Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Giải mã sóng cổ phiếu ngân hàng
Nhóm cổ phiếu ngân hàng VCB, BID, CTG, ACB… đều đồng loạt tăng điểm và chính là động lực thúc đẩy đà tăng điểm của thị trường trong tuần qua. Nhóm cổ phiếu này có duy trì được đà tăng trong tuần tới, theo các ông/bà?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có một năm đứng yên và những thông tin gần đây về một số ngân hàng đã có những bước cải thiện mạnh mẽ về nợ xấu và cả thông điệp của NHNN quyết tâm cấu trúc lại khối ngân hàng là động lực giúp nhà đầu tư quan tâm trở lại.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm 20-30% so với cách đây 1 năm vì vậy, việc đảo chiều tăng mạnh là một phản ứng bình thường và thị trường có thể theo đà này đẩy giá thêm một vài nhịp nữa trong thời gian tới.
Tuy nhiên, có thể cơn sóng cổ phiếu ngân hàng sẽ không kéo dài như 2 năm trước mà chỉ trong ngắn hạn do hoạt động chung của khối ngân hàng dự báo sẽ nhiều áp lực và khó khăn hơn trong năm nay trước tình hình lãi suất tín dụng có khả năng phải đẩy cao hơn làm cho hoạt động cho vay khó khăn hơn trước.
Ngoài ra, nhiều dự báo về sự chững lại của bất động sản cũng khiến cho tiến trình xử lý nợ xấu sẽ khó khăn hơn khi phần lớn nợ xấu hiện vẫn nằm trong bất động sản.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng môi giới, Agriseco
Tôi đánh giá nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn nhiều tiềm năng duy trì đà tăng điểm tích cực trong tuần tới khi các thông tin kết quả kinh doanh 2016 dần hé lộ. Cần lưu ý rằng, dòng tiền đã chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu này trong phiên cuối tuần vừa rồi.
Bà Nguyễn Ngọc Lan
Ngoài ra, trong năm nay, ngành ngân hàng có nhiều thông tin hỗ trợ như chính sách nâng tỷ lệ cho vay lên 90%, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nới room ngoại hay đối tác chiến lược nước ngoài..., sẽ tạo tiền đề cho đà tăng điểm dài hạn của nhóm cổ phiếu này trong năm 2017.
Ông Phạm Văn Khoa, Phòng vân tích, CTCK VNDIRECT
Tôi thấy lạc quan về VCB và ACB, đồng thời không có quan điểm về các ngân hàng còn lại.
Đứng ở góc độ dòng tiền, rõ ràng cổ phiếu ngân hàng đang được mua mạnh hoặc được nâng đỡ bởi những nhà đầu tư lớn. Các ngân hàng dẫn dắt sóng tăng như VCB, BID, CTG, ACB sẽ tiếp tục là động lực tăng của thị trường trong tương lai gần.
Diễn biến của các cổ phiếu mới lên sàn cũng đáng chú ý. Theo các ông/bà, vì sao một số cổ phiếu mới lên sàn như Vietnam Airline, Vinatex hay Novaland khó duy trì được hiệu ứng tăng giá như kỳ vọng trước đó?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS
Các cổ phiếu mới lưu hành như VietNam Airlines hay Novaland có vị thế rất lớn ở lĩnh vực họ hoạt động và có thể xem là thuộc top doanh nghiệp đứng đầu. Tuy nhiên, lịch sử hiệu quả kinh doanh trước khi niêm yết cho thấy không hiệu quả tương xứng với vị thế của họ.
Việc ngay khi niêm yết có kết quả kinh doanh vượt trội khiến nhiều nhà đầu tư đặt dấu hỏi và vì vậy sự hưng phấn mong chờ cũng đến lúc hạ nhiệt. Nói cách khác ngay sau khi niêm yết giá đã tăng 20% - 30% thì những nhà đầu tư đã mua OTC từ trước đó đã nhanh chóng thoát ra để chốt lời cho an toàn.
