|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gỗ và cao su - 'môi hở, răng lạnh'

14:38 | 30/09/2018
Chia sẻ
Vào giai đoạn 2018-2030, khối lượng gỗ thanh lý từ cao su đại điền sẽ giảm đáng kể. Với tốc độ phát triển của ngành đồ gỗ Việt Nam hiện nay thì việc có đủ nguyên liệu cho mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025 đang đối mặt với thách thức lớn. Thông tin từ Hội thảo Thực trạng nguồn cung gỗ cao su Việt Nam vừa diễn ra tại TPHCM. - Thông tin chính thống hoạt động, quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao; và thế giới...

Cây cao su: Giá mủ tuột dốc, giá gỗ thăng hạng

Theo Báo cáo được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu gồm Forest Trends (Tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy bảo tồn và quản lý rừng bền vững), các Hiệp hội Gỗ & Lâm sản nhiều tỉnh thành cùng Hiệp hội Cao su Việt Nam, Việt Nam là quốc gia có lượng cung mủ cao su hàng năm lớn thứ 3 toàn cầu. Sau khi đạt tới mức giá đỉnh điểm hồi năm 2008, mủ cao su cũng như nhiều loại nguyên liệu đầu vào khác cho sản xuất công nghiệp vấp phải cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Thừa cung xuất hiện khiến giá mủ cao su sau giai đoạn tuột dốc đến nay vẫn ở trạng thái bấp bênh. Bởi đơn giản ngay tại Việt Nam, sản lượng cao su tiểu điền - do người dân tự trồng ở quy mô nhỏ và đang chiếm quá nửa tổng lượng cung mủ cao su của Việt Nam hàng năm - vẫn không ngừng tăng lên. Và cao su tiểu điền lại là kênh rất khó “tác động” giảm sản lượng để giữ giá.

Thống kê từ báo cáo trên cũng cho thấy tổng diện tích cao su chưa tới tuổi khai thác của Việt Nam hoặc do người dân không thu hoạch để chờ giá lên vẫn còn trên 316 nghìn hecta, tức dư địa tăng sản lượng còn rất lớn. Ở các nước khác, tình hình “găm hàng” cũng diễn ra tương tự. Vì vậy theo các chuyên gia, giá cao su thiên nhiên trong khoảng 10 năm tới sẽ rất khó phục hồi như thời “hoàng kim” năm 2008.

Trong bối cảnh ấy, cùng với sự khởi sắc của ngành sản xuất gỗ Việt Nam, giá gỗ cao su trong nước cũng theo đó đi lên không ngừng. Nhờ vậy, suốt thời gian giá mủ cao su lao đao, ngành cao su đã “cầm cự” bằng các nguồn thu thay thế từ rừng cao su như: Xen canh các loại cây trồng, vật nuôi khác, tiết giảm chi phí sản xuất, trong đó, nguồn thu quan trọng hơn cả đến từ khai thác cây cao su để lấy gỗ.

Thống kê năm 2017 cho thấy trong tổng số 6,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành cao su, có 1/3 là qua xuất khẩu sản phẩm gỗ. “Cần có chu kỳ thanh lý cây cao su hợp lý để không chỉ đáp ứng nguồn cung nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ trong nước mà còn góp phần cân đối giá cao su nguyên liệu trên thế giới”, TS Trần Thị Thúy Hoa - Trưởng ban Tư vấn Phát triển Cao su (Hiệp hội Cao su Việt Nam) - thay mặt nhóm nghiên cứu thực trạng ngành cao su nêu khuyến nghị

Để chế biến gỗ “nắm chặt tay” cao su

Theo TS Nguyễn Vinh Quang - chuyên gia từ Forest Trends, nguồn cung nguyên liệu gỗ cao su trong nước giai đoạn 2015-2017 ước khoảng 4,5 triệu mét khối/năm. Trong đó, 4 triệu mét khối đến từ cao su đại điền - rừng cao su thuộc các DN nhà nước là thành viên của Tập đoàn Cao su Việt Nam - còn lại là từ các vườn cao su tiểu điền. Tuy nhiên vào giai đoạn 2018-2030, khối lượng gỗ thanh lý từ cao su đại điền sẽ giảm đáng kể (theo Kế hoạch trồng trọt, thanh lý cây cao su của Tập đoàn cao su Việt Nam).

