|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Góc khuất trong hệ thống nhân sự 'hai lớp' của Google

22:20 | 29/05/2019
Chia sẻ
Trong hệ thống nhân sự của gã khổng lồ Google, có tới 121.000 nhân viên phi chính thức, vốn đang nhận mức lương thấp, các khoản phúc lợi kém và đứng trước rủi ro bị sa thải lớn chứ không hề sáng láng như những nhân viên chính thức.

Năm 2017, Mindy Cruz chấp nhận công việc tạm thời là nhân viên tuyển dụng nhân sự tại trụ sở của Google ở Mountain View, bang California dù trước đó, cô nhận được lời mời làm vị trí toàn thời gian tại một công ty công nghệ lớn khác. Mức lương ở Google ít hơn và các khoản phúc lợi ở đây cũng không tốt bằng nhưng nó là bước đệm để giúp cô tiến gần ước mơ trở thành một Googler, tức nhân viên chính thức của Google.

Cruz là một trong số các nhân viên tạm thời và nhân viên hợp đồng ngắn hạn của Google - một lực lượng nhân sự  “trong bóng tối”, hiện vượt xa số lượng nhân viên toàn thời gian của Google. Nhưng cô không bao giờ thực hiện được bước nhảy sang nhân viên chính thức của Google. Cô nhanh chóng bị sa thải sau khi một quản lý ở Google nói với công ty cung ứng nhân viên tạm thời Search Wizards, bên đã giới thiệu cô đến làm việc ở Google rằng, ông ta muốn cô phải ra đi.

Cruz cho biết người quản lý này hứa hẹn sẽ chuyển cô sang làm việc nhân viên chính thức sau một năm làm việc. Quyết định sa thải diễn ra hồi tháng 2-2019 khi cô chuẩn bị viết đơn tố cáo người quản lý này quấy rối tình dục cô trong nhiều tháng, bao gồm có lần tìm cách hôn và đặt tay lên đùi cô. Search Wizards cho biết Google nói rằng cô không đáp ứng được các yêu cầu của công việc.

Một tháng sau đó, cô gửi khiếu nại đến Google và công ty đã tiến hành điều tra rồi sau đó sa thải người quản lý nói trên. Cruz đồng ý nhận tiền bồi thường của Google để hòa giải nhưng một phần của thỏa thuận hòa giải này là cô không được phép làm việc ở Google nữa.

“Tôi cảm thấy không công bằng. Họ đã cướp mất cơ hội rất lớn của tôi”, Cruz nói.

Góc khuất trong hệ thống nhân sự hai lớp của Google - Ảnh 1.

Mindy Cruz, nhân viên tuyển dụng nhân sự của Google, bị sa thải sau khi định tố cáo người quản lý quấy rối tình dục cô. Ảnh: NY Times

Các công ty công nghệ cao ở Mỹ từ lâu quảng bá hình ảnh môi trường làm việc bình đẳng, thoải mái và tiện nghi của họ. Và Google, có lẽ hơn bất kỳ công ty công nghệ nào khác, đại diện cho hình ảnh đó, với danh tiếng về mức lương và phúc lợi tuyệt vời cũng như các đặc quyền xa hoa khác mà các nhân viên ở các công ty khác phải ghen tị.

Nhưng Google ngày càng gia tăng sự phụ thuộc vào lực lượng nhân viên tạm thời và hợp đồng ngắn hạn.

Tính đến tháng 3-2019, Google đang sử dụng 121.000 nhân viên tạm thời và nhân viên hợp đồng ngắn hạn trên toàn thế giới, cao hơn so với lực lượng 102.000 nhân viên chính thức của công ty.

Dù thường làm việc bên cạnh các nhân viên chính thức của Google nhưng trên thực tế, các nhân viên tạm thời của Google được thuê và quản lý bởi các công ty cung ứng nhân sự tạm thời ở bên ngoài, sau đó cho Google thuê lại. Họ nhận mức lương thấp hơn và được hưởng các các khoản phúc lợi không đồng đều cũng như không được nghỉ phép có lương.

Đối xử tốt hơn với những nhân viên này là một trong những yêu cầu của những người tổ chức cuộc đình công của nhân viên Google vào năm ngoái để phản đối cách Google xử lý các khiếu nại quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

“Đã đến lúc phải chấm đứt hệ thống nhân sự hai lớp, xem một số nhân viên Google như những người không cần thiết và có thể thay thế” ban tổ chức cuộc đình công viết trên Twitter hồi tháng 3-2019.

Khi Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google, không đáp ứng những yêu cầu đó, một nhóm nhân viên dấu tên đã gửi thư ngỏ cho ban lãnh đạo Google, yêu cầu trả lương ngang bằng với nhân viên chính thức và tạo cho họ cơ hội thăng tiến tốt hơn. Hồi tháng 4 vừa qua, hàng trăm nhân viên Google đã ký một bức thư khác, phản đối việc sa thải khoảng 80% đội ngũ nhân viên tạm thời trong đó có 43 người đang tham gia phát triển lý trợ lý trí tuệ nhân tạo của Google.