Vì vậy, câu chuyện cổ phiếu có tiếp tục tăng trưởng hay không tùy thuộc vào hoạt động của doanh nghiệp sau khi niêm yết và thị trường sẽ định giá lại các cổ phiếu này hợp lý hơn sau một thời gian nữa.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng môi giới, Agriseco
Tôi cho rằng, những "ông lớn" lên sàn này đều là những doanh nghiệp đầu ngành, quy mô lớn với nền tảng cơ bản vững mạnh, quản trị điều hành tốt.
Vì vậy, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này có thể lên xuống do tác động thị trường, nhưng về căn bản sẽ xoay quanh giá trị thực của nó, chứ không giao động mạnh như những cổ phiếu đầu cơ khác.
Ngoài ra, do đây đều là các cổ phiếu vốn hóa lớn, minh bạch nên khi lên sàn sẽ rất khó để đội lái có thể làm giá cổ phiếu như một số trường hợp trong năm 2016.
Ông Phạm Văn Khoa, Phòng vân tích, CTCK VNDIRECT
3 điểm quyết định khả năng tăng giá của cổ phiếu mơi niêm yết là tỷ lệ tự do chuyển nhượng, nhìn nhận của giới đầu tư về doanh nghiệp (bao gồm nhìn nhận về chiến lược phát triển, thị phần, khả năng tăng trưởng vv...) và ý muốn của những nhà đầu tư lớn.
Ông Phạm Văn Khoa
SAB là điển hình tăng giá mạnh khi lên sàn vì có cả 3 yếu tố này, tỷ lệ trôi nổi chỉ 1%, doanh nghiệp đầu ngành chiếm lĩnh thị phần và cổ đông lớn muốn giá thị trường cao.
Với NVL, các yếu tố này rất khác, tỷ lệ chuyển nhượng tự do lên tới 23%, kinh doanh trong lĩnh vực rất cạnh tranh và các chỉ tiêu định giá đều vượt quá xa trung bình ngành.
Dù thanh khoản đã tăng đáng kể nhưng trong những năm gần đây, đặc biệt là gần kỳ nghỉ Tết Âm lịch, thị trường thường có những biến động khá thất thường. Ông dự báo thế nào về xu hướng giao dịch trong tuần tới?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS
Thị trường về cuối tuần này có thể xem là sôi động khá bất ngờ và thanh khoản đã vượt qua mức trung bình hàng ngày.
Ông Nguyễn Hồng Khanh
Có thể một số cổ phiếu được đẩy mạnh giao dịch nhờ hoạt động chốt lời như HPG, HSG hay khối ngoại đang tăng cường mua trở lại như VNM, SSI, nhưng tựu chung lại, thị trường vẫn đón nhận sự quan tâm của nhà đầu tư dù trong khoảng thời gian này dù không có nhiều tin tức nổi bật hỗ trợ.
Tôi cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục phân hóa khi sắp tới các tin báo cáo kinh doanh năm công bố và dòng tiền sẽ chảy vào thị trường mạnh mẽ hơn. Trước mắt là các nhóm ngành ngân hàng, thép, tiêu dùng, tài chính vẫn sẽ thu hút đầu tư nhiều nhất nhờ sự hồi phục và tăng trưởng trong năm qua.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng môi giới, Agriseco
Các phiên đầu năm nay thị trường đã giao dịch khá tích cực và tôi cho rằng, đây là dấu hiệu tốt của thị trường trong tuần tới cũng như trong năm nay.
Tôi đánh giá thị trường nhiều khả năng vẫn sẽ tăng điểm nhẹ nhưng dòng tiền sẽ phân hóa vào một số ít cổ phiếu vốn hóa lớn có kết quả kinh doanh tốt hoặc mới lên sàn.
Độ rộng của thị trường sẽ thu hẹp và đa số cổ phiếu khác sẽ giảm điểm. Sau đó thị trường có thể lình xình đi ngang với các phiên tăng giảm xen kẽ và thanh khoản thấp trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Ông Phạm Văn Khoa, Phòng vân tích, CTCK VNDIRECT
Tôi nghĩ, Tết Âm lịch năm nay thị trường sẽ ổn định vì hiện tại mọi thứ đang diễn ra như vậy, chỉ số VN-Index duy trì tốc độ tăng vừa phải, thanh khoản đủ lớn, có dòng dẫn dắt và đều là các vốn hóa lớn chất lượng, như VCB và SAB chẳng hạn.