|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Góc nhìn đầu tư: Nên thận trọng khi giao dịch T+, không nên 'nhảy nhót' quá nhiều trong giai đoạn nhạy cảm

17:04 | 21/07/2022
Chia sẻ
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán SmartInvest, cho rằng trong thời điểm thị trường đã giảm trong một giai đoạn khá dài, nhà đầu tư nên hạn chế các giao dịch T+3 khi chứng khoán Việt Nam đang trong thời điểm khá nhạy cảm.

BTV Hoàng Nam và Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán SmartInvest trong chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital. (Ảnh chụp màn hình). 

Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán SmartInvest, cho rằng trong thời điểm thị trường đã giảm trong một giai đoạn khá dài, nhà đầu tư nên hạn chế các giao dịch T+3 khi chứng khoán Việt Nam đang trong thời điểm khá nhạy cảm.

"Việc thị trường đang trong giai đoạn nhạy cảm có thể dẫn đến suy thoái làm cho mức chiết khấu ở thời điểm hiện tại vẫn chưa đủ. Còn với trường hợp suy thoái không xảy ra thì đây sẽ là vùng đáy.

Trong ngắn hạn, nếu các nhà đầu tư quyết định “dò đáy” thì nên hạn chế việc “nhảy nhót” vì chỉ cần có thông tin bất lợi làm cho thị trường giảm sâu hơn, khả năng kẹp hàng T+ sẽ rất cao và khiến các nhà đầu tư thua lỗ", ông Khánh cho hay.

Các cổ phiếu được dự báo có kết quả kinh doanh tốt đã được phản ánh trong giai đoạn tăng giá trước đó. Ví dụ như ngành thuỷ sản, trước tháng 4, 5, 6 thì giai đoạn tăng giá rất mạnh, thế nhưng dù kết quả kinh doanh công bố sắp tới có tốt cũng sẽ phản ánh vào giá không quá mạnh.

Theo VinaCapital vừa báo cáo, GDP quý III dự báo sẽ tăng vọt, vượt 10% so với cùng kỳ năm ngoái, kỳ vọng đây là chất xúc tác quan trọng cho việc nhà đầu tư đổ tiền vào chứng khoán Việt Nam. Nhìn nhận thông tin này, ông Khánh cho rằng việc GDP tăng trưởng là một tín hiệu tốt thế nhưng con số tăng trưởng này thường ít tác động đến thị trường chứng khoán.

Thực tế, những chính sách tiền tệ hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp mới trực tiếp ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Việc các cổ phiếu trên sàn chưa đại diện hết cho nền kinh tế khi Việt Nam vẫn còn dựa vào xuất khẩu và các doanh nghiệp FDI, điển hình nhiều doanh nghiệp cũng không niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam như Samsung, từ đấy việc tăng trưởng kinh tế sẽ bị lệch so với việc kinh doanh trên sàn.

NĐT cần theo dõi thêm tăng trưởng kinh doanh theo quý, cẩn trọng với nhóm đầu cơ

 Ông Vũ Duy Khánh, GĐ Phân tích, CTCP Chứng khoán SmartInvest. (Ảnh chụp màn hình). 

Gần đây, SSI Research báo cáo rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ đã đạt đỉnh trong năm nay, điều này có mâu thuẫn khi Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - mã cổ phiếu: FRT) đặt kế hoạch tăng trưởng rất cao trong quý III.

Đối với chuyên gia, ông cho rằng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong quý III năm 2021 khiến cho mức kinh doanh rất thấp, chính điều này khiến cho FPT Retail kỳ vọng có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái.

Thế nhưng khi so sánh các quý liền kề nhau thì mức lợi nhuận của FRT trong quý IV năm 2021 cao nhất. Thế nhưng trong quý tiếp theo năm 2022 thì lợi nhuận đã đi xuống đồng thời quý II cũng được dự báo sẽ giảm tiếp. Điều này cho thấy tăng trưởng quý qua các năm có thể cao nhưng quý trước so với quý sau có thể giảm, thậm chí là tăng trưởng âm.

Từ đấy, nhà đầu tư ngoài việc theo dõi tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái thì cũng nên để ý đến tăng trưởng của các quý liền kề nhau.

Bên cạnh đó, ông Trung cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên cẩn trọng với các cổ phiếu đầu cơ trong bối cảnh thị trường nhạy cảm. Lấy ví dụ về mã HAG, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) gần đây mới nhận một thông tin tích cực khi được chấp thuận dự án chăn nuôi 100ha sẽ đưa vào hoạt động từ quý IV năm nay và kỳ vọng sẽ cung ứng được 1 triệu con heo vào năm 2023.

Ông Trung nhận xét rằng cố phiếu của HAG mang tính đầu cơ rất cao, điều này khiến cho các nhà đầu tư nên phải cảnh giác khi định giá lên quá cao. HAGL từ lâu đã gặp phải khủng hoảng, công ty liên tục tái cấu trúc và chuyển hướng sang rất nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau. Mỗi lần tái cơ cấu kinh doanh thì doanh nghiệp thường đưa ra những chiến lược rất đáng mong đợi nhưng đều thất bại sau đó.

Một điểm yếu của Hoàng Anh Gia Lai là trong chính thị trường chăn nuôi lợn, việc thịt lợn hầu như chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc và tiêu thụ trong nước khiến cho việc nuôi càng nhiều sẽ làm dư cung dẫn đến giá thịt giảm. Hơn nữa, trên báo cáo tài chính của HAG còn rất nhiều khoản tiềm ẩn gây rủi ro hàng nghìn tỷ đồng.

Thảo Bùi

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.