Do đó, với tốc độ phát triển của ngành đồ gỗ Việt Nam hiện nay thì việc có đủ nguyên liệu cho mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025 đang đối mặt với thách thức lớn.

Đồng tình với đa số ý kiến tại các báo cáo, ông Trần Minh - Trưởng Ban Công nghiệp Tập đoàn Cao su Việt Nam - đã khẳng định cho dù trữ lượng gỗ cao su ngày càng giảm nhưng ngành cao su có thể ưu tiên, chọn lọc giống cây trồng để phục vụ mục tiêu phát triển gỗ cao su thành nguồn thu chính cho toàn ngành. Ngành cũng đang xây dựng các nhà máy xẻ gỗ - sấy gỗ gần rừng cao su nhất, thực hiện thanh lý cây cao su rải rác trong năm để có thể kịp thời xử lý toàn bộ gỗ nguyên liệu đạt chuẩn.

“Chúng tôi cũng mong liên kết với các DN chế biến gỗ - nơi mà các DN gỗ tư nhân đang có công nghệ rất tốt và hệ thống quản trị hiệu quả. Trong các liên doanh đó, ngành cao su không quá quan tâm tới tỷ lệ nắm giữ cổ phần, có thể chỉ là 15-20%, miễn là bán được gỗ chất lượng tốt và thu được lợi nhuận cho ngành cao su”, ông Minh nêu đề xuất cụ thể.

Thu mua gỗ cao su nguyên liệu: Nhiều DN Việt “yếu thế”

Dù nguồn cung gỗ cao su trong nước dự báo sẽ hạn hẹp dần nhưng bài toán nhập khẩu nguyên liệu cũng khó khả thi do Trung Quốc và nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á đã đồng loạt thực thi chính sách đóng cửa rừng hoặc hạn chế xuất khẩu gỗ cao su để “bảo hộ” nguồn cung nguyên liệu trong nước.

Trong khi cuộc tranh mua nguyên liệu với các “đội nhà” đã khá căng thẳng thì trước những DN “ngoại binh” núp bóng người Việt thu mua nguyên liệu xuất khẩu, nhiều DN đồ gỗ trong nước đang tỏ ra yếu thế.

Báo cáo Chuỗi cung gỗ Cao su Việt Nam được công bố ở Hội thảo Thực trạng nguồn cung gỗ cao su Việt Nam đã đồng thời nhận định các công ty chế biến gỗ trong nước cũng không thể cạnh tranh với tư thương nước ngoài khi thu mua gỗ cao su tiểu điền do kém hơn trong tổ chức hệ thống thu mua và cạnh tranh về giá. Ông Hoàng Ích Tuân, Giám đốc Thu mua Công ty CP Tekcom (Bình Dương) cho rằng vì giá gỗ cao su “nhảy” liên tục nên hiếm có DN Việt nào “dám” ký hợp đồng dài quá 6 tháng để cung cấp sản phẩm từ gỗ cao su. “Gặp đơn hàng này, DN phải thuyết phục bên mua chấp nhận dùng nguyên liệu là các loại gỗ nhập khẩu khác. Khi đó, phần giá trị gia tăng còn lại ở Việt Nam không nhiều”, ông Tuân chia sẻ.

Tuy nhiên, “nếu ngành gỗ kiến nghị Chính phủ dùng công cụ thuế để hạn chế xuất khẩu gỗ cao su nguyên liệu thì chỉ có các nhà chế biến gỗ nhận được lợi ích. Còn những nông hộ trồng cao su tiểu điền sẽ là nhóm chịu thiệt thòi do giá nguyên liệu giảm”, Báo cáo Chuỗi cung gỗ Cao su Việt Nam nhận xét.

Trong khi đó, những thông tin ban đầu từ giới DN đồ gỗ cho thấy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang khiến người mua đồ gỗ thế giới “đổ xô” về phía Việt Nam. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương - thủ phủ của ngành đồ gỗ Việt Nam - cho hay “vài tháng gần đây, khách hàng tới nhiều vô kể, nhất là từ thị trường Mỹ. Phòng Kinh doanh của chúng tôi thậm chí không kịp báo giá cho khách!”.

Có vẻ như gỡ được những vướng mắc về nguồn cung gỗ cao su lúc này cũng đồng nghĩa với ngành đồ gỗ sẽ có “át chủ bài” để không lỡ nhịp trong cuộc cạnh tranh chinh phục các thị trường tiềm năng.

Phương Hiền

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.