Đáp lại, Google cho biết đang thay đổi một số chính sách để cải thiện điều kiện làm việc cho các nhân viên tạm thời và nhân viên hợp đồng ngắn hạn.

Góc khuất trong hệ thống nhân sự hai lớp của Google - Ảnh 2.

Bên trong văn phòng của Google ở New York, Mỹ. Google nổi tiếng là công ty có môi trường làm việc thân thiện, thoải mái và sáng tạo cho nhân viên. Ảnh: Stuff

Sự phụ thuộc vào lực lượng lao động tạm thời là một thực tế phổ biến ở Thung lũng Silicon. Theo OnContracting, một trang web tuyển dụng việc làm công nghệ ngắn hạn, lực lượng lao động tạm thời chiếm đến 40-50% lực lượng nhân sự ở hầu hết các công ty công nghệ.

OnContracting ước tính một công ty công nghệ có thể tiết kiệm trung bình 100.000 đô la Mỹ một năm cho mỗi vị trí công việc tại Mỹ bằng cách sử dụng nhân viên hợp đồng ngắn hạn thay vì nhân viên chính thức.

“Điều đó đang tạo ra một hệ thống giai tầng bên trong các công ty công nghệ”, Pradeep Chauhan, người sáng lập OnContracting, nói.

Khi Google trở thành một công ty đại chúng vào năm 2004, những người sáng lập của nó, Larry Page và Sergey Brin, viết rằng, việc tưởng thưởng cho nhân viên những khoản phúc lợi ngoài mong đợi là điều cần thiết vì “nhân viên của chúng tôi, những người tự gọi là Googler, là tất cả đối với công ty”.

Song không phải tất cả mọi người làm việc cho Google trong nhiều năm đều là Googler. Công ty đã sử dụng nhân viên tạm thời và nhân viên hợp đồng từ những năm đầu tiên sau khi thành lập. Theo một cựu nhân viên của Google, cách đây một thập kỷ, lực lượng lao động tạm thời này chiếm một phần ba quân số của Google và tỷ lệ này tiếp tục tăng lên đều đặn qua mỗi năm.

Các nhân viên tạm thời và hợp đồng của Google xử lý một loạt các công việc, từ kiểm duyệt nội dung đến kiểm nghiệm phần mềm. Lương của họ dao động ở nhiều mức khác nhau, từ 16 đô la Mỹ/giờ đối với biên tập nội dung mới vào làm việc đến mức 125 đô la/giờ đối với các nhà phát triển phần mềm tài năng.

Google thường trả lương cho nhân viên tạm thời thông qua các công ty cung ứng nhân sự tạm thời, nơi đang quản lý họ. Nhưng các nhân viên tạm thời và hợp đồng hiện tại và trước đây của Google nói rằng Google mới là người chủ thực sự của họ. Google quyết định những công việc họ làm cũng như địa điểm và thời giam làm việc của họ và thường quyết định xem có nên sa thải họ không và sa thải khi nào.

Góc khuất trong hệ thống nhân sự hai lớp của Google - Ảnh 3.

Google vẫn dựa vào những lao động tạm thời ngay cả khi tính chất công việc đòi hỏi phải cần tuyển dụng nhân viên chính thức. Khi bắt đầu tiến hành dự án nghiên cứu có mật danh Pygmalion vào năm 2014 để cải thiện công nghệ nhận dạng giọng nói, Google đã thuê các nhân viên tạm thời (nhiều người trong số họ có bằng tiến sĩ ngôn ngữ học) giúp diễn giải và cấu trúc hóa dữ liệu để các máy tính của Google có thể hiểu tốt hơn những gì mọi người đang nói.

Đội ngũ tham gia dự án này dần tăng lên khoảng 250 người và phần lớn là các nhân viên hợp đồng ngắn hạn. Một số nhân viên hợp đồng đã làm việc ở dự án đến hai năm, mức thời gian làm việc tối đa mà Google dành cho nhân viên hợp đồng. Sau đó, họ bị cho nghỉ việc 6 tháng trước khi quay trở lại làm việc với vai trò tương tự.

Khi dự án phát triển lớn hơn, các nhà quản lý ở Google ép các nhân viên hợp đồng phải làm nhiều giờ hơn. Trong một khiếu nại gửi đến bộ phận nhân sự Google, một nhân viên chính thức của Google cho biết các quản lý dự án ép các nhân viên hợp đồng làm nhiều giờ hơn so với quy định trong hợp đồng lao động của họ nhưng không được tính lương làm việc ngoài giờ. Google cho biết đã mở cuộc điều tra về sự việc này.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Lê Linh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.