|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Góc khuất nghề livestream

15:15 | 25/02/2024
Chia sẻ
Nhiều người tham gia ngành livestream với mong muốn nổi tiếng và cải thiện thu nhập nhưng họ không biết rằng muốn bước ra lại cực kỳ gian nan.

Giáo viên thư pháp Liu Fengyang từng nghĩ cánh cửa đến với làng giải trí đã xuất hiện với ông khi một công ty quản lý livestreamer liên hệ vào giữa năm ngoái.

Ở thời điểm đó, công ty hứa hẹn sẽ giúp người đàn ông 58 tuổi, nâng cao năng lực, từ đó ông sẽ kiếm được nhiều tiền hơn trên Douyin. Trước đó, ông Liu thường xuyên đăng video hát karaoke trên ứng dụng.

Liu ký hợp đồng với công ty, đồng ý livestream 4 tiếng/ngày và tham gia các trận "PK" – nơi những người có ảnh hưởng cạnh tranh với nhau để kiếm được quà ảo từ người hâm mộ.

Chia sẻ với tạp chí Rest of World, Liu lên sóng từ 5h sáng trong căn nhà của mình ở thành phố Đại Liên và ông làm điều đó trong suốt 20 ngày. Tuy vậy, những người xem chủ yếu là bạn bè và hàng xóm của ông. Đáng nói hơn cả, mặc dù ký hợp đồng hỗ trợ nhưng công ty quản lý chưa bao giờ gửi cho ông thiết bị, cũng như không đào tạo ông như đã hứa.

Ông luôn thua trong các trận PK với các cô gái trẻ. Liu ngừng livestream, nhận ra mình sẽ không kiếm được tiền. Sau đó, công ty đã kiện ông 200.000 nhân dân tệ (28.104 USD) vì vi phạm hợp đồng. Ông đã phải chật vật với vụ kiện trong nhiều tháng và tình trạng căng thẳng luôn thường trực.

"Tôi thậm chí còn không ngủ được," Liu nói.

 Ngành công nghiệp livestream của Trung Quốc bão hoà. (Ảnh: CNN).

Ngành công nghiệp livestream trị giá hàng tỷ đô la của Trung Quốc được thúc đẩy bởi khoảng 24.000 công ty quản lý. Đây là những công ty cung cấp chương trình đào tạo và trang thiết bị cho người livestream để giúp họ tăng người theo dõi và thu nhập.

Các công ty này lấy hoa hồng từ thu nhập của từng cá nhân có ảnh hưởng. Trong khi đó, để có thu nhập, người livestream phải hát hò, nhảy múa, lấy lòng khán giả hoặc dàn dựng những trò chơi nguy hiểm trên sóng.

Trong vài năm qua, các công ty quản lý tài năng đã tuyển dụng hàng loạt những người có tham vọng với lời hứa hẹn về con đường tắt đến với danh tiếng và tiền tài trong một thị trường việc làm khó khăn. Nhưng với thị trường người ảnh hưởng quá bão hòa và cạnh tranh gay gắt, một số người đang thấy mình mắc kẹt trong một công việc mệt mỏi, lương thấp mà nếu muốn thoát ra, họ sẽ mất một khoản tiền phạt không nhỏ.

Chỉ riêng trong tháng 12/2023, các tòa án Trung Quốc đã đưa ra ít nhất 23 phán quyết liên quan đến tranh chấp hợp đồng livestream, theo cơ sở dữ liệu chính thức China Judgements Online.

Người livestream được yêu cầu bồi thường cho các công ty về chi phí đào tạo, chỗ ở và thiết bị sau khi họ bỏ việc hoặc chuyển sang nền tảng cạnh tranh. Một số bị phạt vì livestream qua các tài khoản phụ cá nhân, để họ có thể tránh chia sẻ thu nhập với các công ty. Luật sư nói với Rest of World rằng nhiều xung đột khác đã được giải quyết thông qua hòa giải.

5 cựu livestreamer chia sẻ với Rest of World rằng họ đã bị thuyết phục ký hợp đồng livestream dài hạn. Nhưng sau đó lại gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu và không thể kiếm đủ tiền tặng ảo để trang trải cuộc sống.

Songqin, một cựu host (chủ một phiên livestream) 22 tuổi, cho biết cô đã ký hợp đồng với một công ty vào năm 2019 để livestream trên ứng dụng Huya. Bị thu hút bởi thu nhập cao, cô đã thực hiện những gì cô mô tả là "những điệu nhảy gợi cảm" trong 6 đến 10 tiếng mỗi ngày. Cuối cùng, cô quyết định nghỉ việc sau khi quản lý yêu cầu cô gửi ảnh gợi dục của mình cho người xem.

Hợp đồng của Songqin quy định cô sẽ phải nộp phạt 300.000 nhân dân tệ (42.158 USD) nếu không hoàn thành hai năm làm việc.

Sau một vụ kiện kéo dài, tòa án đã ra lệnh cô phải trả 100.000 nhân dân tệ (14.051 USD) vì vi phạm hợp đồng. Theo hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc, những người không tuân theo lệnh của tòa án có thể bị hạn chế mua vé máy bay và tàu hỏa. Songqin cho biết cô không có tiền để trả tiền phạt và không thể đi du lịch hay về thăm gia đình.

