: hiện tại NĐTNN chiếm 18% (US$11,7 tỷ) tại sàn HOSE, 12% (US$848 triệu) tại HNX và 6% (US$303 triệu) tại UpCOM. Cơ hội sắp tới cho NĐTNN gia tăng sở hữu không chỉ đến từ chính sách nâng tỷ lệ được phép nắm giữ lên 100% ở một số ngành không giới hạn mà còn đến từ việc thoái vốn của Chính phủ tại các công ty đại chúng.
Hiện tại, Chính phủ đang nắm giữ: 33% tại 312 công ty niêm yết HOSE, 24% tại 378 công ty niêm yết HNX và 43% công ty niêm yết ở UpCOM. Do vậy, khi Chính phủ dần thoái vốn sẽ mở ra cơ hội cho cả hai nhóm nhà đầu tư nước ngoài và nội địa gia tăng nắm giữ cổ phần tại các công ty này.
NĐTNN hiện tại ưa thích nhất nhóm cổ phiếu Dược (35,2%), Công nghệ (32,6%- chủ yếu FPT), Hàng tiêu dùng (31,1%), Bán Lẻ (30,8%), Bảo hiểm (27,6%), Dịch vụ chứng khoán (28,3%) với các đặc tính: tăng trưởng bền vững doanh số, hiệu quả quản lý cao (ROA, ROE), có vốn hoá từ US$200 triệu trở lên.
- Vốn hoá thị trường đang tăng trưởng: với sự niêm yết mới dồn dập của các công ty lớn, tổng vốn hoá thị trường sẽ tăng ít nhất 20% ( hiện tại vốn hoá tại HOSE là US$60 tỷ) và những công ty trong Top 30 công ty lớn nhất thị trường sẽ có sự thay đổi đáng kể đặc biệt là những công ty mới niêm yết như ACV, Sabeco, Novaland.. vẫn còn room cho NĐTNN và là những công ty dẫn đầu trong ngành. Trước đây, 12/30 công ty lớn nhất đã hết room nay đã được thay thế bằng những công ty mới tuy nhiên tỷ lệ lưu hành tự do của các công ty này đang là một vấn đề lớn cho những người mới muốn gia nhập.
Theo ước tính nếu toàn bộ các công ty niêm yết theo lộ trình và chuyển từ Upcom lên Hose thì VN30 sẽ có đến 13 cổ phiếu cũ bị loại ra thay cho 13 công ty mới niêm yết có vốn hoá lớn hơn, lần lượt là: SAB, ACV, Masan Consumer, Binh Son Refinery, NVL, Vietjet, BHN, HVN,VEAM, QNS, Petrolimex, PV Power, PV Oil.
- Cổ phiếu OTC bắt đầu thanh khoản nhờ sàn UpCOM: dòng tiền ngủ yên tại các cổ phiếu đã cổ phần hoá từ lâu những không giao dịch được đang thức giấc bởi sự niêm yết các cổ phiếu này lên sàn UpCom. Tính từ đầu tháng 11 đến nay, HNX đã phê duyệt niêm yết cho hơn 40 công ty như: ACV, RCC, Giày Thượng Đình, Bến xe khách Sài Gòn, Cholimex, ICD Tân Cảng Sóng Thần, VOC.. Điều này cho thấy các cổ đông của công ty này đã có thể chuyển nhượng một cách minh bạch thông qua hệ thống giao dịch của HNX. Tiền được lưu thông, hàng hoá được định giá dựa trên cung và cầu sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới hơn cho các bên tham gia thị trường.
Thời gian tới, sẽ còn rất nhiều công ty niêm yết trên sàn UpCOM như: Vinatex (3/1), Vinacomin Power, Vietnam Airline (3/1),...
Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.
Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn.
Đón đọc: Phần II: Tác động của cuộc Bầu cử Mỹ.