|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: Áp lực bán ngắn hạn chỉ mang tính kỹ thuật

15:29 | 30/08/2022
Chia sẻ
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Nhà sáng lập nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock, chúng ta đang ở vùng trũng thông tin và có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị trường lúc này, đặc biệt là về mặt tâm lý.

BTV Phương Nam và Nhà sáng lập nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock trong chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital. (Ảnh chụp màn hình). 

Tại chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital, ông Đỗ Bảo Ngọc, Nhà sáng lập nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock, cho rằng thị trường phiên đầu tuần phản ứng với những thông tin cuối tuần trước tiêu cực, chỉ số cũng như nhiều mã cổ phiếu đã bắt đầu giảm sâu.

Thị trường đã chịu áp lực rung lắc mạnh và tình hình có thể cải thiện dần trong các phiên sau bởi phiên đầu tuần là phiên giúp giải quyết vấn đề lo lắng về tâm lý của nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu khi họ bán ra trên thị trường.

Những nhà đầu tư có nhu cầu rút tiền trước kỳ nghỉ lễ dài ngày đã thực hiện giao dịch bán trong phiên hôm qua. Ngoài ra, từ 29/8, chu kỳ thanh toán T+1,5 chính thức có hiệu lực, các cổ phiếu giao dịch trong phiên thứ Năm tuần trước sẽ về tài khoản và có thể được bán ra vì vậy thị trường đã bắt đầu ghi nhận phiên sụt giảm mạnh đầu tiên.

Tuy nhiên ông Ngọc cho rằng chúng ta vẫn có khả năng tăng điểm trở lại ở những phiên trước kỳ nghỉ lễ khi tâm lý ổn định và trạng thái thị trường tốt hơn. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, thị trường ghi nhận 7 tuần tăng điểm liên tiếp, luôn duy trì xu hướng tích cực dù biên độ không quá lớn nhưng đến ngày 29/8, một sự điều chỉnh lớn đã xuất hiện.

Chúng ta đang phản ứng mạnh với thông tin. Một trong những yếu tố làm thị trường giảm mạnh ở cả Mỹ và Việt Nam chính là bởi thị trường đã tăng liên tiếp trong nhiều tuần. Quá trình tăng đó làm cho lượng lớn cổ phiếu ở mặt bằng giá cao và nền giá hồi phục của chỉ số cũng tương đối cao vì vậy khi đón nhận thông tin xấu sẽ khiến mọi người chốt lời quyết liệt hơn và làm cho thị trường ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong khoảng 2 tháng trở lại đây.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Nhà sáng lập tảng hỗ trợ đầu tư Fstock. (Ảnh chụp màn hình).

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, chúng ta đang ở vùng trũng thông tin và có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị trường lúc này, đặc biệt là về mặt tâm lý. Diễn biến trên thị trường trong phiên hôm qua nghiêng hẳn về bên bán, hầu hết các nhóm ngàng đều đỏ, chỉ những cổ phiếu đơn lẻ mới có thể duy trì sắc xanh.

Tâm lý nhà đầu tư bị tác động tiêu cực mạnh từ cuối tuần nhưng thanh khoản lại cải thiện, cao hơn trung bình so với 1 tuần trở lại đây bởi bên bán chiết khấu giá khá sâu. Ngoài ra, sức cầu hấp thụ tốt ở vùng giá thấp cũng đã làm cho thanh khoản chung tăng lên. Áp lực tâm lý đang dồn thị trường vào một trạng thái khá tiêu cực tuy nhiên vùng giá hiện tại vẫn tương đối hấp dẫn để nhà đầu tư mua vào nhằm tăng thanh khoản lên.

Theo ông Ngọc, lượng hàng T+2 đầu tiên về tài khoản có thể làm tăng thanh khoản của thị trường bởi trong trạng thái tâm lý yếu thì nhiều người sẽ bán ra. Tuy nhiên, áp lực bán ngắn hạn chỉ mang tính chất kỹ thuật.

Trong tháng 8, việc mua ròng của khối ngoại là một trong những yếu tố hỗ trợ cho thị trường tăng điểm tốt. Tuần trước, khối ngoại đã bán ròng tới 4 phiên trong tổng cộng 5 phiên, chỉ mua ròng 1 phiên vào ngày 25/8 nhưng mức bán ròng vẫn chưa quá lớn so với mức mua ròng.

Tính đến cuối tuần trước, khối ngoại đã mua ròng hơn 20.000 hợp đồng long phái sinh. Có thể nói, họ đang tương đối tự tin trong trạng thái hợp đồng phái sinh tháng 9 này cuối tháng cao hơn đầu tháng vì vậy họ mua ròng rất lớn. Tuy nhiên, sự kiện Fed ra những thông tin khá bất ngờ đã ảnh hưởng đến giao dịch của khối ngoại khiến họ phải bán ròng khoảng 2.000 hợp đồng.

Với trạng thái ngắn hạn, khối ngoại sẽ chịu áp lực bán ra bởi xu hướng chung của thị trường là đi xuống nhưng khi thị trường trở lại, bắt đầu cân bằng thì họ hoàn toàn có thể tiếp tục mua ròng bởi việc Fed tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát là không quá mới, chỉ là nó không đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư về thời điểm kết thúc thắt chặt và nới lỏng trở lại.

Linh Chi

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.