Tao - một người có ảnh hưởng ở thành phố Trùng Khánh, đã ký hợp đồng bán thời gian hai năm với một công ty quản lý tài năng vào tháng 11 năm ngoái.

Thỏa thuận quy định cô sẽ livestream trên Douyin ba giờ mỗi ngày, 23 ngày mỗi tháng. Công ty sẽ cung cấp đào tạo, thiết bị và quảng bá, đồng thời đảm bảo cô được trả ít nhất 5.000 nhân dân tệ (703 USD) mỗi tháng trong ba tháng đầu tiên. Tao cũng sẽ được hưởng 25% thu nhập livestream của mình, theo bản sao hợp đồng cô cung cấp cho Rest of World.

Nhưng sau vài ngày livestream, Tào nhận ra cô ghét công việc này. Nó đòi hỏi cô phải nói chuyện với một màn hình không có người xem trong nhiều giờ hoặc lấy lòng các khách hàng nam. Sau khi công ty từ chối yêu cầu hủy hợp đồng của cô, Tao ngừng livestream. Hai tháng sau, cô nhận được một lá thư từ luật sư yêu cầu 153.989 nhân dân tệ (21.409 USD) vì vi phạm hợp đồng.

"Họ không cho tôi đi. Có quá nhiều cạm bẫy trong ngành",cô gái 28 tuổi nói.

Zhen Ye, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Erasmus Rotterdam nghiên cứu ngành công nghiệp livestream của Trung Quốc, nói rằng các công ty quản lý tuyển dụng tích cực vì họ phải cung cấp một số lượng người có ảnh hưởng đủ cho các công ty truyền thông xã hội như một điều kiện tiên quyết để kiếm thêm lợi nhuận.

Trước sự bùng nổ của livestream, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các quy định mới về các công ty quản lý tài năng. Ví dụ, một quy định năm 2021 đã cấm các công ty tuyển dụng người dưới 16 tuổi.

Năm 2022, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã giải quyết vi phạm hợp đồng do livestreamer thực hiện, lưu ý rằng các thẩm phán địa phương nên quyết định số tiền phạt theo mức thu nhập của người livestream và khoản đầu tư của công ty, thay vì tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản của hợp đồng.

 Những khoản bồi thường hợp đồng đắt đỏ khiến người livestream khó có thể rút khỏi ngành. (Ảnh: Reuters).

Ye cho biết các quy định hiện tại quá mơ hồ để bảo vệ người sáng tạo khỏi những lạm dụng tiềm ẩn. "Các quy tắc cụ thể tập trung vào thời gian lao động, quyền lợi và phúc lợi hợp pháp của người livestream vẫn chưa được hình thành," cô nói.

Theo các luật sư và nhà nghiên cứu đã trao đổi với Rest of World, do những hợp đồng kiểu này thường được viết dưới dạng thỏa thuận kinh doanh thay vì hợp đồng lao động nên khó có thể đảm bảo quyền lợi lao động cho người livestream.

Trong một bình luận, ByteDance, công ty mẹ Douyin, đã nói về cơ chế hòa giải tranh chấp của họ, cho phép người livestream khiếu nại các công ty quản lý.

Douyin cũng trừng phạt các công ty quản lý livestream bị phát hiện lừa đảo người sáng tạo, bằng cách trục xuất các công ty này hoặc trừ điểm "xếp hạng uy tín" của họ.

Ứng dụng livestream Huya không phản hồi yêu cầu bình luận.

Các luật sư chuyên về ngành giải trí trực tuyến cho biết tranh chấp giữa các công ty và người livestream đang gia tăng.

Luật sư Liu Xiaoqing ở Vũ Hán nói rằng công ty của cô đã xử lý hơn 200 vụ án liên quan đến hợp đồng livestream trong năm 2023. Cô cho biết nhiều sinh viên đại học trẻ đã ký các thỏa thuận như vậy mà không hiểu các điều khoản pháp lý.

Những lý do phổ biến để bỏ việc bao gồm căng thẳng về tinh thần và thu nhập thấp - 95,2% những người coi livestream là nguồn thu nhập chính của họ, dù chỉ kiếm được dưới 5.000 nhân dân tệ (702 USD) mỗi tháng, theo báo cáo ngành công nghiệp năm 2022 của Hiệp hội Nghệ sĩ Biểu diễn Trung Quốc.

"Họ vi phạm hợp đồng vì họ kiệt sức về thể chất và tinh thần," Liu nói.

Jason Jiang, một luật sư ở Hàng Châu, nơi tập trung nhiều công ty quản lý người ảnh hưởng, cho biết các hợp đồng livestream đôi khi yêu cầu khoản bồi thường lên đến hàng trăm nghìn đô la Mỹ trong trường hợp vi phạm. Ông nói, một số công ty kiện những người livestream phá vỡ hợp đồng như một cách ngăn chặn những người khác rời đi.

Trong khi đó, đối với Liu Yangfeng, sự nghiệp ca hát tươi sáng được hứa hẹn với ông là một lời dối trá. Ông đã thuê luật sư và đang gửi đơn khiếu nại công ty quản lý tài năng lên các quan chức chính phủ.

"Tôi sẽ không livestream nữa. Nó thật hạ thấp giá trị bản thân", ông nói.

Thành Vũ