Góc nhìn chuyên gia: Lãi suất giảm chưa hẳn tốt cho chứng khoán
Chiều nay (12/8), FiinTrade tổ chức hội thảo Triển vọng và Cơ hội chứng khoán đến cuối năm 2020. Mở đầu hội thảo, các diễn giả đã thảo luận về mối quan hệ giữa xu hướng giảm của lãi suất và thị trường chứng khoán.
Không thể kì vọng lãi suất giảm vẫn tốt cho chứng khoán
Theo ông Đào Phúc Tường, Nguyên Giám đốc Đầu tư Quĩ APS Singapore, nếu đặt câu hỏi tại sao lãi suất thấp, chứng tỏ rằng doanh nghiệp làm ăn khó khăn thì lãi suất thấp. Doanh nghiệp làm ăn khó khăn chứng tỏ rủi ro chứng khoán cao lên.
Trong phương trình cân bằng về mặt giá chứng khoán đối với tác động của lãi suất thì luôn luôn có hai yếu tố. Một là, lãi suất rủi ro trái phiếu chính phủ giảm xuống. Nhưng yếu tố quan trọng hơn là risk premium (phần bù rủi ro) sẽ phải tăng lên.
Dẫn chứng tại thị trường Mỹ, lãi suất trái phiếu chính phủ trong 10 năm qua giảm rất sâu. Nhưng phần bù rủi ro của thị trường này hoàn toàn không giảm mà còn tăng lên.
Với góc nhìn kĩ thuật bằng định giá P/E, ông Tường cho rằng giá cổ phiếu cũng phụ thuộc vào tăng trưởng của doanh nghiệp. Khi lãi suất giảm xuống và tăng trưởng của doanh nghiệp giảm xuống sẽ tác động tiêu cực đến P/E. Trong trường hợp lãi suất giảm xuống mà tăng trưởng tăng lên tác động tích cực đến P/E, giá cổ phiếu sẽ tăng.
"Cho nên chúng ta không thể kì vọng rằng lãi suất giảm mà vẫn tốt cho chứng khoán. Nó sẽ giảm đến một mức độ nào đó. Còn với mặt bằng hiện tại thì theo quan điểm cá nhân của tôi thì lại là rủi ro cho chứng khoán, chứ không phải là tốt cho chứng khoán", ông Tường nhấn mạnh.
Lãi suất thấp kích hoạt dòng tiền chuyển sang trái phiếu
Liên quan đến chủ đề này, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Đầu tư PVIAM cho rằng lãi suất tiết kiệm giảm kích hoạt dòng tiền chuyển sang kênh trái phiếu.
Trước tiên, ông Linh có nhận định về xu hướng của lãi suất.
Hiện, mặt bằng lãi suất huy động hiện tại của các ngân hàng cổ phần qui mô vừa kì hạn 12 – 13 tháng nằm trong khoảng 6 – 6,5%. Lạm phát có thể kiểm soát ở mức dưới 4% thì xu hướng giảm thêm lãi suất là khả thi. Việc giảm thêm bao nhiêu còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường nhưng "room" để giảm thì thực tế của thể giảm được, ông Linh đánh giá.
"Chúng ta chắc chắn một điều là bối cảnh hiện tại thì cả chi phí đẩy và cầu kéo thì lạm phát không quá được 4% và có xu hướng giảm dần đầu. Vì khi chúng ta kiểm soát được giá thịt lợn thì lạm phát của Việt Nam sẽ thấp.
Về tỉ giá, BoT (cán cân thương mại) của Việt Nam trong năm nay sẽ dương. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm nay sẽ mua thêm được USD cho dự trữ ngoại hối. Như thế không phải quá lo về cán cân để phải giữ lãi suất ở mức cao. Mức lãi suất có thể xuống 5,8% vẫn là mức đủ hấp dẫn để giữ Việt Nam đồng thay vì giữ USD với lãi suất 0%", ông Nguyễn Đức Hùng Linh trả lời.
Nói về dịch chuyển kênh đầu tư, Giám đốc của PVIAM đánh giá việc giảm lãi suất đã kích dòng tiền chuyển sang đầu tư trái phiếu. Hiện trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp có lãi suất khoảng 10%. Đây là mức lãi suất hấp dẫn nếu như so với tiền gửi tiết kiệm.
Nếu gửi tiết kiệm tại các ngân hàng nhóm III, lãi suất đạt khoảng 8%. Mức chênh lãi suất 2% như vậy khiến nhiều người cảm thấy đủ để bù rủi ro khi bỏ tiền ra mua trái phiếu. Đặc biệt với những nhà đầu tư chuyên nghiệp đủ khả năng phân tích và định giá doanh nghiệp, tài sản đảm bảo sẽ thấy được rằng đó là những trái phiếu tốt để mua ở giai đoạn này, chuyên gia này nói thêm.