Góc nhìn đầu tư: Thị trường cần một phiên khối lượng lớn để xoá hết tất cả trải nghiệm cũ
Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đã gần tiến đến ngưỡng kháng cự của VN-Index là 1.290 – 1.300 điểm. Các phiên xanh chỉ số vượt đỉnh, tháo gỡ tâm lý luôn luôn là phiên được mọi người yêu thích tuy nhiên sau những phiên đó, thị trường cần 1-2 phiên điều chỉnh là việc vô cùng bình thường.
Tại chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital, ông Nguyễn Tuấn Anh, Nhà sáng lập Finpeace, cho rằng nếu không có giai đoạn giảm thì mua hàng mới sẽ trở nên cực kỳ khó. Nhìn trên góc độ rộng hơn, khu vực hiện tại đang là khu vực lấp gap. Thị trường cần một phiên khối lượng lớn hơn nữa để xoá nhoà hết tất cả trải nghiệm cũ, trung bình giá mới. Khi dòng tiền mới vào, kỳ vọng sẽ được nâng cao.
Ở giai đoạn đầu của điều chỉnh, lòng tin thường vô cùng thấp. Đến giai đoạn sau, lòng tin mới dần dần củng cố thêm, đặc biệt trong các phiên vượt đỉnh. Kết thúc một nhịp điều chỉnh dài chính là lúc sự đồng thuận đạt lên mức cực kỳ cao. Căn cứ vào đó thì hiện tại thị trường vẫn chưa có sự đồng thuận. Đỉnh tiếp theo để kết thúc cả đợt điều chỉnh dài này sẽ là thời điểm tất cả nhóm ngành cùng đồng thuận, lên cùng một lúc.
Ông Tuấn Anh cho rằng khi giao dịch mỗi người phải có trên tay ít nhất hai bộ công cụ. Thứ nhất là công cụ mang tính chất định lượng như các chỉ số, ngưỡng chặn và thứ hai là công cụ mang tính định tính về cảm xúc của người chơi, của những người tham gia thị trường nói chung.
Rất nhiều sách về phân tích đã đề cập đến vấn đề định tính này, tiêu biểu như cuốn “Chết vì chứng khoán” của Jesse Livermore. Tỷ lệ đồng thuận cao quá cũng có thể làm cho thị trường tạo đỉnh. Định lượng chỉ là một phần bởi từ đoạn 1.300 điểm lên 1.360 điểm thì hầu như sẽ thiên về định tính nhiều hơn.
Chuyên gia đánh giá có những lúc để thị trường đi lên cực kỳ khó, rất lâu mới nhích lên khoảng 10 - 20 điểm tuy nhiên có lúc lại vô cùng dễ, chỉ cần 2, 3 ngày là lên đến tận 20 - 30 điểm vì vậy điểm số chưa chắc đã quá quan trọng. Với người bắt đúng kỹ thuật, họ sẽ giữ hàng cho đến thời điểm có tín hiệu bán.
Việc mua mới cũng cẩn thận hơn để cân đối tỷ lệ chứng khoán trên từng danh mục. Ngược lại, nhà đầu tư cũng có thể ra mới nhưng hành động này nên xuất phát từ việc hết hạn mức mua, nhằm bán đi những mã có hiệu suất không tốt và đổi sang các cơ hội mới.
Nếu VN-Index vượt lên trên 1.360 điểm đến vùng MA200, thì một số nhà đầu tư có thể nâng tỷ lệ chứng khoán trên tổng danh mục còn nếu cứ ở dưới khu vực này thì họ vẫn chỉ coi đây là khu vực điều chỉnh thôi.
Những người mới thường rất quan tâm đến thời điểm mua, thời điểm bán, có lãi hay không có lãi nhưng với những người đã giao dịch lâu năm thì lại quan tâm nhiều hơn tới việc đám đông đang suy nghĩ gì. Rất nhiều tài liệu về phân tích kỹ thuật tập trung vào chuyện phân tích tâm lý thị trường, đặc biệt là tâm lý đám đông. Khi đám đông tâm lý tích cực thì điều ngược lại sẽ xảy ra còn khi đám đông quá tiêu cực thì điều đảo chiều cũng có thể xảy ra.
Những người kinh doanh chứng khoán thành công nhất trên thế giới đều dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu và quan sát tâm lý chung của thị trường. Thậm chí, tại Mỹ, nhiều đơn vị, tổ chức còn thống kê lại phản ứng thị trường, tâm lý đang như thế nào.